Nguồn Lợi Thuỷ Sản Dễ Tái Tạo, Khó Bảo Vệ

Trong những năm gần đây, nguồn lợi thuỷ sản của Cà Mau ngày càng trở nên cạn kiệt bởi sự khai thác bừa bãi, quá mức.
Để kịp thời tái tạo và bổ sung nguồn lợi này, Dự án “Tái tạo, thả bổ sung giống thuỷ sản tại một số cửa sông nội đồng, ven biển tỉnh Cà Mau” đã được thực hiện gần 2 năm qua, nhưng để được kết quả như mục tiêu đề ra còn rất nhiều việc phải làm.
Dễ tái tạo…
Ngày 13/2/2012, Chính phủ ban hành Quyết định số 188/QÐ-TTG phê duyệt chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2020 và Dự án “Tái tạo, thả bổ sung giống thuỷ sản tại một số cửa sông nội đồng, ven biển tỉnh Cà Mau” cũng được hình thành sau đó.
Bằng cách thả giống bổ sung hằng năm vào một số thuỷ vực tự nhiên có điều kiện phát triển một số loài thuỷ sản bản địa có nguy cơ tuyệt chủng và mang giá trị kinh tế cao, cũng như tăng mật độ quần thể các loài thuỷ sản đã bị khai thác cạn kiệt, dự án nhằm mục tiêu giúp lập lại cân bằng sinh thái, ổn định quần xã sinh vật thuỷ sinh trong các thuỷ vực; đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về tầm quan trọng, bảo vệ tốt hơn nguồn lợi thuỷ sản.
Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (KT&BVNLTS) Cà Mau Ðỗ Chí Sĩ cho biết: “Việc tái tạo và khôi phục nguồn lợi thuỷ sản đã được xây dựng và thực hiện đến nay cũng đã nhiều năm, nhưng chủ yếu vào các dịp ngày truyền thống nghề cá, dưới hình thức vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cá giống và chỉ thả một số ít loài, chưa mang tính triển khai rộng.
Nhưng khi có Quyết định 188 của Chính phủ, công tác này được đầu tư có trọng tâm hơn, nhất là 2 năm trở lại đây, việc tái tạo nguồn lợi được quan tâm đúng mức”.
Ðể thực hiện dự án này, năm 2013 Chi cục KT&BVNLTS tiến hành thả gần 1,2 triệu con giống gồm 13 loại giống các loại cho vùng nước mặn và ngọt trên 7 huyện, TP Cà Mau với tổng kinh phí thực hiện gần 200 triệu đồng. Riêng năm 2014, Chi cục thực hiện thả cá giống khu vực vùng ven biển với khoảng 9 triệu con giống.
Trong đó có các loài như: tôm thẻ, tôm sú, cá bóp, cá mú, cá dứa, cá chẽm, cua biển rải đều ở các cửa biển như: Ðá Bạc, Sông Ðốc, đầm Thị Tường, Khu bảo tồn biển Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, cửa biển Hố Gùi, Rạch Gốc…
Ông Võ Công Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Vừa qua xã được thả gần 8.500 con giống các loại. Nhìn chung, chất lượng con giống tốt, đồng đều, thích nghi tốt với điều kiện môi trường. Ðây là nguồn lợi bổ sung kịp thời trước sự suy kiệt của các loài thuỷ sản mà ngư dân địa phương đánh bắt”.
… Khó bảo vệ
Không chỉ bổ sung về nguồn lợi ven biển, nguồn lợi nội đồng cũng được “đầu tư” với khoảng 700.000 con giống cá nước ngọt gồm các loại như: cá trê, cá chạch, cá lăng, cá dày, tôm càng xanh.
Ông Ðỗ Chí Sĩ bộc bạch: “Trong năm 2014, tổng kinh phí thực hiện tái tạo giống gần 900 triệu đồng với khoảng 14 loại con giống nước mặn, lợ và ngọt, tăng gấp 4 lần so với thực hiện năm 2013.
Tuỳ vào điều kiện thực tế của từng vùng và đề xuất của từng địa phương mà bố trí nơi thả, con giống phù hợp để bảo đảm các loài thuỷ sản phát triển tốt. Dự kiến năm 2015 việc tái tạo, bổ sung sẽ được đầu tư nhiều hơn nữa”.
Nhìn chung, sau khi thả giống, các loài thuỷ sản phát triển khá tốt, bà con sinh sống trong khu vực rất đồng tình, chính quyền địa phương ra sức bảo vệ, từng bước tái tạo nguồn lợi thuỷ sản.
Ông Nguyễn Văn Quang, ấp Mũi Tràm B, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, nhớ lại: “Ở đây lúc trước cá đồng nhiều vô số kể, chỉ cần cắm câu 1 đêm thôi đã thu về gần 10 kg cá, không chỉ cải thiện bữa ăn hằng ngày cho người dân mà còn tăng thu nhập. Thế nhưng, giờ lượng cá giảm nhiều rồi vì sự khai thác bằng xung điện. Dù dân ở đây có ý thức bảo vệ nhưng nguồn lợi cũng cạn kiệt dần.
Sự quan tâm kịp thời bổ sung nguồn cá đồng không chỉ khiến chúng tôi phấn khởi mà còn tăng nguồn lợi cá, tôm thiên nhiên”.
Tuy nhiên, vấn đề tái tạo, bổ sung cũng vấp phải nhiều nan giải nếu như ý thức bảo vệ của chính quyền địa phương và của chính ngư dân chưa cao. Ông Ðỗ Chí Sĩ lo ngại: “Thực tế khó tránh khỏi trường hợp giống thuỷ sản được bổ sung chưa kịp phát triển đã bị các phương tiện khai thác, triệt tiêu.
Do vậy, để nguồn lợi tái tạo thật sự mang lại hiệu quả, chi cục thường tiến hành cho thả những nơi ít tập trung tàu bè, phối hợp tuyên truyền nâng cao ý thức người dân để bảo đảm các loài thuỷ sản cư trú, sinh trưởng tốt”.
Ngoài ra, yếu tố môi trường cũng tác động không ít tới chất lượng thả giống. Thực tế hiện các thuỷ vực bị ô nhiễm nhiều bởi các nhà máy chế biến thuỷ sản, các khu công nghiệp làm nguồn nước ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống các loài thuỷ sản.
Do vậy, để tái tạo hiệu quả và bảo vệ an toàn nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên, ngoài ý thức người dân còn đòi hỏi sự vào cuộc của các ngành, chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn, xử lý những hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường, xử phạt những trường hợp khai thác triệt tiêu nguồn lợi thuỷ sản nhằm trả lại môi trường sống cho các loài thuỷ sinh, tái tạo bền vững nguồn tài nguyên này.
Có thể bạn quan tâm

Chuyện đã qua, nhưng hậu quả thì đến hôm nay vẫn chưa giải quyết được, mà trước hết là sự lúng túng trong việc hỗ trợ vốn để người dân tái đầu tư, gây dựng lại thương hiệu tu hài Vân Đồn...

Thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) lâu nay người dân thường trồng cây phi lao (dương liễu). Tuy không đem lại giá trị kinh tế cao, những cánh rừng phi lao dọc bờ biển này có tác dụng chắn gió, chắn cát và giữ đất. Nhưng trước sức hút của con tôm, người dân đã chặt phá hết cây, thuê xe máy đào, máy ủi bạt rừng để lấy đất đào hồ nuôi tôm. Gia đình bà Trương Thị Vân trước đây làm nghề đi biển, nhưng thấy nuôi tôm có giá nên cũng thuê đất đào hồ tôm.

Nhằm góp phần bảo vệ & phát triển nguồn lợi thủy sản, nằm trong các hoạt động hướng tới kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản (1-4-1959 - 1-4-2014), vừa qua tại khu vực nuôi trồng thủy sản ấp Cồn Cống, xã Phú Tân, Chi cục Thủy sản phối hợp với Hội Nghề cá tỉnh, Phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) và chính quyền xã tổ chức thả 60 ngàn con tôm sú giống ra môi trường thiên nhiên.

Từ đầu năm đến nay, giá heo thịt, heo giống trên địa bàn tỉnh Bình Định tăng khá mạnh. Thời điểm này, giá heo hơi được các thương lái thu mua trên địa bàn thị xã An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát… dao động từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, heo giống từ 68.000-75.000 đồng/kg.

Dẫu vất vả, cực nhọc, quanh năm “lấy ruộng đồng làm nhà” và đối mặt với nguy cơ trắng tay hay có thể nhiễm bệnh khi có dịch cúm gia cầm, song nhiều gia đình vẫn xem nghề chăn vịt là nghề chính, có người gắn bó với nghề này gần trọn cuộc đời…