Nguồn Cung Thực Phẩm Từ Gia Súc, Gia Cầm Dồi Dào

Theo Sở NN-PTNT, ngành chăn nuôi của BR-VT hiện nay phát triển mạnh, nguồn cung các loại gia súc và gia cầm khá dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của thị trường Tết. Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được ngành nông nghiệp chú trọng thực hiện trong thời gian qua.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 14/134 trang trại chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ chuồng lạnh.
Không thiếu nguồn cung
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, trên địa bàn tỉnh có tổng đàn heo hơn 340.000 con, gia cầm gần 3,5 triệu con và đàn bò 36.000 con; sản lượng thịt hơi các loại đạt gần 80.000 tấn/năm.
Chăn nuôi gia cầm trang trại chiếm khoảng 41% tổng đàn với 76 trang trại; còn chăn nuôi heo có 152 trang trại, chiếm 57% tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh. Tết Nguyên đán được coi là thời kỳ “cao điểm” về sức tiêu thụ các loại thực phẩm từ gia súc, gia cầm nên các chủ chăn nuôi đã chuẩn bị sẵn nguồn thực phẩm cung ứng cho thị trường trước, trong và sau Tết.
Bà Mai Thị Hương, xã Long Phước (TP. Bà Rịa), người có thâm niên nuôi bò hơn 10 năm nay cho biết, vào dịp Tết Nguyên đán, người chăn nuôi tích cực chăm sóc cho đàn bò để xuất bán.
Ngoài việc chăn nuôi từ con giống, thời gian này người chăn nuôi bò còn mua những con bò gầy có giá rẻ, sau đó vỗ béo bằng cách cho ăn đủ chất theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp rồi bán ra trong dịp Tết. Thị trường tiêu thụ thịt bò dịp cuối năm lớn, thương lái trong và ngoài tỉnh đến tận nhà để thu mua, nên người nuôi bò không phải lo đầu ra.
Còn theo chị Nguyễn Thị Nhuần, hộ chăn nuôi heo thịt với số lượng gần 200 con/năm tại xã Bình Ba (huyện Châu Đức), Tết Nguyên đán được coi là cơ hội “vàng” cho người nuôi heo, từ 3 tháng trước các hộ chăn nuôi tranh thủ tăng đàn để kịp xuất bán trong dịp Tết.
Hiện nay, dịch bệnh được kiểm soát, phương pháp nuôi an toàn được triển khai rộng rãi nên nguồn heo cung cấp cho thị trường Tết rất dồi dào. Dự báo, giá các loại mặt hàng thực phẩm từ gia súc, gia cầm chỉ tăng nhẹ dù sức mua cao hơn so với ngày thường.
Chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm
Từ năm 2010, Sở NN-PTNT đã thực hiện dự án “Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật giai đoạn 2010-2015” với kinh phí hơn 8,782 tỷ đồng. Ông Lê Tuấn Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, dự án này đã nâng cao trình độ nhận thức về sự nguy hiểm của dịch bệnh và các biện pháp phòng ngừa để người chăn nuôi chủ động phòng chống dịch.
Việc thực hiện dự án luôn gắn liền với công tác an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và phù hợp với định hướng của Bộ NN-PTNT về chăn nuôi. Sau một thời gian triển khai, Cục Thú y đã công nhận BR-VT có 65 trại heo an toàn dịch bệnh với gần 173.000 con, chiếm 29,94% tổng đàn heo toàn tỉnh. Hiện các huyện Long Điền, Đất Đỏ và Côn Đảo đang triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tả heo trên đàn gia súc và an toàn bệnh dại.
Việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi và trồng trọt cũng phát triển mạnh. Theo thống kê của Sở NN-PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 14/134 trang trại chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ chuồng lạnh cho khoảng 58.000 con heo.
Trong đó, có 5 trang trại nuôi bán tự động với tổng đàn 24.000 con; 1 trang trại áp dụng công nghệ tự động gồm 2.600 con heo nái chất lượng cao với các khâu sát trùng, ăn uống, theo dõi; 18 trang trại chăn nuôi gà cũng đang áp dụng công nghệ cao, với mô hình chuồng lạnh, chăm sóc, nuôi dưỡng, tổng đàn gần 2 triệu con. Do đó, người tiêu dùng có thể yên tâm về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm từ nguồn cung trong tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Hiện tại, giá ớt được thu mua với giá 40.000 đồng/kg. Cứ cách 2 ngày anh thu hoạch một lần, năng suất từ 40 - 50kg/công, vào những đợt thu hoạch rộ ớt sừng vàng châu Phi còn cho năng suất 150-180kg/công. Sau khi trừ hết chi phí, anh lời từ 30 triệu đồng - 40 triệu đồng/2 công ớt”.

Vừa qua, tại Khu du lịch Mỹ Trà, TP. Cao Lãnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức diễn đàn về ngành hàng xoài. Đại diện Viện Cây ăn quả Miền Nam, Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu long, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, các sở, ngành, doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cùng với gần 200 nông dân là nhà vườn các huyện Cao Lãnh, Lấp Vò và TP. Cao Lãnh tham dự diễn đàn.

Hiện tại, khoảng 20% diện tích bị rầy nâu gây hại trong số 900ha lúa hè - thu trà sớm (giai đoạn chín) đang được thu hoạch. Còn số diện tích lúa hè - thu chính vụ (giai đoạn ngậm sữa) bị rầy nâu gây hại cũng đã được người dân dùng nhiều biện pháp để diệt trừ.

Trong thời chiến, xã Hỏa Tiến là vùng đất anh hùng. Còn trong thời bình, Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây luôn vững vàng ý chí, cùng một niềm tin và quyết tâm trong “cuộc chiến” chống đói nghèo và công cuộc xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

“Đây thực sự là thiên đường nuôi tôm trên cát” - một bậc thầy trong lĩnh vực thủy sản ở Quảng Nam đã đúc rút điều này khi tận mắt chứng kiến “cơ ngơi” của chị Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Sao Đại Dương (Thạch Trị - Thạch Hà). Bí quyết “vẽ” nên bức tranh hoàn mĩ ấy chính là tập thể những con người đang gắn bó máu thịt với từng hồ tôm, với niềm tin tuyệt đối vào tấm lòng và bản lĩnh của nữ giám đốc này.