Người ương giống và nuôi cá tra mong muốn giá ổn định hơn

Hiện nay, giá cá tra giống các loại giảm từ 8.000 - 10.000 đồng/kg so với đầu tháng 5/2015, khiến giá bán cá tra giống thấp hơn giá thành sản xuất, nông dân ương cá giống rất lo lắng. Ông Trần Văn Ron, ở ấp 1, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, những ngày gần đây, thương lái mua cá tra giống tại ao ương của nông dân loại 50 con/kg (cỡ 1,7 cm) giá 19.000 đồng/kg, loại 30 con/kg (cỡ 2 cm) giá 17.000 đồng/kg.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Linh, thương lái thu gom cá tra giống ở xã Mỹ Thành Bắc cung cấp cho người nuôi cá tra thương phẩm ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay, giá cá tra giống loại 30 con/kg bán cho chủ ao nuôi cá, giao tại ao của người nuôi, bao cá chết trong vòng 7 ngày (cá chết trong 7 ngày sẽ được người bán bù lại số lượng cá tương đương) có giá 27.000 đồng/kg, tính ra giá cá tra giống đã giảm gần 10.000 đồng/kg so với hơn 1 tháng trước.
Theo ông Ron, nguyên nhân khiến cá tra giống giảm mạnh trong thời gian qua là do thị trường xuất khẩu cá tra những tháng đầu năm gặp khó khăn, dẫn đến giá cá tra thương phẩm giảm còn 19.500 - 19.700 đồng/kg, từ đó làm cho người nuôi cá tra thương phẩm ngại thả giống, kéo theo giá cá tra giống giảm mạnh.
Nhiều nông dân ương cá tra giống ở huyện Cai Lậy cho biết, thời gian ương từ cá tra bột lên cá tra giống khoảng 2 - 2,5 tháng. Khi cá đạt cỡ 30 - 50 con/kg sẽ được thu hoạch tùy theo yêu cầu của người mua giống. Để sản xuất được 1 kg cá tra giống, người nuôi phải đầu tư nhiều khoản như: Tiền thức ăn, thuốc thú y thủy sản, cải tạo ao, công lao động và các chi phí khác... với giá thành sản xuất khoảng 20.000 - 22.000 đồng/kg.
Với giá bán cá tra giống hiện nay, người ương cá tra lỗ từ 3.000 - 5.000 đồng/kg; năng suất ương cá tra giống bình quân đạt khoảng 1 - 2 tấn cá giống/công (mỗi công bằng 1.000 m2), tính ra nông dân ương cá tra giống lỗ 3 - 10 triệu đồng/công. Trước tình hình giá cả không ổn như hiện nay, nông dân chỉ mong giá cá tra giống ổn định ở mức 25.000 - 27.000 đồng/kg, để họ an tâm sản xuất.
Đối với người nuôi cá tra thương phẩm, giá cá tra giống thấp lại là cơ hội để giảm chi phí con giống, hạ giá thành sản xuất cho vụ nuôi mới. Ông Nguyễn Văn Đời, nông dân có hơn 10 ha ao nuôi cá tra thương phẩm ở ấp Tân An, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy cho biết, nhờ giá cá giống thấp mà đợt thả cá giống cho vụ nuôi mới vừa qua, ông giảm chi phí cho khoản cá giống hơn 350 triệu đồng.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, Tiền Giang hiện có hơn 200 ha ương cá tra giống, sản lượng giống cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 200 triệu cá giống. Trong khi đó, diện tích nuôi cá tra thịt toàn tỉnh khoảng 123 ha, hàng năm, cần 80 triệu cá tra giống thả nuôi, với sản lượng cá tra thịt thu hoạch khoảng 36.000 tấn.
Giá cá tra xuống dưới 20.000 đồng/kg
Thời gian gần đây, giá cá tra nguyên liệu chế biến, xuất khẩu đã giảm dưới 20.000 đồng/kg, trong khi giá thành nuôi cá tra của nông dân đa phần từ 21.000 - 23.000 đồng/kg. Do đó, nếu nông dân có cá tra đạt kích cỡ thương phẩm phải thu hoạch vào thời điểm này thì coi như lỗ nặng.
Bà Nguyễn Thị Bé Tư, nông dân nuôi cá tra ở xã Phú Phong, huyện Châu Thành cho hay, bà có ao nuôi cá tra diện tích khoảng 4.000m2, dự kiến 10 ngày nữa thu hoạch, sản lượng gần 140 tấn. Tuy nhiên, doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu chỉ đồng ý mua với giá 19.500 - 19.700 đồng/kg (trả tiền 1 tuần sau khi bán cá), giảm 1.500 - 2.000 đồng/kg so với tháng trước, nên bà chưa bán. Hiện nay, bà Tư đang thương lượng với công ty thu mua cá tra chế biến xuất khẩu, để nâng giá lên 20.000 đồng/kg.
Theo bà Tư, do cá tra giống được bà trực tiếp đi chọn mua tại các ao ương cá giống không qua thương lái, thức ăn cá và thuốc thú y được mua trực tiếp từ công ty bằng tiền mặt, cộng với việc quản lý chặt chẽ các loại vật tư đầu vào, nên giá thành nuôi cá tra tại hộ của bà Tư chỉ khoảng 20.000 đồng/kg. Chính vì vậy, giá cá tra hiện nay có thể hòa vốn hay lỗ không đáng kể. Tuy nhiên, đối với các hộ nuôi cá tra mua cá giống qua thương lái, không đủ tiền mặt phải mua thức ăn cá, thuốc thú y qua đại lý, giá thành nuôi cá tra có thể lên mức 25.000 đồng/kg.
Theo nhiều nông dân nuôi cá tra, những tháng đầu năm, giá cá tra giảm do nhu cầu cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu không nhiều, cộng với thị trường tiêu thụ cá tra gần đây gặp khó khăn. Mặc dù vậy, tình trạng giá cá tra nguyên liệu giảm 19.500 - 19.700 đồng/kg như hiện nay là chưa từng xảy ra trong vòng 2 năm trở lại đây, khiến nông dân nuôi cá tra vô cùng lo lắng.
Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, hiện nay giá thành nuôi cá tra bao gồm con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, nhân công dao động từ 22.000 - 23.000 đồng/kg. Trong khi giá cá tra thời điểm này dao động 20.000 - 20.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, người nuôi cá tra có thể lỗ 2.300 - 3.500 đồng/kg. Nếu tính bình quân mỗi ha nuôi cá tra đạt sản lượng 300 tấn, nông dân thu hoạch cá tra thời điểm này bị lỗ 660 triệu đồng/ha đến hơn 1 tỷ đồng/ha.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng thu hoạch cá tra 5 tháng đầu năm ước đạt 377.000 tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng cá tra 5 tháng đầu năm 2015 của một số tỉnh đạt khá như: Tại Bến Tre đạt 65.000 tấn, tăng 4%; Cần Thơ đạt 38.424 tấn, tăng 18,8%. Tuy nhiên, một số tỉnh khác sản lượng lại giảm do giá cá tra giảm nên hộ nuôi không thu hoạch nhiều, như sản lượng cá tra tại Tiền Giang đạt 10.595 tấn, giảm 11,7%; Vĩnh Long đạt 35.886 tấn, giảm 5,9%; An Giang đạt 92.298 tấn, giảm 3,3%.
Có thể bạn quan tâm

Câu lạc bộ (CLB) trồng lúa ấp Long Hòa B, xã Phước Lập, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang tuy mới thành lập trên năm nhưng tinh thần đoàn kết rất cao. CLB được thành lập trên tinh thần tự nguyện của các thành viên và được sự trợ giúp về kỹ năng sinh hoạt nhóm và sự hướng dẫn kỹ trồng lúa an toàn của Công ty Bayer Việt Nam.

Những ngày xuân ấm áp này, ở Hà Nam, bà con nông dân đang tranh thủ xuống đồng, gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bước vào khung thời vụ gieo cấy. Còn ít ngày nữa mới đến lịch gieo cấy bằng mạ, song hiện nay nhiều địa phương đã triển khai gieo sạ theo phương pháp cải tiến bằng nông cụ sạ hàng.

Nghề nuôi trồng thủy sản đã mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho người dân ở Phú Yên. Tuy nhiên vì chưa áp dụng đúng kỹ thuật nên thời gian gần đây dịch bệnh trên thủy sản nuôi thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại lớn cho người nuôi và kinh tế của địa phương.

Năm 2012 là năm khó khăn cho nghề nuôi tôm sú ở Cà Mau. Không chỉ dịch bệnh tràn lan mà giá cả bấp bênh, môi trường nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng… Trước những yếu tố bất lợi đó, những chủ trương, giải pháp mới đã kịp thời tháo gỡ khó khăn. Cùng với nhiều sáng kiến của người dân đã đưa nghề nuôi tôm bước sang giai đoạn mới.

Hiện nay, nông dân trong tỉnh đang thu hoạch lúa vụ 2 nhưng nhà nông không vui bởi giá lúa giảm. Bên cạnh đó, do dịch bệnh xảy ra nhiều, chi phí cao nên nông dân Cà Mau đang đứng trước nguy cơ thua lỗ. Trong khi đó, giá lúa ở các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL đang có chiều hướng tăng và ổn định.