Người Trồng Tiêu Giỏi Nhất Thế Giới

Nông dân Trần Hữu Thắng ở ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) được Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) tặng danh hiệu “Người trồng tiêu giỏi nhất thế giới”. Đằng sau danh hiệu này là câu chuyện vươn lên không biết mệt mỏi của người nông dân nghèo miền Bắc, lập nghiệp trên vùng đất phương Nam.
Lập nghiệp từ số 0
Sinh ra tại tỉnh Hưng Yên trong một gia đình nông dân nghèo có đông anh em, năm 1984, lúc mới 15 tuổi, anh Thắng vào ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai lập nghiệp. Những ngày đầu ở vùng đất mới, anh làm thuê, cuốc mướn rồi dần tích góp được ít tiền mua đất trồng cây, phát triển kinh tế gia đình. 10 năm gắn bó với ruộng vườn mà vẫn không tích góp được gì để ổn định cuộc sống.
Sau nhiều năm suy nghĩ, năm 1997 anh quyết định trồng cây tiêu. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn tiêu xanh tốt dưới cái nắng gây gắt, anh chỉ tay vào gốc tiêu sum sê có đường kính hơn 1m, cao hơn 5m và nói: “Ở thời điểm năm 1997, trồng tiêu rủi ro rất cao do dịch bệnh hay hoành hành và tôi đã phải khốn đốn vì điều này”. “Thất bại là mẹ thành công”, từ những thất bại ban đầu, anh rút ra được kinh nghiệm trong kỹ thuật trồng tiêu.
Anh Thắng quyết định chia 3 sào đất của mình thành 3 vườn tiêu riêng biệt và chăm sóc theo 3 quy trình khác nhau. Phương pháp này đã giúp anh Thắng tìm ra được cách trồng tiêu hiệu quả nhất để trồng nhân rộng ra trên 1ha. Nhờ đó, trong liên tục gần 6 năm qua, vườn tiêu của anh Thắng luôn cho năng suất đạt trên 8 tấn/ha, cá biệt có 3 sào áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, năng suất luôn đạt ở mức kỷ lục trên 10 tấn/ha - đó là con số mà bất cứ người trồng tiêu nào trên thế giới cũng phải mơ ước.
Ứng dụng công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm
Anh Thắng cho rằng, tiêu là một trong những loại cây có giá trị kinh tế lớn, song lại rất hay bị nhiễm sâu bệnh, nên không nhiều nông dân thành công với loại cây này. Trước tình hình đó, anh đã quyết tâm mày mò tìm cách khắc phục. Nhờ sự tư vấn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Nai, năm 2000, anh Thắng là người đầu tiên ở Đồng Nai mạnh dạn áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm cho vườn tiêu của mình, kinh phí xây dựng hệ thống do tỉnh Đồng Nai hỗ trợ hoàn toàn.
Không ngờ với hệ thống này, thành công mang lại vượt ngoài mong đợi, không những vườn tiêu của anh xanh tốt mà còn ngăn chặn được sự xuất hiện và gây hại của bệnh chết nhanh, chết chậm - hai loại bệnh vốn đã và đang gây thiệt hại nặng nề nhất trên các vườn tiêu cả nước. Và đó là bí quyết đã giúp vườn tiêu của anh đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Hiện anh Thắng có gần 3ha tiêu và 4ha cao su, lợi nhuận hàng năm đạt gần 2 tỷ đồng. Đâu chỉ nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm đối với những người trồng tiêu trong tỉnh Đồng Nai, anh Thắng còn tư vấn qua điện thoại cho các nông dân trồng tiêu ở các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Bình Phước…
Nói về anh Trần Hữu Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai Lê Hữu Thiện cho biết: “Anh Thắng là một nông dân sản xuất giỏi, khả năng nổi trội nhất là anh luôn có cách để giữ cho vườn tiêu của mình đạt năng suất cao…”. Ngoài danh hiệu “Người trồng tiêu giỏi nhất thế giới”, vào trung tuần tháng 4-2013, anh còn nhận được nhiều bằng khen của UBND tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt, năm 2010, anh được tỉnh Đồng Nai tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2007 - 2010.
Có thể bạn quan tâm

Đi kèm với sản xuất giống, nuôi trồng, Tiền Giang hiện còn có rất nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành chế biến thủy sản xuất khẩu có quy mô rất lớn, giá trị kim ngạch xuất khẩu luôn chiếm tỷ trọng lớn, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Đây là lợi thế không phải địa phương nào cũng có được.

Đến nay, nông dân huyện Châu Thành A (Hậu Giang) xuống giống 7.300ha lúa Thu đông. Trong tuần qua sâu bệnh trên lúa tăng mạnh lên 842ha (tăng 371ha so tuần trước). Nhiều nhất là rầy nâu 332ha, đáng lo là bệnh đạo ôn lá tới 208ha, tăng gần gấp 4 lần so tuần trước.

Do ảnh hưởng của nắng hạn, mực nước các hồ trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) thấp hơn mực nước chết, nguồn nước tưới cạn kiệt nên hầu hết các cây trồng chủ lực của địa phương đều tạm ngưng gieo trồng.

Chiều 9/7, UBND huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã tổ chức lễ phát động chiến dịch tháng ra quân tiêu hủy rệp sáp bột hồng hại sắn trên địa bàn huyện (từ ngày 9/7 đến 9/8).

Chiều 10-7, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát về đề án tái cơ cấu nông nghiệp, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Sau 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đạt được những kết quả khả quan.