Người Trồng Thanh Long Tính Chuyện Lâu Dài

Chưa bao giờ vào vụ mùa mà giá thanh long cao và khan hiếm như năm nay. Nhiều hộ trồng thanh long chấp nhận cắt bỏ vài lứa trái hàng mùa để cây tập trung dinh dưỡng nuôi dây chuẩn bị cho vụ chong đèn. Từ cách thức canh tác “bào mòn” sức phát triển của cây đến nay người trồng thanh long Bình Thuận đang hướng đến sản xuất bền vững, lâu dài…
Xác định vụ “bội thu”
Giá thanh long đang ở mức cao kỷ lục xấp xỉ 20.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng thanh long thu lợi nhuận còn hơn cả vụ chong đèn. Mặc dù giá cao, nhưng số lượng thanh long hiện có ở mỗi nhà vườn không đáng bao nhiêu so với những năm trước đây.
Chị Huyền, người chuyên mua thanh long ở xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Chưa có năm nào việc mua thanh long vụ mùa lại khó khăn như năm nay. Hộ nhiều cũng chỉ khoảng 10 thiên, còn hộ bình thường chỉ 2 đến 3 thiên. Dạo quanh một số vườn trồng thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc, điều dễ nhận ra là vườn nào cũng có khá nhiều trái thanh long bị cắt bỏ.
Dù những trái này còn non và có bề ngoài khá bắt mắt. Sở dĩ người trồng thanh long cắt bỏ khá nhiều trái non vì hiện nay thanh long hàng mùa dễ bị nhiễm bệnh. Lúc trái nhỏ thì không phát hiện ra bệnh, nhưng lớn lên một chút là bị nấm, bán không được giá.
Do vậy, người trồng chấp nhận cắt bỏ để không tốn tiền phân thuốc vừa có thời gian để cây nghỉ ngơi, phát triển. “Năm nay giá hàng mùa cao nhưng ít người dám để toàn bộ số trái trong vườn. Rất nhiều hộ dân ở đây đã cắt bỏ vài lứa thanh long hàng mùa. Ngay như nhà tôi cũng đã bỏ hai lứa trái từ đầu vụ mùa đến nay.
Vì trái thanh long vụ mùa rất dễ bị nhiễm các loại nấm, nên có để lại cũng chưa chắc tất cả đều là trái đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, vụ chong đèn vừa qua có nhiều hộ chong đến 3 lần nên cây bị suy kiệt, ra trái nhỏ. Một số hộ chấp nhận bỏ vài lứa trái vụ mùa, tập trung đầu tư cung cấp chất dinh dưỡng cho cây hồi sức chuẩn bị cho vụ chong đèn”, ông Nguyễn Thanh Hùng, một hộ dân trồng thanh long ở xã Hàm Chính cho biết.
Người trồng thanh long hiện nay đã xác định vụ chong đèn mới là vụ “bội thu”, vụ mang lại thu nhập chính trong năm. Vụ mùa mặc dù chi phí đầu tư ít hơn, nhưng cũng mang lại thu nhập thấp.
Sự xuất hiện của nhiều loại bệnh trong vụ mùa khiến người trồng không còn đặt hy vọng nhiều nữa. Vụ mùa hiện nay với người dân chỉ là vụ “thu nhập lai rai”, bù chi phí phân thuốc và là khoảng thời gian để cây phục hồi…
Bước ngoặt sản xuất
Đây là có thể coi là bước chuyển biến đáng mừng trong tâm lý sản xuất của người trồng thanh long. Trước đây, người trồng thanh long không kể vụ mùa hay vụ chong đèn họ đều để cây ra trái quanh năm. Đỉnh điểm của việc “ép” cây ra trái diễn ra ở vụ chong đèn cuối năm 2013 đầu năm 2014.
Khi mà giá thanh long luôn ở mức trên 20.000 đồng/kg, người trồng thanh long đua nhau chong đèn. Hộ ít cũng 2 lần có hộ tới 3, 4 lần chong đèn trên cùng một diện tích. Hệ quả của việc này là cây kiệt sức, trái thanh long nhỏ không đạt chuẩn bán chỉ vài nghìn đồng/kg. Cùng với đó là trái thanh long bị nhiễm các loại nấm khiến hộ trồng lỗ nặng ở lần chong đèn thứ 3, thứ 4.
Cá biệt có những hộ đầu tư vài chục triệu đồng chong đèn nhưng khi bán thu về chỉ được vài triệu đồng. Việc xác định vụ mang lại thu nhập chính trong năm của người trồng thanh long đang diễn ra là một trong những tín hiệu cho thấy người trồng thanh long có sự thay đổi nhận thức trong sản xuất.
Cùng với việc thay đổi phương thức sản xuất, người trồng thanh long Bình Thuận dần nhận ra sự “bấp bênh” khi tin vào thị trường Trung Quốc. Trước đây, nhiều hộ gia đình đã quay lưng với chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP thì nay người dân đã lắng nghe, làm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
Họ thực sự đã nhận ra hiệu quả lâu dài của việc sản xuất thanh long an toàn. Đầu năm 2014, thanh long Bình Thuận được một số nước trên thế giới chấp nhận nhập khẩu, cùng sự thay đổi trong quan niệm sản xuất của người dân đã và đang là tín hiệu vui cho tương lai của trái thanh long…
Có thể bạn quan tâm

Cuối năm 2013, trên địa bàn thành phố Hòa Bình chỉ còn 78 lồng cá, trong đó trên 50% là bỏ không nhưng đến tháng 9/2014, toàn thành phố có 137 lồng cá (tăng 76%) và hiện có trên 70% số lồng đang nuôi cá. Phương pháp nuôi thả phù hợp, an ninh trật tự đảm bảo, đầu ra ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao chính là lí do khiến cho nghề nuôi cá lồng trên địa bàn thành phố Hòa Bình đang dần “sống lại”.

Tại Hợp tác xã đóng tàu Song Thủy, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, chiếc tàu cá KH 03132 của ngư dân Nguyễn Thanh Hải đang được các công nhân bọc composite.

Cá rô phi đã được đưa vào nuôi theo hướng thâm canh từ năm 2003 trở lại đây, tuy nhiên đến năm 2013 lần đầu tiên sản phẩm cá rô phi của Công ty XNK thuỷ sản tỉnh Thanh Hoá xuất khẩu ra thị trường nước ngoài với sản lượng hơn 400 tấn, năm 2014 dự kiến xuất khẩu khoảng trên 2.000 tấn cá rô phi.

Năm 2003, gia đình ông Mấu Văn Gớ chuyển từ làng cũ dưới lòng hồ Sông Trâu về sinh sống tại khu tái định cư thôn Ma Trai. Khởi nghiệp từ 5 con dê bách thảo, ông Gớ biết tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có, hằng ngày chăn thả gia súc dưới những cánh rừng neem.

Một báo cáo khoa học gần đây tiến hành dựa trên các dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) trên hơn 100 tỷ động vật được nuôi bằng thức ăn có thành phần từ cây trồng biến đổi gen đã kết luận rằng, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy cây trồng biến đổi gen gây tác động tiêu cực đối với sức khỏe vật nuôi.