Người trồng thanh long nên liên kết để tránh bị lừa đảo

Sau vụ bà Nguyễn Thị Phước ở xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam bị thương lái lừa đảo, quỵt tiền mua 2,6 tấn thanh long ngay tại vườn, ông Bùi Đăng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Bình Thuận cho biết: “Trong thời gian qua, tình trạng lái buôn lừa người chủ vườn đã diễn ra. Có người báo cáo với nhà nước, cũng có người không tố cáo. Vấn đề này xảy ra thường xuyên từ nhiều năm nay.”
Vậy làm sao để nông dân tránh được tình trạng này? Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Đăng Hưng về vấn đề này.
PV: Thưa ông, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã xảy ra nhiều vụ việc thương lái lừa đảo, quỵt tiền nông dân khi mua thanh long tại vườn. Nguyên nhân do đâu?
Ông Bùi Đăng Hưng: Nguyên nhân dẫn đến việc này là người lái buôn đã khai thác được lòng tham của nhà vườn. Tâm lý nhà vườn luôn muốn bán hàng được nhiều tiền, có nghĩa là người ta muốn có được lợi nhuận không giới hạn.
Cho nên, những người lái buôn đã nắm bắt được tâm lý này, người ta tìm đến nhà vườn mua thanh long với giá cao nhà vườn đồng ý bán ngay. Lợi dụng được tâm lý nhà vườn nên lái buôn tìm cách lừa đảo, không trả tiền.
Vấn đề thứ hai nữa là trong thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp cạnh tranh với nhau, họ đi mua với ý tưởng miễn có lời thì họ trả tiền, còn nếu không có lời thì họ "xù" luôn. Cho nên, đây là một thị trường khó khăn, trôi nổi.
PV: Trước tình trạng này, Hiệp hội Thanh long Bình Thuận có giải pháp gì để bảo vệ người trồng thanh long?
Ông Bùi Đăng Hưng: Vấn đề này tất yếu xảy ra trong cơ chế thị trường, đương nhiên có mặt trái. Nhà nước và Hiệp hội cũng đã biết được điều này sẽ xảy ra trong thị trường trôi nổi như thế này.
Chính vì thế, Hiệp hội triển khai theo tinh thần chỉ đạo của Nhà nước. Nếu ai sản xuất quy mô lớn theo hình thức trang trại, hợp tác xã thì nên tìm một doanh nghiệp nào đó liên kết lại để bán hàng.
Còn những hộ có vườn nhỏ, hộ kinh tế gia đình nên tập hợp lại thành một tổ hợp tác. Nhà nước cũng đang vận động thành lập tổ hợp tác cùng nhau sản xuất, cùng nhau làm thế nào đó cho mẫu mã chất lượng tốt, rồi liên kết với doanh nghiệp bán hàng, không nên bán trôi nổi, không nên bán nay người này mai người kia.
Trong những năm qua, Nhà nước, các ngành đoàn thể, nhất là Hiệp hội cũng đã nói lên vấn đề này rất nhiều nhưng cũng vẫn còn xảy ra. Nhân dịp này, Hiệp hội cũng muốn tất cả bà con trồng thanh long nên cẩn thận, cũng như các doanh nghiệp chúng ta nên phê bình, chỉ trích ra những thương lái nào, doanh nghiệp nào lợi dụng vào việc mua bán trôi nổi này thì mình có thể đấu tranh với họ, để sa thải họ ra khỏi thị trường chung./.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.
Có thể bạn quan tâm

Người dân trồng nhãn chín muộn ở các huyện Hoài Đức, Quốc Oai (Hà Nội) rất lạc quan vì giống nhãn này liên tục được mùa, được giá. Một tin vui nữa lại vừa đến khi có doanh nghiệp ngỏ ý đưa nhãn Hoài Đức sang Mỹ.

“Phát triển mắc ca có mộng mơ không? Tôi nghĩ là không mộng mơ mà đó là hoài bão chính đáng… "

Mặc dù ngành nông nghiệp đã quan tâm chỉ đạo công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN), nhưng trên thực tế, việc triển khai còn rất nhiều khó khăn, hạn chế, mà một trong những nguyên nhân là đội ngũ cán bộ thiếu và yếu.

Gian trưng bày của Hội Nông dân Việt Nam tại Triển lãm Thành tựu Kinh tế - Xã hội năm 2015 thu hút khách tham quan với hàng trăm sản phẩm nông sản đặc trưng của các vùng miền, và các máy móc, vật tư nông nghiệp là các sáng chế nổi bật do chính người nông dân làm ra...

Chính phủ vừa mới ban hành chính sách tín dụng đối với hộ vừa thoát nghèo nhằm tạo điều kiện cho đối tượng này vay vốn làm ăn để thoát nghèo bền vững.