Người Trồng Rau Thất Thu Vì Mưa Bão

Mưa lớn kéo dài trong dịp cuối tháng 7 và ảnh hưởng của cơn bão số 5 vừa qua đã làm cho nhiều diện tích rau ở các vùng ngoại thành Hà Nội bị ảnh hưởng, năng suất giảm mạnh. Mặc dù giá rau có tăng do sản lượng giảm nhưng nông dân vẫn buồn vì thất thu.
Nhiều diện tích trồng rau bị úng nước
Cứ sau mỗi trận mưa, bà Nguyễn Thị Thi - thôn Do Hạ, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh lại tất tả ra thăm ruộng rau cải chíp gần 30 ngày tuổi, sắp đến ngày thu hoạch. Bà cho biết, gia đình bà trồng hơn 2 sào cải ngọt, cải chíp nhưng do mưa kéo dài nên hiện nay, gần 2/3 diện tích rau có nguy cơ bị thối. Trên ruộng rau nhà bà Thi, nhiều cây rau đã bị héo rũ vì bị úng nước. "Mỗi sào rau đầu tư cả phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật hết khoảng 700.000 - 800.000 đồng. Nếu thời tiết thuận lợi có thể thu được khoảng 6 triệu đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa bão, may ra nhà tôi chỉ thu được khoảng 1 triệu đồng" - bà Thi buồn bã chia sẻ.
Cách ruộng nhà bà Thi không xa, ruộng mướp đắng của gia đình ông Nguyễn Ngọc Liêm - thôn Do Hạ cũng bị vàng lá vì úng nước. Ông Liêm cho biết, 1,5 sào mướp đắng đang cho thu hoạch của gia đình bị giảm 40% sản lượng quả vì mưa nhiều, ngọn cây sun lại, không đậu quả. Theo thống kê của UBND xã Tiền Phong, toàn xã có 252ha đất nông nghiệp, trong đó 95% diện tích đất trồng rau. Do mưa kéo dài thời gian qua, trong khi hệ thống thủy lợi của xã bị xuống cấp nên việc thoát nước kém, dẫn tới nhiều diện tích rau bị úng. Ước tính, năng suất rau trên địa bàn xã Tiền Phong giảm khoảng 40%.
Tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, nhiều diện tích rau cải các loại, cà tím, dưa leo, bí xanh cũng bị hỏng do mưa kéo dài. Ông Nguyễn Vũ Trúc - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Nam Hồng cho biết, toàn xã có trên 50ha rau, củ, quả, trong đó diện tích rau ăn lá hiện chiếm hơn 10ha. Từ đợt mưa kéo dài cách đây gần chục ngày, cộng với ảnh hưởng của bão số 5, nhiều diện tích rau đã bị giảm năng suất tới 40 - 50%, chủ yếu là rau ăn lá. Đáng lo ngại, do mưa liên tục trong một thời gian dài nên rau bị ứ nước, sau khi thu hoạch mang về nhà có hiện tượng thối, hỏng, bởi vậy, nhiều người dân gần như bị "mất trắng".
Giá rau tăng
Ông Hoàng Thế Phương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiền Phong, huyện Mê Linh cho biết, vì sản lượng giảm nên mấy ngày qua, nhất là qua hai ngày mưa do bão số 5 gây ra, giá bán rau đã tăng đáng kể. Hiện giá cải ngọt bán tại ruộng 10.000 đồng/kg, cao hơn trước 3.000 đồng/kg; bí xanh 5.000 đồng/kg; mướp đắng là 5.000 đồng/kg, tăng 1.000 - 1.500 đồng/kg… "Theo quy luật, cứ sau một đợt mưa dài là giá rau xanh sẽ tăng. Với tình hình hiện tại, thời gian tới giá rau sẽ còn tiếp tục tăng mạnh" - ông Phương nhận định.
Theo khảo sát của chúng tôi tại một số chợ trong nội thành mấy ngày qua, giá bán rau tăng khá mạnh. Giá rau cải ngọt tại một số chợ đã lên tới mức 20.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với thời gian trước; giá rau ngót, mùng tơi là 5.000 đồng/mớ, tăng gấp đôi; cà chua 20.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; rau muống có giá 7.000 - 8.000 đồng/mớ, tăng 2.000 - 3.000 đồng/mớ… Đặc biệt, một số loại rau gia vị cũng khan hàng vì đây là những loại rau dễ bị dập nát do mưa.
Theo một số tiểu thương, lượng rau lấy để bán hàng ngày tại sạp cũng giảm do giá tăng cao.Hiện nay, nhiều hộ nông dân đã phá ruộng rau cũ bị hỏng để tiếp tục trồng rau mới. Theo bà con nông dân, những loại rau ăn lá chỉ khoảng trên 20 ngày là có thể cho thu hoạch. Tuy nhiên, nếu thời tiết tiếp tục mưa kéo dài, nước tiêu thoát chậm, thời vụ gieo trồng sẽ chậm lại và khi đó giá rau trên thị trường được dự báo là sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) vừa có văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT các tỉnh phía Bắc khoanh vùng gieo trồng cây rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày vụ hè thu trên đất chuyên màu, chú trọng tiêu thoát nước khi mưa lớn. Đồng thời, tập trung chăm sóc sớm những diện tích đã gieo trồng, đảm bảo cho cây sinh trưởng phát triển tốt.
Có thể bạn quan tâm

Việc ứng dụng mô hình nhà lưới vào sản xuất rau màu không chỉ cải thiện dân sinh, mà còn mở ra hướng đi mới cho nền nông nghiệp ở huyện đầu nguồn An Phú (An Giang). Thông qua việc tạo nên những sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, năng suất cao sẽ đóng góp quan trọng vào chuỗi cung ứng và quá trình xây dựng nông thôn mới.

Ở thời điểm này, hồ tiêu có giá hơn 190 nghìn đồng/kg. Cây tiêu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng khác như cao su, cà phê, điều. Do lợi nhuận cao, nhiều hộ nông dân ở Bình Phước chặt bỏ điều, thậm chí cao su và đua nhau trồng tiêu, vừa tạo ra cơn sốt nọc tiêu, vừa có nguy cơ phá vỡ quy hoạch của ngành nông nghiệp.

Riêng cô Huỳnh Kim Đào quyết tâm tìm hiểu, dự hội thảo về khoa học kỹ thuật, tự tích lũy kinh nghiệm để tiếp tục theo đuổi cây nấm linh chi. Mặt khác, cô tự tìm đến các công ty sản xuất phôi để tìm phôi giống, đồng thời lo luôn đầu ra cho sản phẩm.

Với việc triển khai Đề án cơ giới hóa đã góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí, giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho người trồng lúa (bình quân giảm 4,3 triệu đồng/ha so với thu hoạch thủ công). Tổng nguồn vốn mà người dân vay để mua máy gặt đập liên hợp là 34,227 tỉ đồng.

Chanh lai bông tím là loại cây khá dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, tỷ lệ đậu trái và năng suất cao, đặc biệt được thị trường ưa chuộng. Chanh lai bông tím được xem là giải pháp tốt giúp bà con nhà vườn huyện Châu Thành (Đồng Tháp) phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch chổi rồng trên nhãn.