Người trồng mía mong được hỗ trợ cụ thể

Vụ mía khó khăn
Trong vụ mía 2014 - 2015, với tổng diện tích mía 10.558ha, Công ty CP Đường Ninh Hòa thu về 634.393 tấn mía nguyên liệu, đạt 93,13% so với niên độ 2013 - 2014. Trong năm qua, tuy công ty đã thực hiện nhiều giải pháp trong công tác khuyến công nhưng năng suất mía còn thấp.
Theo lãnh đạo Công ty CP Đường Ninh Hòa, giá đường trong nước và thế giới thấp đã ảnh hưởng đến giá mua mía và thu nhập của nông dân, hạn chế việc đầu tư mở rộng diện tích, tái chăm sóc cây mía. Bên cạnh đó, hạn hán kéo dài khiến mía bị khô héo trên diện rộng, nguồn nước tưới cạn kiệt. Nắng nóng còn khiến tình hình sâu bệnh tiếp tục phát sinh, đặc biệt bệnh trắng lá mía bùng phát trên diện tích hơn 1.000ha.
Người trồng mía ở Ninh Hòa mong có nhiều chính sách hỗ trợ
Để đảm bảo tính cạnh tranh và thu nhập cho nông dân yên tâm bán mía, công ty đã áp dụng các chính sách mua mía với giá trung bình tại Khánh Hòa là 854.200 đồng/tấn mía 10CCS (chữ đường), tại Đăk Lăk là 814.700 đồng/tấn mía 10CCS
. Ngoài ra, công ty còn có nhiều chính sách khuyến khích như: Bảo hiểm chữ đường tối thiểu và trợ giá đầu vụ, cuối vụ với tổng số tiền lên đến 11,5 tỷ đồng cho 2.345 hộ; khuyến khích những khách hàng bán mía lâu năm với tổng số tiền 2,533 tỷ đồng cho 1.823 hộ.
Bên cạnh hỗ trợ về tài chính, trong vụ mía 2014 - 2015, Công ty CP Đường Ninh Hòa còn khảo nghiệm giống mía mới (mía My), nhân giống và kiểm soát giống mía sạch sâu bệnh ở 60ha, cung cấp giống cho 230ha trồng mía tơ... Công ty đã khảo sát nguồn nước, hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư 2,47 tỷ đồng mua máy móc thiết bị phục vụ tưới mía...
Ngoài ra, công ty đã đầu tư 2,635 tỷ đồng mua 3 máy kéo lớn, 19 máy kéo nhỏ và lượng lớn phân bón để phục vụ nông dân trồng mía.
Ông Trần Kim Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Ninh Hòa cho biết: “Kết thúc vụ mía 2014 - 2015, công ty đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu về công tác nguyên liệu, tạo mối quan hệ tốt giữa công ty và nông dân trồng mía. Tuy công ty đã thực hiện nhiều chính sách khuyến công, hỗ trợ nông dân trồng mía nhưng do nắng hạn kéo dài nên vụ mía vừa qua không đạt được những kết quả như dự kiến ban đầu”.
Mong có nguồn nước tưới
Theo Công ty CP Đường Ninh Hòa, trong niên độ 2015 - 2016, công ty phấn đấu phát triển diện tích trồng mía lên 13.000ha, sản lượng 650.000 tấn. Bên cạnh đó, sẽ áp dụng chính sách giá mua linh hoạt, cạnh tranh, duy trì các hình thức bảo hiểm, lên lịch thu hoạch hợp lý để giảm tổn thất trong thu hoạch, nâng cao chất lượng mía.
Ông Huỳnh Văn Giáo (thôn Suối Mơ, xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa) cho biết: “Tôi có 45ha mía. Vụ vừa qua tôi chỉ tưới thường xuyên được 12ha, diện tích còn lại tưới bình thường. Kết quả 12ha tưới thường xuyên năng suất cao hơn hẳn. Điều này cho thấy nước tưới có vai trò quan trọng đối với cây mía.
Vì vậy, Công ty CP Đường Ninh Hòa cần quan tâm hỗ trợ để tạo điều kiện có nguồn nước tưới”. Theo ông Giáo, công ty nên đào một hồ lớn chứa nước dự trữ trong vùng mía, kết hợp khoan một số giếng ngầm để đảm bảo nước tưới cho vùng nguyên liệu trong mùa hạn.
Trong khi đó, ông Lê Văn Thọ (xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa) cho rằng, bên cạnh đầu tư hệ thống tưới tiêu, Công ty CP Đường Ninh Hòa cần nghiên cứu về thổ nhưỡng để đầu tư giống mía, phân bón phù hợp để tránh sâu bệnh, giúp nông dân trồng mía đạt năng suất cao.
Theo ông Trần Kim Dũng, từ nay đến năm 2020, công ty sẽ ưu tiên khai thác nguồn nước mặt như ao, hồ, suối kết hợp với việc đào hồ tích nước và khoan giếng ngầm. Bên cạnh đó, công ty sẽ nghiên cứu để đa dạng phương pháp tưới, vừa tiết kiệm nước vừa mang lại hiệu quả cao. Về lâu dài, công ty sẽ thử nghiệm sử dụng năng lượng mặt trời để tưới mía.
Giải pháp dinh dưỡng cho đất
Theo Công ty CP Đường Ninh Hòa, trước đây, nông dân thường đốt lá mía sau khi thu hoạch. Tuy nhiên khi đốt sẽ làm cháy hết chất dinh dưỡng trên mặt đất, mưa xuống gây xói mòn chất dinh dưỡng ở bề mặt, không tốt cho cây mía. Giải pháp mới nhất của công ty là băm lá mía kết hợp trồng xen canh cây họ đậu nhằm bổ sung nguồn hữu cơ và cải tạo đất.
Có thể bạn quan tâm

Mở đầu vụ sản xuất năm 2015, chỉ trong 19 ngày đầu tháng 1, Vinamilk thu mua gần 12.000 tấn sữa, tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, riêng khu vực TPHCM và phụ cận, trong những ngày đầu năm 2015, Vinamilk thu mua hơn 7.500 tấn, tăng 11% so với cùng kỳ.

Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 đang đến gần. Đây là thời điểm lượng hàng hóa, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu này, việc bảo đảm cân đối nguồn cung - cầu thịt heo trong dịp tết đã được các cơ quan chức năng, ngành chăn nuôi, siêu thị, trung tâm thương mại tăng cường.

Qua quá trình nuôi bê trên đệm lót sinh học, ông Minh thấy hình thức nuôi này có nhiều ưu điểm nổi bật như: chuồng bê hoàn toàn không có mùi hôi thối, phân bê thải ra được xử lý ngay bởi đệm lót. Nếu như trước kia ông nuôi bê trên nền xi măng, đến ngày thứ 2 đã phải tắm cho bê vì phân thải ra hàng ngày dính bẩn trên cơ thể, làm cho bê bị dễ bị lạnh, dễ phát sinh bệnh hô hấp, tiêu chảy, thì nay ông nuôi bê không cần phải tắm.

Đó là ông Nguyễn Văn Tự, ở thôn Chánh Nhơn, xã Cát Nhơn (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Năm 2010, ông mạnh dạn đầu tư hàng triệu đồng để xây dựng chuồng trại, quy mô tương đối hoàn chỉnh, có hệ thống thoát nước, xử lý vệ sinh môi trường, trồng thêm cỏ làm thức ăn xanh cho bò.

Năm nay, các giống cây lâm nghiệp đều được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thay vì bằng hom, hạt như trước đây. Ưu điểm của phương pháp này là cây giống sạch bệnh, độ đồng đều cao, sinh trưởng, phát triển tốt, thân mọc thẳng, ít phân cành.