Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Trồng Khoai Lang Tím Nhật Lại Điêu Đứng

Người Trồng Khoai Lang Tím Nhật Lại Điêu Đứng
Ngày đăng: 20/05/2014

Năm 2013 có thể nói là năm “thắng lợi” đối với nhiều người trồng khoai lang tím Nhật ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp) bởi giá khoai luôn ở mức trung bình trên 800 ngàn đồng/tạ, có thời điểm “sốt giá” lên đến 1,3 triệu đồng/tạ.

Tiếp nối thành công này, năm nay nông dân tiếp tục trồng khoai và nhiều người cũng bỏ lúa để chạy theo cây khoai. Nhưng hiện tại, người trồng khoai lang tím Nhật lại đang điêu đứng vì giá bán xuống thấp.

Nỗi lo đã thành sự thật

Mặc dù được giới chuyên môn khuyến cáo nên cẩn trọng đối với việc phát triển diện tích khoai lang tím Nhật bởi thị trường tiêu thụ không ổn định, nhưng vì lợi nhuận, bà con nông dân vẫn trồng loại cây này. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Thành, diện tích trồng khoai lang năm 2013 (3 vụ) là gần 2.708ha. Trong khi năm 2014, chỉ mới 2 vụ (đông xuân và hè thu) nhưng diện tích trồng khoai đã lên trên 2.470ha.

Nhiều nông dân cho hay, nếu có nhiều người trồng thì cũng lo khoai xuống giá nhưng do giá khoai lang thời gian qua khá hấp dẫn nên cứ trồng. Người trồng khoai chỉ biết trông chờ vào sự may rủi. Trong mấy tháng đầu năm 2014, giá khoai luôn ở mức cao, có lúc lên 800 - trên 900 ngàn đồng/tạ (60kg). Với mức giá này, nông dân trồng khoai lang tím Nhật lãi trên 15 triệu đồng/công, cao hơn so với trồng lúa và các loại cây màu khác.

Nhưng trong khoảng 3 tuần nay, giá khoai lang tím Nhật xuống thấp còn dưới 380 ngàn đồng/tạ, khiến nhiều người rơi vào cảnh thua lỗ. Theo nhiều thương lái, giá khoai sụt giảm là do bị đánh thuế xuất khẩu cao; chi phí vận chuyển tăng. Trong khi nông dân lại cho rằng thị trường Trung Quốc hạn chế “ăn hàng”.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Xương ở ấp Tân Hòa, xã Tân Phú cho hay: “Trước giờ, gia đình tôi chỉ chuyên trồng lúa nhưng thấy thời gian qua khoai có giá nên chuyển qua trồng khoai lang, dù cũng thấp thỏm lo khoai mất giá. Tôi cứ nghĩ giá xuống thấp thì cũng còn mức trên 500 ngàn đồng/tạ.

Nhưng tình hình hiện tại thì xấu hơn, với 9 công khoai, bán 390 ngàn đồng/tạ, vụ này tôi lỗ vài triệu đồng/công. Vụ đầu tiên trồng khoai quá thất vọng, chắc tôi không dám trồng khoai ở những vụ sau”.

Ông Huỳnh Minh Phụng - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cho biết, khoai lang tím Nhật chủ yếu là xuất khẩu ra nước ngoài, đầu ra chưa ổn định, giá cả do thị trường quyết định. Địa phương cũng đã cố gắng tìm kiếm thị trường để ký kết bao tiêu khoai cho nông dân nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

“Kẻ khóc, người cười”

Chính việc chấp nhận “trúng ăn, trật thua” của người trồng khoai nên có không ít người “phất lên” nhờ cây khoai nhưng nhiều người lao đao cũng tại cây khoai. Anh Nguyễn Tấn Điểm ở ấp Phú Mỹ, xã Phú Long cho biết: “Tôi may mắn bán khoai ngay thời điểm khoai có giá (tháng 2/2014) nên đã lãi đậm. Trung bình giá 790 ngàn đồng/kg, với 10 công khoai, cũng lãi hơn 200 triệu đồng. Sau vụ khoai này, tôi rất phấn khởi vì có tiền cất ngôi nhà mới”.

Nhưng không phải nông dân nào cũng may mắn như anh Điểm. Ông Nguyễn Văn Hùng ở ấp Tân Thuận, xã Tân Phú đang xót xa “neo” 8 công khoai đã đến thời điểm thu hoạch hơn nửa tháng nay vì giá xuống thấp. Ông phải tốn khoảng 800 ngàn đồng/tuần để mua thuốc xịt bảo vệ khoai khỏi sâu bệnh.

“Nhà nghèo, không đất canh tác, vợ chồng tôi mướn hơn 10 công đất trồng khoai mong kinh tế khá hơn. Nhưng với giá bán hiện tại thì tôi lỗ chắc. Bởi chi phí bỏ ra thuê đất, mua vật tư nông nghiệp... cũng trên 17 triệu đồng/công” - Ông Hùng buồn bã cho hay.

Cũng như ông Hùng, anh Nguyễn Thanh Quý ở ấp Phú Bình (xã Phú Long) làm liều “neo” khoai chờ giá dù biết chi phí sẽ tăng. Thấy giá khoai cao, anh mạnh dạn thuê 3,8ha đất để trồng khoai lang (thuê 4,5-5,5 triệu đồng/công). Hiện tại, 10 công khoai tím của anh đến ngày thu hoạch đã lâu nhưng chưa bán được vì thương lái không mua hoặc trả giá quá thấp, nếu bán sẽ lỗ. Nhưng chỉ vài ngày nữa, dù giá nào anh cũng phải bán vì để lâu bán càng rẻ hơn.

Năm 2014, diện tích trồng khoai lang (mới 2 vụ) của xã Phú Long là 1.017ha, gần bằng cả năm 2013 (1.074ha). Theo anh Lương Văn Cường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Long, giá khoai những ngày qua liên tục xuống thấp, ở mức dưới 380 ngàn đồng/tạ, người trồng khoai lỗ chắc, đặc biệt là những người phải thuê đất.

Bà con trồng khoai cho biết, giá khoai đang xuống trong khi vụ này, tình hình sâu bệnh khá phức tạp. Ngoài những loại sâu bệnh như bọ hà, bệnh héo rủ do nấm... làm giảm năng suất thì còn xuất hiện thêm một loại sâu lạ tấn công vào phần củ khoai làm cho củ khoai bị thủng nhiều lỗ nhỏ, gây mất giá trị thương phẩm.

Còn nhớ chuyện lên xuống của giá khoai lang những năm trước đây. Nếu năm 2012, người trồng khoai “thua nặng” (với giá trung bình chỉ 240 ngàn đồng/tạ) thì năm 2013 lại “thắng lợi” (trên 800 ngàn đồng/tạ). Còn hiện tại, người trồng khoai lại rơi vào cảnh điêu đứng bởi giá xuống dưới 380 ngàn đồng/tạ và có thể sẽ tiếp tục giảm trong những ngày tới.

Biến động thị trường không thể đoán trước được, mong muốn lớn nhất của nông dân nói chung và người trồng khoai lang nói riêng là đầu ra và giá cả ổn định. Có như vậy mới mong thoát cảnh sản xuất tùy vào “hên xui”.


Có thể bạn quan tâm

Người Dân Can Hồ Nặng Lòng Với Chè Cây Cao Người Dân Can Hồ Nặng Lòng Với Chè Cây Cao

Hơn 13 năm qua, kể từ ngày chè cây cao được đưa vào trồng trên nương ngô, nương sắn cũng là chừng ấy năm, các hộ gia đình ở Can Hồ bỏ công chăm sóc, làm hàng rào bảo vệ cẩn thận, mặc dù nguồn thu từ cây chè chẳng đáng là bao. Chè búp tươi sau khi thu hái, sơ chế chỉ bán cho người dân bản Thèn Pả xã Huổi Lèng sử dụng.

05/08/2014
Chăm Sóc Lúa Mùa Ở Điện Biên Đông Chăm Sóc Lúa Mùa Ở Điện Biên Đông

Tính đến cuối tháng 7, nông dân huyện Điện Biên Đông đã hoàn thành gieo cấy những thửa ruộng cuối cùng thuộc trà muộn vụ lúa mùa năm 2014. Hiện nay, phần lớn diện tích lúa mùa trên địa bàn đang bén rễ hồi xanh và bước vào thời kỳ đẻ nhánh.

05/08/2014
Hà Tĩnh Thành Công Từ Mô Hình Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Tại Xã Thạch Đỉnh Hà Tĩnh Thành Công Từ Mô Hình Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Tại Xã Thạch Đỉnh

Thạch Đỉnh là một trong những xã nghèo của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đầu năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã kết hợp với UBND xã Thạch Đỉnh xây dựng mô hình trình diễn "Nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng bền vững trong ao đất có quạt nước" do anh Lê Văn Loan làm chủ mô hình.

26/07/2014
Phát Triển Thủy Sản Trong Mùa Mưa Phát Triển Thủy Sản Trong Mùa Mưa

Thủy sản được đánh giá là một trong những lợi thế góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, phát triển kinh tế hộ. Tuy nhiên, vào mùa mưa, nguồn lợi này thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mưa lũ, dịch bệnh. Vì vậy, người nuôi thủy sản cần chủ động các biện pháp đối phó để nguồn lợi thủy sản phát triển bền vững, hiệu quả.

05/08/2014
Mô Hình Nuôi Gà Ri Lai Đabacô Phát Huy Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Gà Ri Lai Đabacô Phát Huy Hiệu Quả

Thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ trung tuần tháng 4, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Yên Định triển khai thực hiện mô hình nuôi gà ri lai Đabacô theo hướng nông hộ có kiểm soát tại xã Yên Lâm.

26/07/2014