Người Trồng Hoa An Lạc Nhạy Bén Với Thị Trường

Tết Nguyên Đán cận kề, người dân làng hoa An Lạc, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) tất bật, bận rộn hơn bao giờ hết. Khác với mọi năm, ngoài những vườn hoa cúc, thược dược, lay ơn truyền thống, năm nay một số gia đình trồng hoa ở An Lạc nắm bắt tâm lý tiêu dùng mới đã tự học cách trồng thêm những giống hoa lạ.
Tại khu vực trồng hoa chậu bờ bắc sông Hiếu (đường Hoàng Diệu), bên cạnh 1.500 chậu cúc vàng gia đình chị Phan Thị Hiếu, khu phố 1, phường Đông Giang còn đầu tư trồng gần 200 chậu hoa ly. Đây là cây trồng ôn đới, phù hợp ở những vùng có khí hậu mát mẻ như Sa Pa, Đà Lạt có thể trồng và cho ra hoa quanh năm. Riêng Quảng Trị, hoa ly chỉ có thể trồng vào vụ đông xuân và phải trồng ở nhà lưới, cách chăm sóc cũng kỹ lưỡng hơn nhiều loại hoa khác.
Theo chị Hiếu, ngoài việc thường xuyên theo dõi để giữ độ ẩm không khí, dinh dưỡng, lượng nước tưới hoa và phòng trừ sâu bệnh kịp thời thì trồng hoa ly cũng mất rất nhiều thời gian trong việc kết hợp nhiệt độ và ánh sáng phù hợp để điều tiết cây nở hoa đúng dịp tết.
Những ngày giá rét thì phải quây nilon ủ ấm, tăng nhiệt độ nhà kín; theo dõi thấy cây phát triển chậm thì tăng nhiệt độ bằng cách thắp thêm đèn sáng vào ban đêm cho đến khi thấy nụ đủ tiêu chuẩn, nhưng ngược lại thấy cây sinh trưởng nhanh quá thì phải hạ nhiệt nhà kín bằng cách thay bạt nilon bằng lưới đen…
Tuy mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng bù lại, đến tết các chậu ly lại bán rất đắt hàng nên không riêng gì chị Hiếu mà nhiều nhà trồng hoa ở An Lạc đều bắt đầu đầu tư trồng thêm hoa ly.
Năm 2013, vợ chồng ông Hoàng Nhật Trinh và bà Hoàng Thị Mỹ Thể, khu phố 1, phường Đông Giang lặn lội vào Đà Lạt làm nhân công chăm sóc vườn hoa để học tập kinh nghiệm trồng các giống hoa lạ. Với chút kiến thức tự học cộng với 2 năm trồng thử nghiệm, vợ chồng ông Trinh, bà Thể đã tự đúc rút kỹ thuật trồng, chăm sóc các giống hoa lạ trên đất đai quê mình. Vì vậy, vụ trồng hoa tết này ông bà quyết định đầu tư trồng số lượng lớn các giống hoa lạ.
Để tiện chăm sóc, bảo quản trên diện tích được chính quyền địa phương cho phép trồng hoa ở đường Hoàng Diệu, gia đình ông Trinh trồng hoa cúc truyền thống còn toàn bộ diện tích vườn quanh nhà, ông đầu tư xây dựng 2 nhà kín để trồng 1.500 chậu hoa mini với những cái tên khá lạ lẫm với người chơi hoa Quảng Trị như: dạ thảo, phong lữ thảo, mai địa thảo, păng xê, triệu chuông, cát tường, ngọc thảo… Hoa đủ dạng, đủ màu lại được trồng trong những giỏ chậu treo sơn màu trắng thích hợp cách trang trí hiện đại, giá cả giao động từ 150 – 600 ngàn đồng/chậu, tùy loại nên thuận lợi cho người tiêu dùng lựa chọn.
Bà Thể cho biết: “Kinh nghiệm trồng và kinh doanh hoa tết nhiều năm, tôi thấy người tiêu dùng ngày càng có xu hướng lựa chọn hiện đại, thích đơn giản, mới lạ. Thời buổi kinh tế ngày càng khó khăn, những chậu cảnh cầu kỳ, đắt đỏ như mai, đào, quất... không còn ăn khách như trước nữa. Năm ngoái, những giỏ hoa lạ của gia đình tôi trồng bán cháy hàng từ 28 tháng chạp.”
Để những giống hoa lạ trổ hoa trên một vùng đất vốn không được thiên nhiên ưu đãi như Quảng Trị, không chỉ cần vốn liếng, công sức mà còn đòi hỏi cả tâm huyết, lòng yêu nghề của người trồng hoa An Lạc. Làm được điều này, người trồng hoa An Lạc không chỉ nâng cao thu nhập cho bản thân mà còn góp phần tô đẹp thêm không gian phố phường trong những ngày tết đến, xuân về.
Có thể bạn quan tâm

Tưới nước ít hơn vẫn bảo đảm năng suất, thông tin này được giới khoa học đưa ra thời gian gần đây đã thu hút sự quan tâm của nông dân làm cà phê. Điều đó càng đặc biệt có ý nghĩa khi tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đang hiện hữu, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, trong đó có sự sụt giảm mực nước ngầm phục vụ tưới tiêu cho cây trồng…

Giữa năm 2013, tại một số huyện trong tỉnh Đắk Nông, người dân đã đốn bỏ hàng trăm hécta ca cao bởi nhiều nguyên nhân như giá cả, dịch vụ thu mua kém, dịch bệnh… Tuy nhiên, hiện nay, giá ca cao tăng lên trở lại từ 50.000 - 57.000 đồng/kg hạt. Điều này cho thấy, thị trường ca cao đang có nhiều tiềm năng hứa hẹn đối với nông dân.

Sau khi thu hoạch xong tỏi đông xuân 2013-2014, bà con nông dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã khẩn trương bắt tay vào sản xuất gần 80 ha hành tháng 2 âm lịch. Đây là một trong những vụ hành chính vụ được bà con nông dân trên đảo kỳ vọng.

Cây râu mèo là vị thuốc đông y có tác dụng điều trị bệnh sỏi thận, tăng bài tiết, hạ đường huyết… Râu mèo được trồng nhiều tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Theo Viện Dược liệu, hằng năm nước ta nước phải nhập khẩu hàng chục tấn dược liệu cây râu mèo từ Trung Quốc, Campuchia.

Sau ba năm cùng gia đình rời thành phố ồn ào, náo nhiệt về chốn miền quê làm rau sạch với hy vọng thoát nghèo, nhờ biết xác định đúng đối tượng cây, con cũng như biết áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nên đến nay, anh Khống Phúc Vịnh (phường Phước Hải, TP Nha Trang, Khánh Hòa) đã khá thành công với mô hình này.