Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Nuôi Tôm Thiếu Vốn Sản Xuất

Người Nuôi Tôm Thiếu Vốn Sản Xuất
Ngày đăng: 26/02/2014

Theo lịch thời vụ được ngành Nông nghiệp ban hành, từ giữa tháng 2 là thời điểm xuống giống vụ tôm mới. Tuy nhiên, về các vùng nuôi tôm trong tỉnh vào thời điểm này, theo ghi nhận, người nuôi tôm chưa chuẩn bị tốt các điều kiện để bước vào vụ mới.

Nguyên nhân là do bà con khó khăn về nguồn vốn, trong khi giá tôm giống, thức ăn chăn nuôi đang ở mức khá cao, nguy cơ dịch bệnh đang rình rập.

Người nuôi tôm đang gặp khó

Ông Nguyễn Anh Tuấn- chủ hồ tôm ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước - bộc bạch: Bước vào vụ nuôi tôm năm nay, người nuôi tôm chúng tôi rất khó khăn vì thiếu vốn đầu tư cải tạo ao hồ và mua tôm giống chất lượng cao.

Với diện tích 1 ha, lẽ ra tôi phải đầu tư hơn 60 triệu đồng để cải tạo hồ, sửa chữa bờ, mua tôm giống, nhưng tôi chưa biết tìm đâu ra vốn.

Các năm trước, nhiều đại lý kinh doanh thức ăn nuôi tôm ở địa phương sẵn sàng ứng vốn trước để giúp người nuôi tôm sản xuất, nhưng năm nay do khó khăn nguồn vốn nên các đại lý không còn mặn mà. Do vậy, nhiều hộ nuôi tôm ở địa phương phải cắt giảm chi phí đầu tư cải tạo hồ...

Ông Huỳnh Văn Cẩn, cán bộ khuyến ngư xã Phước Sơn, cho biết thêm: Bên cạnh việc thiếu vốn sản xuất, vấn đề dịch bệnh tôm nuôi thường xuyên tái diễn cũng làm cho bà con nuôi tôm rất lo lắng.

Trong vụ nuôi tôm năm ngoái, hầu như các hộ thả tôm sớm đều bị thiệt hại do gặp thời tiết lạnh, tôm bị bệnh hoại tử gan tụy chết hàng loạt. Đây là loại dịch bệnh mới phát sinh nên các cơ quan chức năng của tỉnh chưa có biện pháp hướng dẫn chữa trị hiệu quả. Do vậy, bước vào vụ nuôi tôm mới này, nhiều hộ còn chần chừ không thả giống khi thời tiết trở lạnh.

Đến thời điểm này, trong tổng số 274 ha mặt nước nuôi tôm của toàn xã mới chỉ có 11 ha ở khu vực hồ Úc - thôn Vinh Quang 2 đang được người nuôi tôm cải tạo để thả tôm vào đầu tháng 3.

Theo ông Nguyễn Bay, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước: Vụ này, toàn huyện sẽ đưa vào nuôi tôm 972 ha mặt nước, tập trung tại các xã Phước Thuận 317 ha, Phước Sơn 274 ha, Phước Hòa 327 ha, Phước Thắng 54 ha. Trong đó, nuôi theo phương thức bán thâm canh, thâm canh khoảng 100 ha; diện tích còn lại nuôi quảng canh cải tiến, thân thiện với môi trường.

Theo lịch thời vụ được ngành Nông nghiệp tỉnh ban hành, bắt đầu từ 1.3, các vùng nuôi tôm ở Tuy Phước đồng loạt thả con giống. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên nhiều hộ nuôi tôm chưa có điều kiện tu sửa, cải tạo ao hồ để bước vào vụ mới.

Chúng tôi đang tập trung vận động người nuôi tôm đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao hồ, hỗ trợ tìm nguồn giống chất lượng, tăng cường công tác kiểm dịch… để bà con yên tâm sản xuất.

Tại huyện Hoài Nhơn, vụ nuôi tôm này, toàn huyện sẽ đưa 217 ha mặt nước vào nuôi tôm, tập trung tại các xã: Hoài Mỹ, Hoài Hải, Hoài Hương, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam… Trong vụ nuôi tôm năm 2013, người nuôi tôm tại địa phương bị thất bại nặng nề do tôm nuôi bị bệnh hoại tử gan tụy, chết hàng loạt.

Do vậy, bước vào vụ nuôi tôm mới, hầu hết các hộ nuôi tôm ở đây đều dè chừng, chưa mạnh dạn thả con giống. Đến nay, tuy vào chính vụ nuôi tôm nhưng toàn huyện mới chỉ thả nuôi được vài ha tại các xã Hoài Mỹ, Hoài Hương, Hoài Hải.

Tăng cường hỗ trợ người nuôi tôm

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản thuộc Sở NN-PTNT, năm nay, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh trong vụ 1 dự kiến trên 2.200 ha, tập trung tại các huyện Tuy Phước 972 ha, Phù Mỹ 567 ha, TP Quy Nhơn 348 ha, Phù Cát 257 ha, Hoài Nhơn 217 ha. Đến thời điểm này, người nuôi tôm toàn tỉnh chỉ mới thả nuôi được trên 20 ha, tập trung tại huyện Phù Mỹ, TP Quy Nhơn, Hoài Nhơn.

Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản, cho biết: “Nhằm hỗ trợ người nuôi tôm phát triển sản xuất trong điều kiện có nhiều yếu tố bất lợi, đơn vị đã tăng cường phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh, chính quyền các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để việc nuôi tôm mang lại hiệu quả.

Vừa qua, Chi cục đã đưa ra các giải pháp kỹ thuật nuôi tôm như: Trong từng tiểu vùng nuôi có chung nguồn nước cấp, xả, người nuôi cần tổ chức cải tạo đồng loạt, thu gom chất thải đưa ra ngoài vùng nuôi, không được xả thải ra môi trường chung và cùng thả tôm giống trong khoảng thời gian 1 tuần, nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nước nuôi tôm, hạn chế dịch bệnh.

Những vùng nuôi tôm thường xảy ra dịch bệnh, nên thả nuôi theo phương pháp quảng canh, nuôi xen, ghép tôm với các đối tượng thủy sản khác như cá chua, cá dìa….

Về thời vụ, mặc dù xác định lịch thời gian thả giống đối với vùng nuôi tôm trên cát là từ 15.2, các vùng cao triều từ đầu tháng 3, nhưng cần lưu ý là chỉ thả giống vào thời điểm thời tiết ấm để tránh bị dịch bệnh tôm nuôi. 

Đồng thời, ngành chức năng cũng khuyến cáo: Nguồn tôm giống trước khi thả nuôi phải chọn giống đảm bảo chất lượng, phải qua kiểm dịch. Giống tôm sú thả nuôi theo phương thức nuôi tổng hợp phải ương khoảng 20 ngày trong ao đất hoặc trong giai để tôm đạt kích cỡ 3 - 4 cm trước khi thả nuôi. Mật độ thả giống phải phù hợp cho từng vùng, mỗi vùng nuôi tôm có chung nguồn nước cấp, người nuôi tôm nên hình thành nhóm hộ để thực hiện quản lý cộng đồng.

Khi có dịch bệnh xảy ra phải kịp thời báo cáo cho khuyến ngư viên và cơ quan chuyên môn để có biện pháp xử lý; phải thực hiện “ba không” (không giấu bệnh, không xả thải nước ao khi chưa được xử lý và không xả xác tôm chết do nhiễm bệnh ra môi trường). Chấp hành tốt quy định xử lý, tiêu diệt mầm bệnh theo sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn…


Có thể bạn quan tâm

Người Chăn Nuôi Tích Cực Chuẩn Bị Hàng Phục Vụ Tết Người Chăn Nuôi Tích Cực Chuẩn Bị Hàng Phục Vụ Tết

Để đảm bảo cho việc chăn nuôi được an toàn, không xảy ra dịch bệnh, Chi cục Thú y tỉnh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, khuyến cáo người dân nêu cao ý thức phòng bệnh, đặc biệt là việc chuẩn bị con giống, chú ý vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, tiêm phòng đủ các mũi vắc xin, bổ sung nguồn thức ăn tinh cho đàn vật nuôi.

09/12/2014
Khánh Hòa Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Kết Hợp Ốc Hương Với Tu Hài Khánh Hòa Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Kết Hợp Ốc Hương Với Tu Hài

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt và công bố ứng dụng kết quả dự án “Ứng dụng công nghệ nuôi kết hợp ốc hương với tu hài trên biển theo hướng bền vững tại vịnh Vân Phong”. Dự án do Thạc sĩ Huỳnh Kim Khánh (Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh) làm chủ nhiệm; nhận chuyển giao công nghệ từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III.

24/07/2014
Sản Xuất Sạch Với Quy Mô Lớn Sản Xuất Sạch Với Quy Mô Lớn

Hiện tại, nông sản sạch vẫn gặp khó về đầu ra vì giá bán còn cao. Sản xuất với quy mô lớn nhằm giảm giá sản phẩm được xem là giải pháp cho vấn đề trên.

09/12/2014
Hà Tĩnh Quy Hoạch Gần 700 Ha Rau, Củ, Quả Công Nghệ Cao Hà Tĩnh Quy Hoạch Gần 700 Ha Rau, Củ, Quả Công Nghệ Cao

Việc quy hoạch của tỉnh nhằm khai thác tốt tiềm năng đất đai, lao động và các nguồn lực xã hội để phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng chuyên canh, có năng suất, chất lượng tốt, cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường và hướng tới xuất khẩu.

24/07/2014
Trồng Rau Hữu Cơ Mô Hình Của Những Nông Dân Hiện Đại Trồng Rau Hữu Cơ Mô Hình Của Những Nông Dân Hiện Đại

Vẫn nghe khái niệm rau sạch, rau an toàn nhưng rau hữu cơ thì ít, dường như còn khá lạ. Mục sở thị trang trại rau hữu cơ của Công ty CP TERRANIQUE tại xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) mới thấy quy trình trồng rau ở đây hoàn toàn khác biệt và theo tiêu chuẩn thực sự khắt khe.

24/07/2014