Người Nuôi Tôm Sú Và Tôm Thẻ Chân Trắng Tại Tân Phú Đông Đang Gặp Khó Ở Tiền Giang

Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho bà con, tuy nhiên nghề này vẫn tồn tại những rủi ro rất cao, thậm chí có những vụ nhiều bà con phải mất trắng. Với thời điểm hiện tại khi tình hình thời tiết diễn biến phức tạp kèm theo các biện pháp kiểm soát chất lượng về môi trường nước, phòng ngừa dịch bệnh trên diện tích ao tôm vẫn còn nhiều hạn chế, nên việc tôm bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt trong thời gian qua là điều không thể tránh khỏi, gây thiệt hại rất lớn đến với các hộ nuôi. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, toàn huyện hiện có 49 ha với 44 triệu con giống đang bị nhiễm bệnh hoại tử gan tụy và đốm trắng.
Tại ao nuôi của anh Nguyễn Văn Hòa, vụ tôm năm nay anh thả nuôi trên diện tích 1,2 ha tôm sú đang được 35 ngày tuổi, hiện tại 1,2 ha tôm của anh bị nhiễm bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy gần như hoàn toàn. Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc nuôi tôm sú thì chưa khi nào người nuôi tôm lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn như 2 năm gần đây. Anh cho biết: "Năm nay thời tiết diễn biến khá phức tạp không chỉ vậy mà dịch bệnh lại có chiều hướng gia tăng cộng thêm giá thức ăn tăng nên vụ nuôi tôm năm nay gặp rất nhiều khó khăn".
Còn tại hộ nuôi của ông Bùi Văn Tồn, vụ tôm năm nay ông thả 2 ao gần 50.000 con giống, hiện tại tôm ông được khoảng 30 ngày tuổi. Với chi phí đầu tư từ con giống, thức ăn, công chăm sóc... gần 60 triệu đồng, coi như mất trắng. Do trời nắng nóng oi bức trong những ngày qua, nguồn nước bị nhiễm bệnh từ các hộ xung quanh nên toàn bộ tôm nuôi của ông bị nhiễm khuẩn E-coli đường ruột rồi chuyển sang bị nhiễm đốm trắng và chết hàng loạt.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, nguyên nhân dẫn đến diện tích tôm chết hàng loạt tại các hộ nuôi không chỉ do thời tiết diễn biến phức tạp như nắng nóng, độ PH cao, độ mặn không thích hợp mà còn do chất lượng tôm giống không đảm bảo và môi trường nước không đạt nên tôm dễ bị nhiễm bệnh và dẫn đến chết như hiện nay. Để giảm thiểu những thiệt hại trên diện tích các ao tôm còn lại cũng như khuyến khích bà con tái sản xuất lại diện tích nuôi tôm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã có những khuyến cáo thiết thực đối với các hộ nuôi tôm.
Bà Lê Thị hằng- Phó phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông cho biết: "Trước tình hình dịch bệnh trên tôm thì huyện đã tăng cường nhiều biện pháp thiết thực nhằm giúp bà con khắc phục, đồng thời thường xuyên tuyên truyền cấp phát thuốc cho những hộ có diện tích tôm chết nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại. Đồng thời khuyến cáo bà con tái sản xuất lại diện tích ao tôm, nhằm đảm bảo sản lượng thủy sản của tỉnh trong năm 2013".
Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã thả nuôi trên diện tích 2.578 ha với gần 788 triệu con tôm giống, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng và tôm sú, trong đó huyện Tân Phú Đông có diện tích nuôi lớn nhất tỉnh, gần 2.200 ha với hơn 600 triệu con giống. Chính vì vậy, việc tôm chết trong những ngày qua không chỉ gây thiệt hại đối với bà con nuôi tôm mà còn ảnh hưởng đến sản lượng thủy sản chung của tỉnh trong năm 2013 này. Chính vì vậy, các ngành chức năng cần có những biện pháp hỗ trợ tích cực và kịp thời nhằm giúp cho các hộ nuôi tôm yên tâm với nghề.
Có thể bạn quan tâm

Ở ĐBSCL, cây mè (vừng) có thể trồng các vụ đông xuân, xuân hè và hè thu hoặc có thể trồng muộn hơn vào đầu vụ thu đông, nhưng cần tránh lúc thu hoạch mưa nhiều gây thất thu.

Là một trong 4 ngư trường khai thác trọng điểm của cả nước, trong những năm qua nghề khai thác, đánh bắt thuỷ sản của Quảng Ninh đã có bước phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho bà con ngư dân. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà dẫn đến hậu quả nguồn lợi thuỷ sản bị cạn kiệt, nhiều loài có giá trị kinh tế, quý hiếm ở vùng ven bờ đang đứng trước nguy cơ bị đe doạ tuyệt chủng...

Hiện nay, hàng chục tàu câu cá ngừ đại dương (CNĐD) bằng đèn (câu tay kết hợp ánh sáng) của ngư dân Khánh Hòa và các tỉnh lân cận đang nằm bờ. Nguyên nhân của tình trạng này là do chi phí tăng cao trong khi giá bán CNĐD thấp nên tàu câu không có lãi, thậm chí thua lỗ sau mỗi chuyến đi.

Tháng 7 năm ngoái, sản phẩm ớt Thanh Bình (Đồng Tháp) được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Ớt Thanh Bình”, đây được xem là bước đánh dấu cho sản phẩm này.

Bằng sự nhạy bén, năng động, mạnh dạn xây dựng mô hình sản xuất vườn - ao - chuồng - rừng (VACR) hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, ông Lê Mộng Bảo đã làm giàu trên chính mảnh đất Lộc Thành nhiều gian khó.