Người nuôi tôm phấn khởi đón vụ mới

Giá tăng trở lại
Từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 5/2015, giá tôm nước lợ tại các tỉnh ĐBSCL liên tục sụt giảm khiến nông dân chán nản bỏ ao. Tuy nhiên, gần 1 tháng nay, giá tôm tăng từ 6.000 - 20.000 đồng/kg nên ai cũng thu lợi nhuận khá nếu tôm nuôi phát triển tốt.
Ông Lê Văn Danh, thương lái thu mua tôm ở thị trấn Vàm Láng (Gò Công Đông - Tiền Giang) cho biết, sau một thời gian giảm mạnh, giá tôm tuần đầu tháng 6 tăng từ 10.000-15.000 đồng/kg; tuần thứ 2 tiếp tục tăng thêm 3.000-5.000 đồng/kg.
Hiện, tôm sú loại 40 con/kg được thương lái đến tận ao thu mua với giá 180.000 -200.000 đồng/kg, tôm sú loại 30 con/kg giá 210.000-230.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với nửa tháng trước. Tôm thẻ chân trắng loại 60 con/kg được thương lái thu mua với giá 106.000-114.000 đồng/kg, loại 100 con/kg cũng có giá 86.000-90.000 đồng/kg, tăng khoảng 13.000 đồng/kg so với đầu tháng 6.
Tại Cà Mau, từ đầu tháng 5/2015 đến nay, giá tôm dần ổn định và tăng trở lại. Hiện, tôm sú loại 20 con/kg giá dao động từ 240.000-250.000 đồng/kg, loại 30 con/kg đạt 160.000-170.000 đồng/kg, loại 40 con/kg từ 140.000-150.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ chân trắng cũng tăng từ 6.000-12.000 đồng/kg; cụ thể loại 100 con/kg giá 88.000 đồng/kg, loại 60 con/kg giá 106.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 123.000 đồng/kg.
Nhiều thương lái thu mua tôm cho biết, giá tôm tăng trở lại là do gần đây các doanh nghiệp chế biến đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu để đáp ứng các đơn hàng của đối tác. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết những tháng đầu năm khiến sản lượng tôm không nhiều.
Nông dân phấn khởi
Giá tôm tăng trở lại, người nuôi đạt lợi nhuận khá nên rất phấn khởi. Ông Nguyễn Quang Thuận ở xã Phú Thạnh (Tân Phú Đông - Tiền Giang) cho biết, hiện tôm sú có giá 110.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng 70.000 đồng/kg; năng suất bình quân của tôm sú khoảng 5 tấn/ha sau 4-4,5 tháng nuôi, tôm thẻ chân trắng đạt khoảng 10 tấn/ha sau 2,5-3 tháng nuôi. Với giá tôm như hiện nay, nông dân có thể đạt lợi nhuận 350-500 triệu đồng/ha đối với tôm sú và 160-450 triệu đồng/ha đối với tôm thẻ chân trắng.
“Giá tôm tăng giúp người nuôi có lợi nhuận cao, có vốn đầu tư tái sản xuất. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm rủi ro rất cao do dịch bệnh luôn rình rập, vì vậy bà con cần thực hiện đúng quy trình, đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật mới mong thoát được dịch bệnh”, ông Thuận chia sẻ.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Tiền Giang, trong nửa đầu tháng 6/2015, diện tích tôm sú và tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh thả nuôi đạt hơn 150ha, đưa tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của cả tỉnh đạt hơn 3.819ha. Còn theo Tổng cục Thủy sản, tính đến hết tháng 5/2015, diện tích thả nuôi tôm nước lợ các tỉnh ven biển phía Nam là 538.190ha.
Nâng cao hiệu quả vụ tôm cuối năm
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Cà Mau, hiện lượng tôm nguyên liệu các nhà máy chế biến thu mua vào trong thời gian trước đã sụt giảm. Để phục vụ dịp lễ Noel và Tết Dương lịch 2015, nhu cầu tiêu thụ tôm của thị trường thế giới sẽ tăng trở lại trong thời gian tới. Mặt khác, hiện độ mặn tại các vùng nuôi tôm còn khá cao và thời tiết đang giao mùa (mưa, nắng), môi trường biến động lớn, một số nơi nguồn nước ngoài sông còn cạn và ô nhiễm nên hạn chế lấy nước vào ao, đầm.
Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau khuyến cáo nông dân nên hạn chế thả giống để giảm rủi ro, đồng thời chờ giá tôm tăng trở lại (dự báo vào đầu quý 3 năm 2015). Bà con cũng cần khẩn trương cải tạo ao, đầm theo đúng quy trình kỹ thuật, chuẩn bị sẵn sàng cho các điều kiện thả giống. Tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết, môi trường, khi thấy thuận lợi thì thả giống ngay. Nên chọn cơ sở cung cấp giống tôm có thương hiệu uy tín, chất lượng tốt và qua kiểm dịch để thả nuôi.
Để nghề nuôi tôm nước lợ phát triển thuận lợi trong những tháng cuối năm 2015, Tổng cục Thủy sản vừa yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý chất lượng con giống và các yếu tố đầu vào, liên kết chuỗi trong nuôi để tránh rủi ro cho người dân. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện quan trắc và cảnh báo môi trường, có thông tin cụ thể, kịp thời cho người nuôi. Cần tăng cường tuyên truyền để người dân không lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm nhằm nâng cao chất lượng; đẩy mạnh việc hợp tác giữa người nuôi với người nuôi, người nuôi với doanh nghiệp để đảm bảo phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Sau 2 năm triển khai thực hiện, cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã từng bước khẳng định mô hình sản xuất lúa kiểu mẫu tại Hậu Giang. Tuy nhiên, các hình thức đầu tư khép kín từ sản xuất đến thu mua sản phẩm giữa người dân với doanh nghiệp chưa thực sự mạnh mẽ, nên đã ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu tiến tới xây dựng cánh đồng lớn cho tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi về tình hình sản xuất vụ đông, đồng chí Cao Xuân Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Thao đánh giá: Là huyện đồng bằng, đất chật, người đông, từ lâu Lâm Thao đã chú trọng tăng vụ, trong đó sớm đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính.

Từ tháng 5/2014 đến nay, dịch sâu róm tấn công rừng thông phát triển mạnh tại địa bàn các huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh và Hướng Hóa (Quảng Trị), gây thiệt hại nặng nề cho hơn 1.000 ha rừng thông. Năm nay dịch sâu róm xuất hiện sớm, xảy ra trong điều kiện nắng nóng kéo dài nên diễn biến rất phức tạp.

Tiếp đến là bọ xít dài có nguy cơ xuất hiện trên các trà lúa đang bước vào thời kỳ trỗ hoặc chắc xanh ở khu vực gần rừng. Để phòng trừ 2 loại sâu bệnh hại này, nông dân cần tích cực thăm đồng để phát hiện và phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thành phố, thị xã…

Đài KBS đưa tin, Chính phủ Hàn Quốc đã ra quyết định đánh thuế 513% đối với gạo NK từ nước ngoài, một động thái chuẩn bị cho việc phải mở cửa thị trường gạo vào năm 2015.