Người Nuôi Tôm Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long Phản Đối Phán Quyết Của DOC

Hơn 600.000 nông dân, người làm chế biến và xuất khẩu tôm tại Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp từ phán quyết này.
Người nuôi và nhà sản xuất tôm ở ĐBSCL đã có sự bất bình trước thông tin Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức công bố phán quyết cuối trong vụ điều tra vụ kiện chống trợ cấp đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là một sự áp đặt bất công với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam, đồng thời cũng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hàng ngàn hộ nông dân sản xuất tôm.
Với phán quyết này của DOC, các hộ nuôi tôm tập trung ở khu vực ĐBSCL đang phải đối mặt với nguy cơ sản phẩm tôm bị đánh thuế 2 lần tại thị trường Mỹ khi DOC đã quyết định áp mức thuế chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Trong đó, với cáo buộc là ngành tôm Việt Nam đã nhận các khoản trợ cấp không chính đáng từ Chính phủ.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex chuyên xuất khẩu các mặt hàng tôm đông lạnh cho rằng, các doanh nghiệp hiện đang hoạt động theo cơ chế thị trường. Do vậy, không nhận trợ cấp của nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cũng không nhận được bất kỳ trợ cấp riêng biệt nào cho ngành tôm trong nhiều năm qua.
“Thật sự trong ngành tôm, cá, chăn nuôi...có được ai tài trợ gì đâu? Nhất là ngành tôm không có trợ cấp đồng nào. Người nông dân tự lo liệu tất cả các khâu. Điều tra như thế là không chính xác. Quyết định này ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đây là phán quyết không công bằng.” - ông Kịnh bức xúc phản đối.
Có thể nói, ĐBSCL là vùng đặc trưng có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Trong nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL, con tôm sú là đối tượng nuôi được nông dân lựa chọn nhiều nhất, đã trở thành nghề sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm thay đổi cơ cấu kinh tế trong vùng; góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo cho người dân nông thôn và làm thay đổi nhiều bộ mặt làng quê.
Tuy nhiên, trước quyết định này từ phía DOC sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hơn 600.000 nông dân, người làm chế biến và xuất khẩu tôm tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng nêu rõ ý kiến đại diện người sản xuất tôm: “Nền kinh tế nước mình còn nhỏ, mang sản phẩm đi bán cho nước ngoài bị ép cái này cái kia là điều hiển nhiên. Bây giờ họ nói rằng sản phẩm của mình được trợ cấp thì phải chứng tỏ cho họ biết là không có việc này. Họ đánh thuế như vậy thực chất là đánh vào người nông dân nuôi tôm. Trong khi người nuôi tôm hiện nay đang điêu đứng do biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, khó khăn chồng chất khó khăn”.
Quay trở lại vụ việc cho thấy, để đi đến phán quyết này của DOC xuất phát từ vụ kiện của Liên minh công nghiệp tôm vùng Vịnh Mỹ với cáo buộc, ngành tôm của một số nước, trong đó có Việt Nam đã nhận các khoản trợ cấp không chính đáng từ Chính phủ. Vụ kiện này vô cùng phi lý khi Liên minh công nghiệp tôm vùng Vịnh Mỹ đại diện cho các công ty khai thác tôm tự nhiên còn tôm nhập khẩu là tôm nuôi. Đây là 2 sản phẩm hoàn toàn khác nhau và không hề cạnh tranh với nhau trên thị trường.
Ở khu vực ĐBSCL là vùng nuôi tôm nước lợ chủ yếu của Việt Nam với tổng diện tích nuôi tôm là gần 600.000 ha, sản lượng trên 350.000 tấn (chiếm trên 90% diện tích, hơn 75% sản lượng nuôi tôm cả nước). Nghề nuôi tôm ở khu vực này đã có bước phát triển nhanh theo mô hình nuôi công nghiệp, đạt các tiêu chuẩn quốc tế với sự đầu tư của các doanh nghiệp, hộ dân cá thể…
Do vậy, việc quyết định áp mức thuế chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam là một sự áp đặt bất công với các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là một quyết định không công bằng, đánh hai loại thuế lên cùng một sản phẩm. Bởi Việt Nam hoạt động theo cơ chế thị trường và không nhận bất kỳ sự trợ cấp nào từ Nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex nhấn mạnh rằng, quyết định này đã đánh thẳng vào quyền lợi của người nông dân, công ăn việc làm của người dân bị ảnh hưởng rất lớn.
“Với một đất nước còn nghèo khó đang cố gắng để vươn lên, xóa đói giảm nghèo, nhiều tổ chức quốc tế đang nhiệt tình giúp đỡ. Thế nhưng với việc đánh thuế này của DOC đã làm cho công ăn việc làm cho người nuôi tôm lâm vào thế khó khăn.” - ông Kịch nói.
Mặc dù một số mức thuế lần này đối với các doanh nghiệp Việt Nam đã giảm so với quyết định sơ bộ của DOC, thấp hơn nhiều so với mức thuế đánh vào đại đa số các bị đơn khác của vụ kiện, nhưng dù sao quyết định của DOC vẫn là một quyết định không công bằng.
Phán quyết của DOC ngoài việc gây ảnh hưởng lớn tới đời sống của hàng ngàn nông dân và các nhà sản xuất tôm Việt Nam, nhất là ở khu vực ĐBSCL thì chắc chắn rằng cũng sẽ ảnh hưởng về mặt tâm lý của doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.
Có thể bạn quan tâm

Phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ở huyện Thới Bình (Cà Mau) những năm qua luôn được duy trì và phát triển tốt, trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội nông thôn, thu hút hàng ngàn hộ nông dân tham gia. Trong đó, hội viên nông dân Trương Văn Phương, ấp Hà Phúc Ứng, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, là một điển hình.

Năm 2013, hộ ông Nguyễn Văn Ái ở ấp Gò Sầm, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn để thực hiện mô hình nuôi ghép cá thát lát còm với cá chép V1 trên diện tích 1.000m2.

Năm 2013, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 5.300 tấn, trong đó, sản lượng khai thác 1.450 tấn, sản lượng nuôi trồng 3.850 tấn. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành thủy sản ước đạt 8,24%, giá trị thu nhập/ha nuôi trồng thủy sản ước đạt 75 triệu đồng.

Tốt nghiệp cử nhân kinh tế nhưng Vương Đình Hiếu và Mai Thị Lê (đều sinh năm 1990) không nộp đơn xin việc làm với chuyên ngành đã học mà lập trại nuôi thỏ tại xã Bình Nam (Thăng Bình - Quảng Nam).

Thời tiết bất thường, dịch bệnh hay xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm nên nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh Đồng Nai phải dùng thuốc kháng sinh để phòng trị bệnh. Đây chỉ là giải pháp tạm thời không được khuyến khích.