Người Nuôi Tôm Hùm Bước Vào Vụ Mới, Nhiều Nỗi Lo

Tuy vào vụ gần 2 tháng và bệnh sữa trên con tôm không còn phức tạp như năm trước, nhưng tình trạng tôm chết rải rác vẫn còn xảy ra, vì vậy vấn đề dịch bệnh đang là nỗi lo thường trực của người nuôi tôm hùm trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa).
Tuy đã chuẩn bị đầy đủ ô bè cho việc thả giống vụ mới, nhưng vì lo lắng dịch bệnh có thể xảy ra trên con tôm nên anh Nguyễn Văn Lực ở xã Vạn Thạnh chỉ mới dám thả 350 con giống; bởi anh cũng như nhiều người nuôi tôm ở đây không biết dịch bệnh xảy ra khi nào.
Theo anh Nguyễn Văn Lực, khi con tôm còn nhỏ thì tạm ổn, nhưng lo nhất là vấn đề khi nuôi lớn gần ngày xuất bán thì dịch bệnh phát ra.
Bên cạnh nỗi lo về dịch bệnh, đầu ra của con tôm hùm cũng đang là mối quan tâm hàng đầu của người nuôi tôm ở Vạn Ninh khi bước vào vụ tôm mới. Sau hơn một năm nuôi, hiện bè tôm của gia đình anh Nguyễn Hữu Nghị còn hơn 1.100 con tôm, trọng lượng mỗi con từ 7 đến 8 lạng và đang trong thời điểm xuất bán, với hy vọng sẽ thu được lãi cao.
Thế nhưng giá đầu ra lại quá bấp bênh, ngay từ những ngày đầu năm 2014, giá tôm lên đến 2 triệu 400 ngàn đồng/kg, rồi giảm xuống 1,9 triệu và đến nay chỉ còn 1 triệu 700 ngàn đồng/kg. Bên cạnh đó, thương lái luôn tìm mọi cách để ép giá, khiến việc nuôi tôm của bà con càng khó khăn hơn.
Anh Nguyễn Hữu Nghị cho biết thông thường những năm bà con nuôi nhiều thì giá thấp, còn năm nuôi ít thì giá cao. Giá cả rất bất bênh khiến người nuôi phân vân, những năm giá cao thì mừng, giá thấp thì nông dân phải chịu.
Vạn Ninh là địa phương có số lồng tôm hùm nhiều nhất tỉnh Khánh Hòa, với hơn 9.100 lồng, chủ yếu tập trung tại xã đảo Vạn Thạnh, đầu vụ đến nay có khoảng 45% hộ thả giống mới.
Tuy nhiên, hơn 2 tuần qua, lượng tôm hùm giống khai thác ngoài tự nhiên ở đây khá nhiều và giá rất thấp, vì vậy, người nuôi tôm những năm trước bỏ bè trống sẽ quay trở lại thả giống, dẫn đến lượng tôm nuôi trên địa bàn sẽ phát triển trở lại vào năm nay. Đây cũng là nỗi lo của địa phương trong vấn đề phòng chống dịch bệnh và đầu ra cho con tôm.
Theo ông Trương Thái Hùng – Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh, các ngành đang quan tâm đến 2 vấn đề, một là công tác điều trị cho tôm hùm, làm sao giảm tình trạng tôm chết, hai là đầu ra tính toán cho ổn định để bà con yên tâm đầu tư.
Dịch bệnh trên con tôm hùm ở Vạn Ninh năm nào cũng có, nhất là khi lượng lồng bè phát triển nhiều, lượng thức ăn thừa của tôm làm môi trường nước bị ô nhiễm dẫn đến dịch bệnh trên đàn tôm nuôi.
Trong khi các ngành chức năng vẫn chưa có phương pháp điều trị hữu hiệu bệnh sữa trên con tôm hùm, thì người nuôi cần thận trọng trong việc mở rộng diện tích lồng nuôi, thay vì nuôi số lượng nhiều như những năm trước, bà con nên nuôi ở mật độ thưa và làm tốt công tác chăm sóc đàn tôm, nhằm kiểm soát được dịch bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 7-7, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong tuần qua, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ đã xảy ra ở 6 tỉnh, thành Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, TPHCM, Tiền Giang và Cà Mau. Tổng diện tích nuôi tôm bị thiệt hại do bệnh đốm trắng là 1.843ha và diện tích bị thiệt hại do hội chứng gan tụy cấp là 2.797ha. Địa phương có diện tích bị thiệt hại nhiều nhất là Cà Mau.

Với ưu thế “Cận lộ, cận giang”, nhất là tận dụng dòng sông Lô chảy qua với nhiều loài cá quý hiếm tự nhiên, người dân Thái Hòa (Hàm Yên - Tuyên Quang) đã đánh bắt và chuyển sang nuôi thử nghiệm những giống cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Giờ thì riêng khoản nuôi cá chiên lồng trên sông Lô đã trở thành “nghề hốt bạc” của nhiều hộ nông dân nơi đây.

Hiện nay, có 5 doanh nghiệp được tỉnh Bạc Liêu cho thuê đất nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 397 ha. Các doanh nghiệp này thuê đất chủ yếu để xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của mình.

Mặc dù là người làng cá bột nổi tiếng nhưng ông Nguyễn Thế Tự (xóm Táo, Mão Điền, Thuận Thành - Bắc Ninh) lại có đam mê nuôi gà Hồ, giống gà đang được chăm lo bảo tồn. Nhiều năm nay, ông Tự đã trở thành nhà cung cấp gà giống có uy tín trong vùng.

Do chí phí đầu tư thấp, dễ trồng và hiệu quả kinh tế cao nên cây rong sụn đang là đối tượng nuôi trồng được nhiều hộ dân ở phường Cam Phúc Bắc (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) lựa chọn, góp phần giúp đời sống của người dân ngày càng khấm khá hơn.