Người Nuôi Tôm Chưa Yên Tâm

Thời tiết sau Tết Nguyên đán đã nắng ấm, nhiều hộ nuôi tôm trong tỉnh Phú Yên đang thả giống. Thế nhưng, chất lượng con giống chưa được kiểm soát chặt chẽ khiến nhiều hộ nuôi tôm không yên tâm. Sở NN-PTNT đề nghị các địa phương có nuôi tôm tăng cường quản lý vùng nuôi, kiểm soát chặt chẽ nguồn tôm giống không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch.
Chất lượng con giống chưa đảm bảo
Theo Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, cánh đồng nuôi tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch khoảng 1.200ha, đến nay bà con đã thả nuôi hơn 200ha. Ông Nguyễn Văn Bút, người nuôi tôm ở xã Hòa Tâm, cho biết: “Vụ 1 năm nay tôi dự kiến nuôi trên diện tích khoảng 3.000m2.
Hồ nuôi đã cải tạo xong, nhưng khó khăn nhất là con giống. Hiện nhiều cơ sở sản xuất giống thủy sản đến từng trại nuôi tôm để chào hàng, thậm chí có cơ sở còn khuyến mãi… nên người nuôi không biết đâu là con giống khỏe mạnh, sạch bệnh để lựa chọn. Nếu ham rẻ, mua phải con giống mang mầm bệnh thì vụ nuôi sẽ thất bại.
Người nuôi tôm chỉ biết lựa chọn các cơ sở sản xuất có thương hiệu, uy tín lâu nay để đặt mua con giống, mặc dù giá cả cao hơn nhiều. Tuy nhiên thực tế mấy năm gần đây, con giống của các cơ sở có uy tín, có giấy xác nhận kiểm dịch nhưng khi thả nuôi, tôm vẫn bị bệnh và có khi bùng phát bệnh trước tiên trong vùng nuôi. Chúng tôi không còn tin tưởng vào giấy kiểm dịch nữa mà xác định nuôi tôm như lao vào một canh bạc đầy may rủi”.
Theo UBND huyện Đông Hòa, mấy năm gần đây, vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch thường xuyên xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi. Nguyên nhân do thời tiết biến đổi bất thường, không đảm bảo vệ sinh ao hồ, cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa phù hợp, người nuôi chưa chấp hành quy chế vùng nuôi, thả nuôi chưa đồng bộ, chưa đúng lịch thời vụ… Vấn đề con giống kém chất lượng là một trong những nguyên nhân khiến vùng nuôi xảy ra dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Ông Đỗ Tấn Thành, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, cho biết: “Chất lượng con giống trong nhiều năm không được kiểm soát chặt chẽ, người nuôi chủ yếu chọn những trại tôm giống có uy tín trên thị trường, chứ không thể biết nguồn tôm giống mình mua có sạch bệnh hay không.
UBND huyện đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn tăng cường quản lý chất lượng con giống, chất lượng thức ăn, thuốc thú y thủy sản. Năm 2014, Phòng NN-PTNT huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các lô tôm giống nhập về địa phương nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và không có xác nhận kiểm dịch”.
Tăng cường quản lý
Phú Yên hiện có 75 cơ sở sản xuất giống thủy sản, riêng năm 2014 sản xuất giống thủy sản các loại đạt 1,56 tỉ con, tăng gấp 2,78 lần so với năm 2013. Trong đó có 9 công ty sản xuất giống thủy sản với quy mô lớn, bình quân mỗi công ty hơn 100 triệu con giống/năm. Theo Sở NN-PTNT, qua so sánh các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ pH, độ mặn… thì Phú Yên là một trong những địa phương phù hợp cho sản xuất tôm giống hoạt động quanh năm.
Tuy nhiên, năng lực sản xuất giống thủy sản của các cơ sở trong tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu con giống. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.500ha hồ nuôi tôm, nhu cầu con giống khoảng 2,5 tỉ con/năm, nhưng các cơ sở trong tỉnh chỉ mới đáp ứng được khoảng 35%. Theo tiến sĩ Ngô Anh Tuấn, chuyên gia tư vấn của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc, con giống đạt chất lượng là một trong những khâu rất quan trọng, quyết định mùa vụ thành công hay thất bại.
Do đó cần tập trung hợp tác đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ và chủ động sản xuất giống tôm sạch bệnh, đảm bảo đủ con giống để cung cấp cho các vùng nuôi. Địa phương cần kiểm soát điều kiện sản xuất, chất lượng con giống, quá trình vận chuyển, cung cấp tới tận ao hồ nuôi…
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Hiện nay, khó nhất của tỉnh là chưa có cơ sở đủ điều kiện để kiểm định cũng như xét nghiệm các bệnh phẩm đối với thủy sản nuôi.
Trước mắt, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thú y tăng cường kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở sản xuất giống thủy sản, các cơ sở kinh doanh thuốc, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản; đồng thời kiểm tra nguồn gốc tôm giống tại các cơ sở sản xuất, lưu giữ trên địa bàn tỉnh và kiên quyết xử lý các trường hợp tôm giống xuất trại, tôm giống nhập vào tỉnh không rõ nguồn gốc, tôm giống lưu thông mà không thực hiện kiểm dịch. Đối với các cơ sở sản xuất tôm giống cần thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch, ghi chép quá trình sản xuất, xuất bán tôm giống cho các hộ nuôi.
Ngoài ra, các địa phương có nuôi tôm cũng cần phối hợp với ngành Nông nghiệp để tăng cường quản lý vùng nuôi, nhất là kiểm soát chặt chẽ nguồn tôm giống không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch đang trôi nổi trên thị trường hiện nay. Phú Yên hiện đang triển khai dự án Trạm thực nghiệm giống thủy sản nước mặn tại xã An Hải (huyện Tuy An) nhằm nghiên cứu, sản xuất giống thủy sản nước mặn, nước lợ cung cấp cho các vùng nuôi trong tỉnh”.
Có thể bạn quan tâm

Mức giá trên chỉ áp dụng đối với khối lượng thóc nhập kho tại các đơn vị nêu trong Công văn số 214/TCDT – KH ngày 20/02/2014 của Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

Đến thời điểm này, dịch cúm A/H5N1 đã cơ bản được khống chế, không tiếp tục bùng phát và lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, tin tốt này cũng không khiến người chăn nuôi phấn khởi khi mà gia cầm và các sản phẩm gia cầm đang rơi vào cảnh “đại hạ giá”…

Theo số liệu từ Chi cục Kiểm lâm, hiện nay trên địa bàn có hàng ngàn hộ tham gia gây nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) như rắn, nhím, hươu, lợn rừng...

Theo khảo sát của ngành nông nghiệp và PTNT, hiện nay cả tỉnh có khoảng 4.000/36.000 ha gieo cấy là ruộng trũng, nhiều địa phương thường gọi là chiêm đầm chỉ có khả năng gieo cấy lúa chiêm xuân, vụ mùa kết hợp thả cá vụ, hoặc bỏ hoang. Diện tích tập trung nhiều ở các huyện vùng đất giữa như Thanh Thủy, Tam Nông, Lâm Thao, Cẩm Khê, Thanh Ba, Hạ Hòa...

Trong những năm qua, phong trào trồng cây gây rừng trên địa bàn tỉnh ta phát triển mạnh góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái, xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 118 nghìn ha rừng trồng và hơn 64 nghìn ha rừng tự nhiên.