Người Nuôi Rắn Hổ Hèo Khóc Ròng

Hơn một năm nay, giá rắn hổ hèo sụt giảm mạnh từ 1 triệu đồng/kg xuống còn 250 ngàn đồng/kg.
Chúng tôi về làng nuôi rắn hổ hèo ở xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn (An Giang) để tìm hiểu chương trình hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thông qua việc nuôi rắn hổ hèo.
Được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã, chúng tôi tìm đến ấp Tây Bình, vừa rẽ vào con kênh ở ấp để hỏi thăm đến nhà một hộ nuôi rắn từ chương trình, thì một phụ nữ chạy ra hỏi: “Hai chú mua rắn hả, nhiều hay ít…”. Qua đó, cũng đủ biết các hộ nuôi rắn ở đây ngóng chờ người mua như thế nào.
Khi đến nhà anh Dương Hoài Nhã, đúng lúc vợ chồng anh đang chăm sóc đàn rắn, anh rầu rĩ: “Gia đình tôi là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn nuôi rắn.
Hơn 2 năm nay, cả gia đình bỏ công chăm sóc, hy vọng cải thiện cuộc sống, nào ngờ niềm vui giá rắn ở mức cao chưa được bao lâu lại gặp cảnh rớt giá, dội chợ như thế này”.
Được biết, năm 2012, vợ chồng anh Nhã được hỗ trợ 4 triệu đồng để đóng chuồng nuôi rắn. Do đàn rắn nuôi ban đầu không nhiều nên sau một năm chỉ bán được 50 con rắn giống (mới nở) với giá 200.000đ/con, 50 quả trứng với giá 100.000đ/trứng.
Đàn rắn phát triển tốt nên anh Nhã quyết định tăng đàn với hy vọng năm sau thắng lợi. Tuy nhiên, gần một năm nay đàn rắn của anh vẫn nằm yên trong chuồng.
Anh Nhã buồn bã: “Rắn hổ hèo là loài vật dễ nuôi nhưng hiện tại giá rớt thê thảm mà các hộ muốn bán cắt lỗ cũng khó. Trước đây, rắn thương phẩm loại 3 – 5kg/con, bán với giá hơn 1 triệu đồng/kg, nay giảm xuống còn 400.000đ/kg, còn rắn giống từ 200.000đ/con xuống còn 50.000đ/con; trứng 100.000đ rớt xuống còn 15.000 – 20.000đ/trứng. Với giá này người nuôi lâm cảnh nợ nần là điều khó tránh khỏi”.
Cũng theo anh Nhã, để rắn đạt trọng lượng trên 3kg, các hộ nuôi phải chăm sóc từ 2,5 – 3 năm. Rắn càng lớn lượng thức ăn càng nhiều nên không bán được chi phí sẽ tăng lên. Đối với loại rắn loại này (3 – 5 kg/con), bán với giá 700.000đ/kg trở lên người nuôi mới có lãi.
Gần cả năm nay, đàn rắn hơn 150 con (rắn thương phẩm, rắn giống) vẫn không bán được con nào, kể cả trứng. Đến nay 4 triệu đồng tiền vay mượn phục vụ chăn nuôi rắn của gia đình anh vẫn chưa trả được.
Cách đó không xa, có chung nỗi buồn với anh Nhã là ông Trần Văn Hoàng cùng ấp Tây Bình nuôi 240 con rắn, cho biết: “Tôi làm nghề nuôi rắn hơn 3 năm nay, chưa thấy khi nào giá giảm mạnh như bây giờ, lại không có người mua.
Trong khi đó, hằng ngày vẫn phải tốn tiền mua ếch, nhái cho rắn ăn...”. Theo ông Hoàng, trước đây ấp này có 5 hộ dân được hỗ trợ vốn nuôi rắn và một số ít hộ nuôi tự phát, nhưng hiện tại chỉ còn lại 3 hộ, do rắn sụt giảm mạnh mà lại không có đầu ra. May mắn hộ nào bán được cũng không đủ chi phí.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Thành Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thoại Giang, cho biết: “Mấy năm trước, khi giá rắn đứng ở mức cao, 30 hộ dân trên địa bàn toàn xã thuộc diện nghèo được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ 4 triệu đồng/hộ không tính lãi, với thời gian tối đa 3 năm để xây dựng chuồng nuôi rắn hổ hèo. Nhưng hiện tại mô hình ngưng triển khai, do các hộ nuôi gặp khó về đầu ra cũng như giá bán đứng ở mức thấp”.
Có thể bạn quan tâm

Hai năm trở lại đây, việc khai thác ngao giống trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đưa vào ương nuôi đã mở ra một hướng đi mới đầy hứa hẹn với người nuôi trồng thủy hải sản tại xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, TT-Huế.

Ngư dân được vay vốn và chỉ phải trả lãi hàng tháng bằng… những con ghẹ trứng. Đó là mô hình ngân hàng ghẹ đang phát huy nhiều ưu điểm tại Phú Quốc.

Theo thống kê Hải quan Việt Nam, tổng giá trị XK cua ghẹ này tính đến 15/2/2014 đạt gần 11 triệu USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị XK tập trung tăng mạnh tại 3 thị trường chính là Mỹ, Canada và Đài Loan, tốc độ tăng trưởng XK đều đạt từ 2 - 3 con số, trong khi XK sang EU, Nhật Bản, Trung Quốc và ASEAN vẫn giảm giá trị NK từ 3 - 37%.

Bốn doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM gồm: Công ty Phạm Tôn, San Hà, Ba Huân và Công ty Phát triển nông nghiệp Thanh niên Xung phong đã chính thức bắt đầu thu mua tạm trữ sản phẩm gia cầm.

Với nhiều ưu điểm, cả doanh nghiệp thu mua và người trồng cà phê kỳ vọng, mô hình này có thể là giải pháp để hạn chế những vụ vỡ nợ dây chuyền thời gian qua.