Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Nuôi Nai Gặp Khó Ở Xã Hòa Kiến (Phú Yên)

Người Nuôi Nai Gặp Khó Ở Xã Hòa Kiến (Phú Yên)
Ngày đăng: 28/05/2013

Do thiếu kiến thức và kinh nghiệm trong nuôi nai nên nhiều hộ nuôi ở xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa - Phú Yên) đã để nai bị chết trong lúc cắt nhung hay sinh đẻ. Vì thế, bà con đang rất cần được tham gia các lớp tập huấn nhằm khắc phục tình trạng này. Vấn đề này đã được đề xuất cách đây hơn một năm nhưng vẫn chưa được thực hiện.

Những năm gần đây, nuôi nai lấy nhung và bán con giống đã mang lại thu nhập cao nên ngày càng có nhiều người dân đầu tư nuôi loại con này. Tại xã Hòa Kiến, năm 2011, có 10 hộ nuôi nai với 17 con thì đầu năm 2012, số hộ nuôi tăng lên gấp đôi với 37 con, tập trung tại các thôn Sơn Thọ, Xuân Hòa, Quan Quang, Tường Quang và Minh Đức.

Tuy nhiên, từ khi số người nuôi nai gia tăng thì xảy ra nhiều trường hợp nai chết trong lúc cắt nhung và sinh đẻ. Hiện cả xã có 20 hộ nuôi nai nhưng trong thời gian vừa qua có 4 con nai bị chết trong khi cắt nhung và 9 con khác bị chết khi đẻ. Năm 2012, vợ chồng anh Võ Kim Vàng và Đoàn Thị Lam ở thôn Quan Quang đầu tư nuôi 2 con nai, đến thời điểm cắt nhung do sơ suất nên vài ngày sau 2 con nai bị chết đành phải bán thịt với giá rẻ, chấp nhận lỗ.

Không dừng lại, năm 2012, từ nguồn vốn vay hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam được 30 triệu đồng, vợ chồng anh Vàng thêm tiền tiếp tục mua hai con nai về nuôi, đến nay hơn một năm tuổi nhưng anh Vàng vẫn rất lo. Anh nói: “Để nắm bắt kỹ thuật nuôi nai một cách bài bản, chúng tôi đề nghị Hội Nông dân xã tổ chức tập huấn cho bà con, nhưng đến nay hơn một năm trôi qua mà vẫn chưa thấy tổ chức. Tôi mong có sự quan tâm của các cơ quan chức năng sớm tổ chức tập huấn để người nuôi nai chúng tôi có kiến thức tránh rủi ro không đáng có”.

Ông Lương Công Thinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Kiến cho biết, đầu năm 2012, Hội Nông dân xã đã vận động thành lập CLB Nuôi nai, tập hợp 20 hộ nuôi nai của xã này để dễ quản lý cũng như tạo điều kiện hỗ trợ về vốn vay để họ đầu tư mua con giống. Còn về lớp tập huấn cho bà con, hội không có điều kiện để tổ chức. Vì thế, hội đang đề xuất lên cấp trên sớm mở lớp tập huấn này để người nuôi chủ động, tin tưởng hơn trong hành nghề.

Không chỉ khó về kỹ thuật nuôi, người nuôi nai ở xã Hòa Kiến còn lúng túng trong việc tìm đầu ra sản phẩm (bán nhung và nai giống). Ông Lê Văn Thân, Chủ nhiệm CLB Nuôi nai xã Hòa Kiến cho biết: “Trước đây 1kg nhung có giá 7 đến 8 triệu đồng, nay chỉ còn 5 đến 5,5 triệu đồng. Đối với nai giống, trước đây nai con 3 tháng tuổi có giá 30 triệu đồng thì nay chỉ còn 12 triệu đồng, nhưng không có người mua, dẫn đến người nuôi nai gặp nhiều khó khăn.

Hiện ở xã Hòa Kiến người được coi có kinh nghiệm nuôi nai là ông Lê Văn Thân, Chủ nhiệm CLB Nuôi nai, với 15 năm theo nghề. Ông Thân cho biết, nuôi nai không đơn giản như nuôi bò, người nuôi có kỹ thuật và kinh nghiệm, phải tìm hiểu kỹ về nguồn gốc con nai ở đâu và biết tính của con nai đó để chăm sóc cho tốt. Đặc biệt, khi thu hoạch nhung hay đến thời kỳ nai đẻ, người nuôi cần phải biết quy trình để xử lý. Như thời điểm cắt nhung, phải kiểm tra kỹ chuồng trại, kiểm tra cát lót dưới đất độ dày tới đâu, dụng cụ cắt nhung, rơm lót đầu nai…để khi giật nai xuống cắt nhung tránh tình trạng nai bị thương dẫn đến chết.

Chính vì chưa được tập huấn nên người nuôi nai ở xã Hòa Kiến trong thời gian qua cũng chỉ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, người nuôi sau học hỏi kinh nghiệm người nuôi trước nên chưa có kiến thức một cách căn bản để xử lý tình huống mắc phải. Họ rất cần cơ quan chuyên môn tập huấn để việc nuôi nai phát triển bền vững, giúp họ yên tâm với nghề để giảm nghèo và có thể vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên quê hương mình.


Có thể bạn quan tâm

Xuất Khẩu Khoai Mì Mơ Về Mốc 2 Tỉ Đô La Xuất Khẩu Khoai Mì Mơ Về Mốc 2 Tỉ Đô La

Hiện sản phẩm từ sắn (khoai mì) và tinh bột khoai mì của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn thế giới và đáp ứng được yêu cầu của nhiều thị trường khó tính. Vì thế, nếu có chiến lược đúng đắn, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp này có thể đạt 2 tỉ đô la Mỹ.

24/06/2013
Tăng Cường Công Tác Quản Lý Việc Nuôi Tôm Biển Ngoài Vùng Quy Hoạch Tăng Cường Công Tác Quản Lý Việc Nuôi Tôm Biển Ngoài Vùng Quy Hoạch

Trong những năm qua, nuôi trồng thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Bình Đại (Bến Tre), trong đó nghề nuôi tôm biển, nhất là hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh.

17/07/2013
Xuất Khẩu Cá Tra Bế Tắc Xuất Khẩu Cá Tra Bế Tắc

Diễn biến này đầy bất ngờ và hoàn toàn bất lợi cho các nhà xuất khẩu (XK) VN, khiến cánh cửa XK cá tra, ba sa vào thị trường Mỹ của các công ty VN sẽ gần như khép lại hoàn toàn. Nếu mức thuế trên chính thức có hiệu lực, các DN XK cá sẽ phải nộp ký quỹ theo mức thuế mới, chưa kể phải đóng bù mức thuế chênh lệch cho những lô hàng đã XK trong giai đoạn từ 1.8.2010 đến 31.7.2011.

17/03/2013
Bắt Được Cá Mè Vinh Nặng 10 Kg Bắt Được Cá Mè Vinh Nặng 10 Kg

Chị Lệ, một tiểu thương mua bán cá tại chợ Mỹ Long (TP. Long Xuyên - An Giang) vừa mua con cá mè vinh nặng 10 kg, dài 50 cm, bề hoành 30 cm của một ngư dân mới đánh bắt được.

17/07/2013
Tỷ Lệ Đàn Bò Lai Chiếm Gần 69% Tổng Đàn Tỷ Lệ Đàn Bò Lai Chiếm Gần 69% Tổng Đàn

Trong nhiều năm trở lại đây, nhờ giá cả, đầu ra ổn định, phong trào chăn nuôi bò lai trên địa bàn tỉnh Bình Định phát triển khá mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

17/07/2013