Người Nuôi Nai Gặp Khó Ở Xã Hòa Kiến (Phú Yên)

Do thiếu kiến thức và kinh nghiệm trong nuôi nai nên nhiều hộ nuôi ở xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa - Phú Yên) đã để nai bị chết trong lúc cắt nhung hay sinh đẻ. Vì thế, bà con đang rất cần được tham gia các lớp tập huấn nhằm khắc phục tình trạng này. Vấn đề này đã được đề xuất cách đây hơn một năm nhưng vẫn chưa được thực hiện.
Những năm gần đây, nuôi nai lấy nhung và bán con giống đã mang lại thu nhập cao nên ngày càng có nhiều người dân đầu tư nuôi loại con này. Tại xã Hòa Kiến, năm 2011, có 10 hộ nuôi nai với 17 con thì đầu năm 2012, số hộ nuôi tăng lên gấp đôi với 37 con, tập trung tại các thôn Sơn Thọ, Xuân Hòa, Quan Quang, Tường Quang và Minh Đức.
Tuy nhiên, từ khi số người nuôi nai gia tăng thì xảy ra nhiều trường hợp nai chết trong lúc cắt nhung và sinh đẻ. Hiện cả xã có 20 hộ nuôi nai nhưng trong thời gian vừa qua có 4 con nai bị chết trong khi cắt nhung và 9 con khác bị chết khi đẻ. Năm 2012, vợ chồng anh Võ Kim Vàng và Đoàn Thị Lam ở thôn Quan Quang đầu tư nuôi 2 con nai, đến thời điểm cắt nhung do sơ suất nên vài ngày sau 2 con nai bị chết đành phải bán thịt với giá rẻ, chấp nhận lỗ.
Không dừng lại, năm 2012, từ nguồn vốn vay hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam được 30 triệu đồng, vợ chồng anh Vàng thêm tiền tiếp tục mua hai con nai về nuôi, đến nay hơn một năm tuổi nhưng anh Vàng vẫn rất lo. Anh nói: “Để nắm bắt kỹ thuật nuôi nai một cách bài bản, chúng tôi đề nghị Hội Nông dân xã tổ chức tập huấn cho bà con, nhưng đến nay hơn một năm trôi qua mà vẫn chưa thấy tổ chức. Tôi mong có sự quan tâm của các cơ quan chức năng sớm tổ chức tập huấn để người nuôi nai chúng tôi có kiến thức tránh rủi ro không đáng có”.
Ông Lương Công Thinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Kiến cho biết, đầu năm 2012, Hội Nông dân xã đã vận động thành lập CLB Nuôi nai, tập hợp 20 hộ nuôi nai của xã này để dễ quản lý cũng như tạo điều kiện hỗ trợ về vốn vay để họ đầu tư mua con giống. Còn về lớp tập huấn cho bà con, hội không có điều kiện để tổ chức. Vì thế, hội đang đề xuất lên cấp trên sớm mở lớp tập huấn này để người nuôi chủ động, tin tưởng hơn trong hành nghề.
Không chỉ khó về kỹ thuật nuôi, người nuôi nai ở xã Hòa Kiến còn lúng túng trong việc tìm đầu ra sản phẩm (bán nhung và nai giống). Ông Lê Văn Thân, Chủ nhiệm CLB Nuôi nai xã Hòa Kiến cho biết: “Trước đây 1kg nhung có giá 7 đến 8 triệu đồng, nay chỉ còn 5 đến 5,5 triệu đồng. Đối với nai giống, trước đây nai con 3 tháng tuổi có giá 30 triệu đồng thì nay chỉ còn 12 triệu đồng, nhưng không có người mua, dẫn đến người nuôi nai gặp nhiều khó khăn.
Hiện ở xã Hòa Kiến người được coi có kinh nghiệm nuôi nai là ông Lê Văn Thân, Chủ nhiệm CLB Nuôi nai, với 15 năm theo nghề. Ông Thân cho biết, nuôi nai không đơn giản như nuôi bò, người nuôi có kỹ thuật và kinh nghiệm, phải tìm hiểu kỹ về nguồn gốc con nai ở đâu và biết tính của con nai đó để chăm sóc cho tốt. Đặc biệt, khi thu hoạch nhung hay đến thời kỳ nai đẻ, người nuôi cần phải biết quy trình để xử lý. Như thời điểm cắt nhung, phải kiểm tra kỹ chuồng trại, kiểm tra cát lót dưới đất độ dày tới đâu, dụng cụ cắt nhung, rơm lót đầu nai…để khi giật nai xuống cắt nhung tránh tình trạng nai bị thương dẫn đến chết.
Chính vì chưa được tập huấn nên người nuôi nai ở xã Hòa Kiến trong thời gian qua cũng chỉ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, người nuôi sau học hỏi kinh nghiệm người nuôi trước nên chưa có kiến thức một cách căn bản để xử lý tình huống mắc phải. Họ rất cần cơ quan chuyên môn tập huấn để việc nuôi nai phát triển bền vững, giúp họ yên tâm với nghề để giảm nghèo và có thể vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên quê hương mình.
Có thể bạn quan tâm

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa công nhận lúa BG6 do Công ty cổ phần Giống cây trồng Bắc Giang sản xuất, chọn tạo là giống cây trồng nông nghiệp mới, bổ sung vào cơ cấu giống lúa của các tỉnh phía Bắc và duyên hải nam Trung bộ.

Số tiền trên được trích từ qũy phòng, chống thiên tai của địa phương để hỗ trợ cho 80 hộ dân ở huyện Sa Pa có diện tích su su bị sập giàn và hư hỏng trong đợt mưa tuyết vừa qua với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/ha.

Những ngày cuối năm lên với huyện miền núi cao Quế Phong - vùng đất mới của cây cao su, hay về với “thủ phủ” Anh Sơn, Thanh Chương, đều cảm nhận thấy rất rõ sự phát triển mạnh mẽ của loại cây mà sản phẩm ngày nay được gọi là “vàng trắng”. Với Dự án “trồng và phát triển cao su trên đất Nghệ An” của Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển cao su Nghệ An, những vùng đồi nghèo trước đây nay đã xanh màu hy vọng và no ấm.

Những ngày cận Tết Nguyên Đán, đến với xã Thuận (Hướng Hóa, Quảng Trị) chúng ta sẽ được hòa mình trong bầu không khí lao động hết sức khẩn trương của người dân nơi đây. Trên những ngọn đồi, người dân hối hả thu hoạch sắn chuyển đến nhà máy, nguồn thu này giúp người trồng sắn có thêm điều kiện để đón một cái tết no ấm, sung túc.

Đông xuân là vụ sản xuất chính trong năm. Để có một vụ mùa bội thu cả về năng suất, sản lượng, chất lượng hạt lúa, vui xuân, đón Tết nông dân cũng cần tăng cường thăm đồng thường xuyên, theo dõi tình hình dịch bệnh hại lúa, nhất là trong điều kiện thời tiết lạnh và thất thường như hiện nay.