Người Nuôi Heo, Gà Hụt Hơi Với Giá

Từ chăn nuôi lấy công làm lời
Ông Đặng Quang Tiến, thôn 4, xã Sơn Mỹ (Hàm Tân - Bình Thuận) được coi là chủ trang trại chăn nuôi lớn ở địa phương này, hiện đang sở hữu 200 heo nái, 800 heo thịt và 100 heo nái hậu bị (chuẩn bị phối giống).
Ông Tiến cho hay: “Năm ngoái khi giá heo hơi thường xuyên ở mức thấp 33.000 - 34.000 đồng/kg, mỗi đợt đến kỳ xuất chuồng khoảng 200 con heo thịt, phải chịu lỗ gần 100 triệu đồng, bởi giá thành luôn ở mức cao so giá bán”.
Năm nay phòng xa, bên cạnh ký hợp đồng cung cấp thức ăn cho trang trại từ một công ty lớn ở TP.HCM, ông còn chủ động mua sẵn thêm mỳ khô xay bột trộn lẫn với cám, cũng như thuê người trồng rau khoai làm thức ăn cho heo. Trang trại cũng đã có sẵn nguồn cung cấp heo con nuôi thành heo thịt; cùng với đó giá heo hơi đã tăng lên 38.500 đồng/kg; vậy mà mỗi đợt xuất chuồng 150 - 200 con heo thịt cũng chỉ lấy công làm lời, bởi giá thành còn ở mức cao…
Riêng đàn gà mái của ông Tiến đẻ trứng đều được ấp lò ra gà con nuôi thả vườn, bên cạnh mua thức ăn còn có thêm nguồn dự trữ ở nhà, gà bán ra chỉ lãi chút đỉnh. “Chăn nuôi heo, gà mà mọi thứ đều mua thì chỉ có lỗ, do giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá bán thấp”, ông Tiến nói.
Tương tự, ở địa phương này, ông Võ Hoàng Danh, nuôi 30 heo nái, 150 heo thịt; ông Trần Quang Hiếu nuôi hàng trăm con gà mái, gà thả vườn; tự túc một phần thức ăn cho gia súc, gia cầm nhưng xuất bán thời gian qua cũng chỉ lấy công làm lời… Trong khi đó, toàn huyện Hàm Tân hiện có 24 trại chăn nuôi heo tập trung (trên 43.000 con), 3 trại gà/45.000 con; các trại hợp đồng thuê nhân công lao động, mua thức ăn với đơn vị ký kết thì đều thua lỗ nặng.
Đến nhận định của ngành chức năng
Mới đây, một số chủ trang trại, hộ chăn nuôi ở Bình Thuận cùng các địa phương khác trong khu vực được Hiệp hội Chăn nuôi các tỉnh Đông Nam bộ mời tham dự cuộc họp về lĩnh vực này. Tại đây Hiệp hội nhận định, nhiều hộ chăn nuôi heo các tỉnh phía Nam từ giữa năm 2012 đến nay đều thua lỗ nặng, giá bán heo hơi liên tục nằm dưới giá thành; cụ thể giá bán dao động từ 32.000 - 38.500 đồng/kg; trong khi đó giá thành là 42.000 đồng/kg.
Mỗi con heo 100 kg bán ra lỗ 500.000 - 1 triệu đồng; dự báo giá bán thấp sẽ kéo dài đến hết năm nay. Tương tự, chăn nuôi gà cũng vậy. Có thời điểm gà bán tại trại chỉ còn 14.000 - 18.000 đồng, hiện duy trì ở mức 17.000 đồng/kg; trong khi giá thành chăn nuôi lên đến 30.000 đồng/kg.
Người chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm cũng lao đao trong một thời gian dài vừa qua bởi giá trứng xuống thấp; nay giá đã nhích lên 1.900 - 2.000 đồng/trứng, nhưng các hộ chăn nuôi vẫn chưa thu hồi được số lỗ. Chăn nuôi vịt thịt đang tình trạng thua lỗ nặng khi giá bán 33.000 đồng nhưng giá thành 40.000 đồng/kg…
Hiệp hội Chăn nuôi các tỉnh Đông Nam bộ đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT tăng cường hàng rào kỹ thuật bảo vệ ngành chăn nuôi, điều tiết hàng nhập khẩu, tạm ngưng cấp giấy phép nhập khẩu gà trắng đã chặt miếng (đùi, cánh) chỉ cho nhập nguyên con để cạnh tranh công bằng; chống hàng nhập lậu hiệu quả (gà thải loại, phụ phẩm nội tạng từ heo) để cân đối cung cầu trong nước. Bộ cần có chính sách cụ thể, định hướng lâu dài ngành chăn nuôi trong nước; hiện nay năng lực sản xuất con giống heo, gà của các công ty tại Việt Nam thừa sức đáp ứng nhu cầu chăn nuôi lấy thịt.
Theo số liệu nhập gà giống bố mẹ năm 2013 cả nước có thể cung cấp 168 triệu con, tăng 10% so năm trước… Cùng với đó, ngành chức năng, chính quyền địa phương hỗ trợ cụ thể về qui hoạch đất đai, nguồn vốn để ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Mô hình nuôi cá trắm đen đã được các hộ trong tỉnh Nam Định đưa vào nuôi thử nghiệm từ năm 2008. Các hộ nuôi thường cho cá trắm đen, chủ yếu đối với loại cá có trọng lượng trên 1 kg ăn ốc bươu vàng và dắt biển. Cá chỉ ăn ruột ốc, ruột dắt biển, còn lại thải ra môi trường nên lượng vỏ ốc, vỏ dắt biển tồn dư trong ao nhiều, dễ gây ô nhiễm môi trường nước, khiến cá chậm lớn và dễ bị nhiễm bệnh. Các hộ nuôi cá trắm đen ở xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) những năm qua đều lao đao vì gần như năm nào cá trắm đen cũng bị dịch bệnh.

Viện Nghiên cứu Rau quả vừa gửi đến NNVN báo cáo "Kết quả khảo sát ảnh hưởng của điều kiện thời tiết đến khả năng ra hoa đậu quả của nhãn, vải ở các tỉnh miền Bắc", đồng thời đưa ra một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc nhằm khuyến cáo bà con nông dân trong giai đoạn hiện nay.

Trong khi nông dân thiếu đất canh tác, làng nghề không có địa điểm tập kết nguyên liệu thì hơn 40 ha đất nông nghiệp tại xã Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội lại bị bỏ hoang, hoặc trong tình trạng canh tác bấp bênh. Nguyên nhân cũng bởi các dự án không khớp nối hạ tầng khiến hệ thống kênh mương, thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho sản xuất bị vùi lấp. Tình trạng này kéo dài nhiều năm nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có phương án giải quyết.

Ông Phan Văn Lâm (SN 1941) ngụ ấp Phú Điền, xã Phú Thành A là người đầu tiên của huyện Tam Nông (Đồng Tháp) nuôi cá bống tượng ghép cá chình bông trong bè thành công. Với một bè 16 m2, vào đầu năm 2010, ông Lâm thả hơn 100 con cá bống tượng giống nuôi gần 1 tháng ông tiếp tục thả 50 kg cá chình bông giống vào bè nuôi ghép. Thức ăn cho cá giống là các loại cá, tép được đánh bắt ngoài tự nhiên, hoặc cá biển xay nhuyễn trộn với bột gòn.

Mức độ lây lan của nhóm này rất nhanh, có sức tàn phá ghê gớm, có thể dẫn đến huỷ diệt cả vùng cây lớn nhưng rất khó phòng trị vì chúng nằm sâu bên trong cành, thân, gốc cây thuốc hóa học không thể thấm vào bên trong được vì vậy việc phun thuốc trừ sâu hóa học hoàn toàn không có hiệu quả.