Người Nuôi Cá Lóc Trúng Đậm

Người nuôi cá lóc ở ĐBSCL đang thắng lớn khi giá cá đang đứng ở mức 42.000-45.000 đồng/kg. Với giá này, sau khi trừ chi phí người nuôi thu về lợi nhuận từ 10.000-15.000 đồng/kg.
Đến mùa nước nổi thì phong trào nuôi cá lóc trong vèo trên địa bàn Hậu Giang phát triển khá mạnh. Và năm nay, người nuôi cá lóc lại càng phấn khởi hơn khi giá cá đang đứng ở mức rất cao.
Ông Đoàn Văn Thành, ở ấp 5, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy đã thoát nghèo từ mô hình nuôi cá lóc vèo, cho biết: “Mùa nước nổi năm nay, nguồn cá lóc ngoài tự nhiên không nhiều như năm trước nên giá cá lóc luôn ở mức cao.
Cá đánh bắt ngoài đồng ruộng, kênh rạch có giá từ 60.000-100.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ, còn cá lóc nuôi trong vèo đang đứng ở mức giá trên 42.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí người nuôi sẽ thu lợi nhuận trên 10.000 đồng/kg”.
Theo ông Thành, ngay mùa nước nổi mà giá cá lóc đứng được ở mức cao thì giá cá nuôi sẽ ổn định từ nay đến Tết Nguyên đán. Hiện tại, mô hình nuôi cá lóc trong vèo đã góp phần tăng thu nhập cho rất nhiều hộ dân nông thôn.
Theo ngành chức năng Hậu Giang, huyện Vị Thủy là một trong những địa phương phát triển khá mạnh phong trào nuôi thủy sản trong vèo với khoảng 800 vèo, sản lượng thu về hàng năm khoảng 300 tấn cá các loại.
Cá lóc là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao, bền vững cho người nông dân, chi phí đầu tư thấp so với một số loài thủy sản khác. Những hộ không có đất sản xuất, hộ nghèo cũng có thể phát triển được bởi nguồn thức ăn đánh bắt ngoài tự nhiên như các loài cá tạp, ốc bươu vàng...
Bình quân một cái vèo chừng 9m2 mặt nước, có thể thả nuôi khoảng 1.000 con cá giống. Sau 4-5 tháng thả nuôi cá đạt trọng lượng 3 con/kg, với giá bán hiện nay trên 42.000 đồng/kg thì người nuôi thu lợi nhuận từ 10.000-15.000 đồng/kg.
Mô hình nuôi cá lóc hiện đã được người dân sáng kiến nuôi trong bồn cao su cũng cho hiệu quả rất cao. Ông Nguyễn Ngọc Anh, ở khóm 1, thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) nuôi cá lóc trong bồn cao su thu lãi hơn 300 triệu đồng/100m2.
Ông Ngọc Anh cho biết: Nuôi cá lóc trong bồn cao su rất dễ, không cần nhiều diện tích, mật độ thả nuôi 1.000 con/10m2, nuôi bằng thức ăn công nghiệp, nhưng có thể tận dụng thêm nguồn cá tạp, cá sống. Sau 5 tháng thả nuôi cá đạt trọng lượng từ 400 gram đến hơn 1 kg/con. Kết quả, 5 bồn nuôi cá lóc với diện tích 100m2, thả nuôi 10.000 con giống thu hoạch được hơn 15 tấn cá lóc thương phẩm, sau khi trừ chi phí, thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Ông Ngọc Anh cho biết thêm: “Nuôi cá lóc trong bồn cao su một năm được 2 vụ. Ưu điểm của mô hình này dễ theo dõi, chăm sóc cá khi bị bệnh để xử lý kịp thời. Mỗi lần xử lý, ngăn ngừa bệnh, thuốc tiếp xúc trực tiếp với cá, hiệu quả cao, ít bị rủi ro, ít hao thuốc, dễ thay nước. Hiện nay, mô hình nuôi cá lóc trong bồn cao su được nhân rộng cho 20 hộ dân tham gia rất hiệu quả và vươn lên thoát nghèo”.
Còn ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh người nuôi cá lóc trong ao cũng đang hốt bạc lớn. Ông Nguyễn Văn Thành, người nuôi cá lóc ở ấp Chợ, thị trấn Trà Cú, cho hay: “Sau thời gian khoảng 3 tháng cá lóc thương phẩm giảm xuống dưới giá thành sản xuất thì hơn 1 tháng trở lại đây đã tăng mạnh và đang đứng ở mức 42.000-45.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí người nuôi thu lãi khoảng 15.000 đồng/kg trở lên.
Bình quân 1.000m2 mặt nước sau 5 tháng thả nuôi cá lóc, bà con thu về từ 1-1,5 tỉ đồng/vụ. Lúc này là mùa nước nổi nhưng cá lóc nuôi thương phẩm vẫn tăng giá là ngoài dự đoán của người nuôi. Đây là mức giá cao nhất kể từ ngày tôi biết nuôi cá lóc thương phẩm đến nay”.
Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trà Cú, cho biết: Đến thời điểm này, toàn huyện đã có 1.120 hộ dân thả nuôi cá lóc trên diện tích khoảng 160ha, sản lượng đã thu hoạch trên 20.000 tấn, đạt trên 100% kế hoạch năm.
Hầu hết các hộ nuôi cá lóc thu hoạch ngay vào thời điểm này đều thắng lớn, bình quân 1ha bà con thu lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng. Giá cá lóc tăng mạnh, địa phương rất mừng nhưng vẫn luôn khuyến cáo nông dân nên tuân thủ mật độ nuôi, lịch thời vụ, môi trường nước... không vì giá cao mà phát triển nuôi ồ ạt, thừa hàng dội chợ, phá vỡ quy hoạch.
Có thể bạn quan tâm

Vừa nuôi, vừa mày mò, học hỏi thêm về kỹ thuật nuôi hươu, dần dần ông khánh đã nắm bắt được những kinh nghiệm nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ những ở xã Trung Sơn. Thức ăn của hươu rất đơn giản chủ yếu là lá rừng, cỏ cây (cỏ voi, lá xoan, lá sung, lá mít…) rất dễ kiếm và dẻ tiền

Lần đầu tiên ở Mỹ có tình trạng ngô được dùng để chế tạo làm nhiên liệu sinh học nhiều hơn làm thức ăn gia súc, làm giá ngô tăng vọt, gây nhức nhối cho người chăn nuôi và người dân ở các nước nghèo vẫn dùng ngô làm lương thực

Hơn 15 năm nay, mô hình nuôi cá lồng ở thôn La Ỷ, Phú Thượng (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) tận dụng nguồn hàng phế phẩm từ các chợ đã mang hiệu quả.

Ốc bươu vàng là đại dịch của nhà nông, cắn phá lúa gây thiệt hại nghiêm trọng, người dân tìm đủ cách diệt trừ nhưng không hết. Thịt ốc ăn không ngon, nhà nông chỉ chế biến cho cá tôm hay vịt ăn. Thế mà gần đây, ốc bươu vàng lại được thương lái thu gom xuất qua Trung Quốc!

Hiện cả nước có khoảng 50.000 ha ca cao, trồng tập trung tại Bến Tre, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Bình Phước, Tiền Giang và Bà Rịa- Vũng Tàu. Nhiều diện tích đã áp dụng tiêu chuẩn "UTZ Certified, hữu cơ và thương mại công bằng" cho hiệu quả kinh tế cao, thân thiện môi trường...