Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Nuôi Cá Lóc Trúng Đậm

Người Nuôi Cá Lóc Trúng Đậm
Ngày đăng: 17/10/2014

Người nuôi cá lóc ở ĐBSCL đang thắng lớn khi giá cá đang đứng ở mức 42.000-45.000 đồng/kg. Với giá này, sau khi trừ chi phí người nuôi thu về lợi nhuận từ 10.000-15.000 đồng/kg.

Đến mùa nước nổi thì phong trào nuôi cá lóc trong vèo trên địa bàn Hậu Giang phát triển khá mạnh. Và năm nay, người nuôi cá lóc lại càng phấn khởi hơn khi giá cá đang đứng ở mức rất cao.

Ông Đoàn Văn Thành, ở ấp 5, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy đã thoát nghèo từ mô hình nuôi cá lóc vèo, cho biết: “Mùa nước nổi năm nay, nguồn cá lóc ngoài tự nhiên không nhiều như năm trước nên giá cá lóc luôn ở mức cao.

Cá đánh bắt ngoài đồng ruộng, kênh rạch có giá từ 60.000-100.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ, còn cá lóc nuôi trong vèo đang đứng ở mức giá trên 42.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí người nuôi sẽ thu lợi nhuận trên 10.000 đồng/kg”.

Theo ông Thành, ngay mùa nước nổi mà giá cá lóc đứng được ở mức cao thì giá cá nuôi sẽ ổn định từ nay đến Tết Nguyên đán. Hiện tại, mô hình nuôi cá lóc trong vèo đã góp phần tăng thu nhập cho rất nhiều hộ dân nông thôn.

Theo ngành chức năng Hậu Giang, huyện Vị Thủy là một trong những địa phương phát triển khá mạnh phong trào nuôi thủy sản trong vèo với khoảng 800 vèo, sản lượng thu về hàng năm khoảng 300 tấn cá các loại.

Cá lóc là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao, bền vững cho người nông dân, chi phí đầu tư thấp so với một số loài thủy sản khác. Những hộ không có đất sản xuất, hộ nghèo cũng có thể phát triển được bởi nguồn thức ăn đánh bắt ngoài tự nhiên như các loài cá tạp, ốc bươu vàng...

Bình quân một cái vèo chừng 9m2 mặt nước, có thể thả nuôi khoảng 1.000 con cá giống. Sau 4-5 tháng thả nuôi cá đạt trọng lượng 3 con/kg, với giá bán hiện nay trên 42.000 đồng/kg thì người nuôi thu lợi nhuận từ 10.000-15.000 đồng/kg.

Mô hình nuôi cá lóc hiện đã được người dân sáng kiến nuôi trong bồn cao su cũng cho hiệu quả rất cao. Ông Nguyễn Ngọc Anh, ở khóm 1, thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) nuôi cá lóc trong bồn cao su thu lãi hơn 300 triệu đồng/100m2.

Ông Ngọc Anh cho biết: Nuôi cá lóc trong bồn cao su rất dễ, không cần nhiều diện tích, mật độ thả nuôi 1.000 con/10m2, nuôi bằng thức ăn công nghiệp, nhưng có thể tận dụng thêm nguồn cá tạp, cá sống. Sau 5 tháng thả nuôi cá đạt trọng lượng từ 400 gram đến hơn 1 kg/con. Kết quả, 5 bồn nuôi cá lóc với diện tích 100m2, thả nuôi 10.000 con giống thu hoạch được hơn 15 tấn cá lóc thương phẩm, sau khi trừ chi phí, thu lãi hơn 300 triệu đồng.

Ông Ngọc Anh cho biết thêm: “Nuôi cá lóc trong bồn cao su một năm được 2 vụ. Ưu điểm của mô hình này dễ theo dõi, chăm sóc cá khi bị bệnh để xử lý kịp thời. Mỗi lần xử lý, ngăn ngừa bệnh, thuốc tiếp xúc trực tiếp với cá, hiệu quả cao, ít bị rủi ro, ít hao thuốc, dễ thay nước. Hiện nay, mô hình nuôi cá lóc trong bồn cao su được nhân rộng cho 20 hộ dân tham gia rất hiệu quả và vươn lên thoát nghèo”.

Còn ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh người nuôi cá lóc trong ao cũng đang hốt bạc lớn. Ông Nguyễn Văn Thành, người nuôi cá lóc ở ấp Chợ, thị trấn Trà Cú, cho hay: “Sau thời gian khoảng 3 tháng cá lóc thương phẩm giảm xuống dưới giá thành sản xuất thì hơn 1 tháng trở lại đây đã tăng mạnh và đang đứng ở mức 42.000-45.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí người nuôi thu lãi khoảng 15.000 đồng/kg trở lên.

Bình quân 1.000m2 mặt nước sau 5 tháng thả nuôi cá lóc, bà con thu về từ 1-1,5 tỉ đồng/vụ. Lúc này là mùa nước nổi nhưng cá lóc nuôi thương phẩm vẫn tăng giá là ngoài dự đoán của người nuôi. Đây là mức giá cao nhất kể từ ngày tôi biết nuôi cá lóc thương phẩm đến nay”.

Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trà Cú, cho biết: Đến thời điểm này, toàn huyện đã có 1.120 hộ dân thả nuôi cá lóc trên diện tích khoảng 160ha, sản lượng đã thu hoạch trên 20.000 tấn, đạt trên 100% kế hoạch năm.

Hầu hết các hộ nuôi cá lóc thu hoạch ngay vào thời điểm này đều thắng lớn, bình quân 1ha bà con thu lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng. Giá cá lóc tăng mạnh, địa phương rất mừng nhưng vẫn luôn khuyến cáo nông dân nên tuân thủ mật độ nuôi, lịch thời vụ, môi trường nước... không vì giá cao mà phát triển nuôi ồ ạt, thừa hàng dội chợ, phá vỡ quy hoạch.


Có thể bạn quan tâm

Giá cà phê tăng đầu vụ lịch sử có lặp lại Giá cà phê tăng đầu vụ lịch sử có lặp lại

Cũng chừng thời gian này năm ngoái, giá cà phê trên các thị trường tăng mạnh. Mấy ngày qua, giá lại sôi nổi không kém dù ở đỉnh thấp hơn năm ngoái. Có gì xảy ra? Phản ứng thế nào với thị trường như thế này?

13/10/2015
Hợp đồng đăng ký xuất khẩu cá tra đạt hơn 721.000 tấn Hợp đồng đăng ký xuất khẩu cá tra đạt hơn 721.000 tấn

Tính đến ngày 26-9-2015, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cả nước đã ký được hợp đồng xuất khẩu đạt 721.200 tấn sản phẩm các loại, theo Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius).

13/10/2015
Thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp bằng PPP Thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp bằng PPP

Sau hơn 4 năm triển khai chương trình bảo hiểm nông nghiệp, chỉ mới có hơn 300.000 hộ trong tổng số hơn 11 triệu hộ tham gia. Theo nhiều chuyên gia hợp tác công tư trong lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp sẽ là phương thức giúp loại hình này phát huy hiệu quả trong thời gian tới.

13/10/2015
TPHCM đã có vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh TPHCM đã có vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Lần đầu tiên, TPHCM có vùng an toàn dịch bệnh cho chăn nuôi tại 9 xã thuộc hai huyện Củ Chi và Hóc Môn, sau khi các xã này áp dụng tiêu chuẩn thực hành chăn nuôi tốt (VietGap).

13/10/2015
Jasmine sẽ là thương hiệu gạo Việt Nam Jasmine sẽ là thương hiệu gạo Việt Nam

Cách đây khoảng 8 năm, tỷ lệ gạo thơm chỉ chiểm khoảng 3% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, nhưng trong 9 tháng đầu năm nay, tỷ lệ này đã chiếm đến 26%. Vì thế, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) sẽ chọn gạo thơm Jasmine để xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam trong những năm tới.

13/10/2015