Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Nuôi Cá Điêu Hồng Lãi Cao Nhưng Vẫn Lo

Người Nuôi Cá Điêu Hồng Lãi Cao Nhưng Vẫn Lo
Ngày đăng: 08/07/2014

Hơn nửa tháng nay, nông dân làng bè vô cùng phấn khởi do giá cá điêu hồng được các thương lái thu mua với giá 40.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với tháng trước và nông dân lãi hơn 7.000 đồng/kg cá. Tuy nhiên, giá cá bấp bênh, dịch bệnh tăng, chất lượng con giống và thức ăn giảm… là những vấn đề khiến nông dân nuôi cá điêu hồng không khỏi lo lắng.

Người nuôi có lãi khá

Những ngày này, làng bè nuôi cá điêu hồng thuộc xã Thới Sơn, phường Tân Long (TP. Mỹ Tho) và xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) dường như nhộn nhịp hẳn lên. Số là mấy tuần gần đây giá cá điêu hồng không ngừng tăng lên, vượt qua cả mong đợi của nông dân nuôi cá và chủ bè nào có bè chuẩn bị thu hoạch cá thời điểm này coi như trúng lớn.

Ông Nguyễn Thanh Phúc, nông dân nuôi cá bè ở xã Thới Sơn cho biết, mấy ngày nay thương lái vào tận các làng bè lùng sục thu mua cá cung cấp cho thị trường với mức giá tăng cao từng ngày. Hiện nay, giá cá điêu hồng loại 500 - 700 gram/con có giá 40.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với tuần trước.

“Tuần trước, tôi thu hoạch 2 bè nuôi cá điêu hồng chỉ được 7 tấn cá do hao hụt nhiều. Lúc đó, cá điêu hồng có giá 37.000 đồng/kg nên sau khi trừ chi phí sản xuất, tôi còn lời 30 triệu đồng. Nếu tôi có gan “neo” cá lại đến thời điểm này thì mức lãi sẽ cao hơn 15 triệu đồng” - ông Phúc tiếc rẻ.

Ông Phan Thế Nhân, nông dân có 5 bè nuôi cá điêu hồng ở xã Thới Sơn cho biết, giá cá điêu hồng liên tục tăng trong thời gian gần đây là do sản lượng cá điêu hồng tới lứa thu hoạch đã giảm mạnh. Hiện nay chỉ còn một số ít bè có cá lớn và lượng bè thả cá cũng ít so với năm ngoái do nông dân nuôi cá bè lo sợ giá cá không ổn định.

Bên cạnh đó, do gần đây các đại lý không còn cho nông dân làng bè nợ tiền mua thức ăn cho cá như các năm trước nên khả năng đầu tư của nông dân nuôi cá điêu hồng trên bè cũng hạn chế.

Theo nhiều nông dân nuôi cá điêu hồng, năng suất bình quân nuôi cá điêu hồng làng bè đạt 5 tấn/bè. Do đó, với giá cá điêu hồng trên thị trường hiện nay, người nuôi cá điêu hồng có thể lãi từ 30 - 35 triệu đồng/bè (tùy theo chất lượng cá giống và kỹ thuật nuôi). Thông thường, mỗi nông dân có từ 3 - 5 bè thì lợi nhuận đem lại từ nuôi cá điêu hồng trên bè sau 6 - 7 tháng nuôi đạt trên 100 triệu đồng.

Còn nhiều khó khăn

Theo ông Phan Thế Nhân, thời gian gần đây chất lượng thức ăn nuôi cá điêu hồng ngày càng giảm khiến hệ số thức ăn nuôi cá ngày càng cao. Cụ thể, nếu như mấy năm trước hệ số thức ăn nuôi cá điêu hồng trên bè chỉ dao động ở mức 1,7 - 1,8 (cần 1,7 - 1,8 kg thức ăn tạo ra 1 kg cá) thì hiện nay hệ số thức ăn đã tăng lên tới hơn 2,1.

Bên cạnh đó, mấy tháng nay dịch bệnh trên cá điêu hồng bùng phát, hao hụt cá giống trong quá trình nuôi cao. Điều này góp phần đưa chi phí nuôi cá điêu hồng trên bè hiện nay lên ở mức 32.000 - 33.000 đồng/kg, tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg so với năm ngoái.

Ông Hồ Thiện Khiêm, nhân viên kỹ thuật hỗ trợ bà con nuôi cá điêu hồng của Công ty thức ăn chăn nuôi CP cho biết, những ngày gần đây cá điêu hồng nuôi bè chết nhiều, thậm chí cá lớn cũng chết nên sản lượng cá giảm và đây cũng là nguyên nhân khiến giá cá tăng mạnh gần đây.

Nếu như thời điểm này các năm trước, cá loại 400 - 500 gram/con chỉ chết từ 3 - 5 con/bè thì những ngày qua tỷ lệ cá chết tăng gấp đôi, gấp ba lần.

“Chúng tôi đã đo môi trường nước và quan sát thấy cũng không có gì bất thường. Hiện chúng tôi tiếp tục lấy mẫu cá đem kiểm tra ký sinh trùng và nồng độ vi khuẩn để xác định tác nhân gây chết cá để có biện pháp phòng trị thích hợp” - ông Khiêm cho hay.

Trước tình hình dịch bệnh trên cá điêu hồng gia tăng, nhiều nông dân nuôi cá điêu hồng làng bè TP. Mỹ Tho đề nghị ngành chức năng cần hỗ trợ nông dân nuôi cá bè trong việc quan trắc mầm bệnh, bên cạnh công tác quan trắc môi trường đã thực hiện từ trước tới nay đối với vùng nuôi cá bè để hỗ trợ cho nông dân trong việc điều trị bệnh cá nhằm giúp làng bè phát triển bền vững hơn.

Những năm gần đây, nông dân ương cá giống và nuôi cá điêu hồng thương phẩm luôn phập phồng do giá cả đầu ra thất thường, có thời gian dài giá cá nằm ở mức thấp. Do đó, để nghề nuôi cá bè phát triển bền vững hơn, các địa phương nuôi cá bè trong khu vực cần có sự chia sẻ thông tin, liên kết sản xuất và tiêu thụ cá điêu hồng nuôi bè giữa các tỉnh và thị trường TP. Hồ Chí Minh; đồng thời các địa phương cũng cần quy hoạch lại tổng thể và gắn quy hoạch vùng nuôi với nhu cầu thị trường; quan trắc dịch bệnh kết hợp với quan trắc môi trường vùng nuôi cá bè tập trung.

Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, hiện nay toàn tỉnh có 1.024 bè đang thả nuôi chủ yếu cá điêu hồng trong tổng số 1.327 bè cá đang neo đậu (chiếm 77%); trong đó, TP. Mỹ Tho có 934 bè, Cai Lậy 275 bè, Cái Bè 111 bè và Châu Thành 7 bè.

Từ đầu năm đến nay, bà con nông dân đã thả nuôi mới 830 bè với 17 triệu con cá giống và thu hoạch 834 bè với sản lượng 4.848 tấn cá.


Có thể bạn quan tâm

Heo thịt rớt giá, người chăn nuôi lao đao Heo thịt rớt giá, người chăn nuôi lao đao

Người chăn nuôi heo lại lâm vào tình trạng “điêu đứng” do giá heo thịt giảm mạnh. Liên tục trong gần 2 tháng qua, giá heo thịt giảm từ 4,7 triệu đồng/tạ xuống còn 3,4 - 4 triệu đồng/tạ. Hiện nhiều hộ chăn nuôi heo “tiến thoái lưỡng nan”, bởi heo đến thời kỳ xuất chuồng gặp phải lúc giá quá thấp, bán thì lỗ mà giữ lại chờ giá lên thì tốn thêm nhiều chi phí.

31/07/2015
Vĩnh Linh phát triển đàn bò lên gần 10.000 con Vĩnh Linh phát triển đàn bò lên gần 10.000 con

Trước đây, các hộ gia đình nông dân ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) chăn nuôi bò theo quy mô nhỏ lẻ, mỗi hộ thường nuôi từ 1 đến 2 con. Những năm trở lại đây, việc chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững nên được các hộ gia đình đầu tư để phát triển đàn bò trên quy mô lớn, mỗi hộ nuôi từ 5 đến 10 con, nhiều hộ có đàn bò lên đến trên 20 con.

31/07/2015
Hoằng Phụ (Thanh Hóa) mở rộng diện tích nuôi thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững Hoằng Phụ (Thanh Hóa) mở rộng diện tích nuôi thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững

Xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) có tổng diện tích 200 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 106 ha nuôi công nghiệp và 94 ha vùng ngoại đê. Đối với diện tích vùng ngoại đê, UBND xã Hoằng Phụ chỉ đạo chủ ao đầm nuôi đa con, đa canh và đa thời vụ, trong đó tôm sú, cua là đối tượng chính, đồng thời mở rộng diện tích nuôi bán thâm canh các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm he chân trắng, vẹm, ngao...

31/07/2015
Quảng Ninh có hơn 400ha nuôi trồng thuỷ sản có nguy cơ mất trắng Quảng Ninh có hơn 400ha nuôi trồng thuỷ sản có nguy cơ mất trắng

Theo tin từ Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản, đợt mưa lớn kéo dài trong các ngày từ 26 đến 28/7 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

31/07/2015
Mở rộng diện tích nuôi cá nước lạnh ở Quảng Thừa Mở rộng diện tích nuôi cá nước lạnh ở Quảng Thừa

Doanh nghiệp tư nhân Thịnh Long đang đầu tư mở rộng từ 2.000 mét vuông tăng lên 3.000 mét vuông diện tích mặt nước nuôi cá nước lạnh ở Quảng Thừa, Đà Lạt, dự kiến đạt tổng sản lượng trên dưới 10 tấn/năm, trong đó chiếm 70% cá tầm và 30% cá hồi. Sau 4 năm (2006 - 2010) phát triển hiệu quả nghề nuôi cá nước lạnh, từ quy mô hộ gia đình đã vươn lên thành quy mô Doanh nghiệp tư nhân Thịnh Long với lợi nhuận thu về ổn định hàng năm trên dưới 100 triệu đồng/1.000 mét vuông.

31/07/2015