Người lưu giữ giống lúa dâng thần

Giống lúa rẫy (Pa Dhai Vanh) của đồng bào Raglai, được ví như hạt “lúa mẹ”, dùng để dâng thần trong các nghi lễ truyền thống của đồng bào Raglai.
Khu vực trồng Pa Dhai Vanh của ông Bưu rộng khoảng 1.000m2, nằm gần núi Gà Bây, cách thôn Châu Đắc chừng 20 phút đi bộ.
Do đám lúa nằm lọt giữa rừng núi, xung quanh cây cỏ dại mọc lưa thưa, nên khi được ông Bưu giới thiệu, chúng tôi mới nhận ra đây là diện tích Pa Dhai Vanh mà ông đang gieo trồng.
Theo ông Bưu, Pa Dhai Vanh là giống chịu hạn, trước đây người dân thường gieo trồng ở những khu vực sườn núi, chủ yếu sống nhờ vào nước trời.
Thời gian sinh trưởng Pa Dhai Vanh kéo dài 8 tháng.
Từ tháng 3 hàng năm bắt đầu gieo hạt, khi có mưa lúa mới nảy mầm, cây bắt đầu phát triển, cao vượt đầu người thì trổ đòng và cho hạt.
“Tuy năng suất rất thấp, nhưng hạt lúa Pa Dhai Vanh rất to, dài; nấu cơm có mùi thơm đặc thù và ăn rất ngon”, ông Bưu cho biết.
Một trong lý do để ông Bưu hiện còn gieo trồng Pa Dhai Vanh là vì không muốn để mất giống lúa gắn liền với lễ hội truyền thống của đồng bào vùng cao. “Những năm gần đây dân làng không ai trồng lúa rẫy nữa, họ chuyển sang trồng lúa nước năng suất cao, mùa vụ nào lúa, bắp cũng chất đầy nhà, người dân no ấm.
Tuy nhiên, Pa Dhai Vanh loại lương thực nuôi sống người dân một thời, gắn với đời sống tâm linh đồng bào Raglai nên tôi trồng để dùng trong những ngày cúng tế và lưu giữ cho con em sau này”
, ông Bưu tâm sự.
Theo phong tục đồng bào Raglai, cứ vào cuối vụ thu hoạch, khi bắp, lúa đã đầy kho thì người dân tổ chức lễ mừng lúa mới.
Đây là một trong những lễ rất quan trọng của đồng bào Raglai để tạ ơn và cầu xin giàng (trời), thần lúa cho dân làng có cuộc sống ấm no, sung túc.
Ông Chamale’ Luyến (70 tuổi), ở xã Phước Đại, H.Bác Ái cho biết, đồng bào Raglai tin rằng, mỗi loại cây đều có hồn và thần linh cai quản.
Trước đây lễ mừng lúa mới được tổ chức 2 lần trong một năm, lúc cây lúa bắt đầu chín và sau khi hoàn tất thu hoạch.
Ngày nay, người dân giản lược còn một lễ duy nhất diễn ra trong một ngày.
Các lễ vật dâng thần trong lễ mừng lúa mới rất đơn giản, gồm trầu cau, cơm, trứng gà, rượu cần nhưng quan trọng nhất là cơm được nấu từ hạt gạo Pa Dhai Vanh, khăn quấn đầu và vòng cườm (trang phục dành cho người phụ nữ).
Theo ông Luyến, đồng bào Raglai quan niệm rằng nếu không tổ chức lễ tạ ơn giàng (trời), tạ ơn “lúa mẹ” thì vụ mùa tiếp theo sẽ bị chim chóc, sâu bệnh, thú rừng phá hoại.
Chính vì vậy, hàng năm vào cuối vụ sản xuất nhà nhà rộn ràng chuẩn bị lễ vật dâng lễ tế thần theo nghi thức truyền thống.
Đây là dịp để bà con gặp gỡ, chung vui uống rượu cần, đánh mã la, thể hiện tình đoàn kết cộng đồng giúp nhau trong lao động sản xuất.
Ông Chamale’Tiếp, nguyên Bí thư Huyện ủy Bác Ái, cho biết hiện chỉ còn vài hộ gia đình lưu giữ giống lúa Pa Dhai Vanh truyền thống của đồng bào Raglai.
Nếu không có kế hoạch bảo tồn thì trong tương lai hạt giống Pa Dhai Vanh sẽ biến mất.
Có thể bạn quan tâm

Không chỉ có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như Suối Cá Thần, Cửa Hà, chùa Ngọc Châu..., huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) còn có nhiều tiềm năng để phát triển công - nông - lâm nghiệp.

Giá tiêu cao ngất ngưởng khiến cả ngàn hộ nông dân ở các tỉnh Tây nguyên đổ xô trồng, thậm chí còn phá luôn cả cà phê để trồng.

Doanh nghiệp vừa thiếu nguyên liệu, vừa phải cạnh tranh về giá và đối phó với rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu.

Sáng 14/6, một số nhà vườn tại Đà Lạt cho biết, giá một số loại hoa cắt cành liên tục giảm từ cuối tháng 4 đến nay và đang rất khó bán. Hầu hết các loại hoa đều đã giảm từ 50% - 70% trong đó giảm nhiều nhất là hoa cúc các loại.

Bảo quản tôm sau thu hoạch là một khâu quan trọng nhằm làm tăng giá trị sản phẩm. Trước khi thu hoạch tôm cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ và vật liệu như tấm bạt bằng nhựa, rổ và xô nhựa, thùng cách nhiệt, nước sạch để rửa tôm, nước đá sạch để gây chết và bảo quản tôm.