Người Dân Thu Hoạch Ồ Ạt, Sắn Ùn Ứ Trước Nhà Máy

Vài ngày nay, hàng chục chiếc xe chở sắn nối đuôi nhau đậu ở trước cổng Nhà máy tinh bột sắn và tràn ra tận Quốc lộ 1A chờ nhập cho nhà máy, gây mất an toàn giao thông. Qua tìm hiểu từ các tài xế xe, chúng tôi được biết có nhiều xe phải đợi hai ngày mới bán được sắn cho nhà máy.
Thu hoạch trước mùa mưa
Chúng tôi đến Nhà máy tinh bột sắn tầm khoảng 11h30, ngày 4/9, đã tận mắt chứng kiến hơn 30 chiếc xe chở sắn đậu từ đường vào nhà máy và tràn ra tận Quốc lộ 1A, gây ách tắc giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông khi đi qua đoạn đường này.
Mặc cho hàng chục xe chở sắn đợi chờ, còn cán bộ công nhân viên nhà máy sắn thì làm việc đúng giờ hành chính. Trao đổi với chúng tôi, một tài xế cho biết: “Muốn bán được sắn bà con phải sắp hàng chờ đợi ngày này qua ngày nọ, còn cán bộ công nhân viên của nhà máy thì làm việc đúng giờ hành chính.
Những lúc này, nhà máy sắn tăng thêm giờ làm việc để thu mua sắn cho bà con, thì chúng tôi đỡ vất vả hơn nhiều. Một phần sắn thu hoạch để giữa nắng với thời gian dài chất lượng sẽ giảm, một phần tài xế mất rất nhiều thời gian. Lẽ ra một ngày có thể chạy 5-7 chuyến nhưng tình trạng này 2 ngày mới chở được một chuyến”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sắp đến mùa mưa nên người dân ở các địa phương thu hoạch sắn ồ ạt. Chị Nguyễn Thị Điểu, ở xã Phong An, cho biết: “Mấy hôm vừa rồi bận mùa, nên không thu hoạch sắn được. Thời gian này, gần đến mưa lũ rồi nên phải thu hoạch tăng tốc.
Một sào thu được 1 tấn sắn, năm nay giá sắn bán với giá từ 1.700-2000 đồng/kg. So với năm trước, năm nay sắn bán được giá nhưng chờ bán cho được một xe sắn mất rất nhiều thời gian, nhanh thì một ngày, chậm cũng hai ngày.
Giờ đâm lao phải theo lao, trồng sắn rồi thì phải thu hoạch bán để thu lại vốn và công sức bỏ ra”. Tương tự, ông Lê Tích Mong ở xã Quảng An (Quảng Điền) cho biết: “Như mọi năm còn gần 1 tháng nữa bà con trồng sắn mới thu hoạch để nhập cho nhà máy.
Năm nay, do mấy ngày qua mưa lớn, ở vùng chúng tôi lại vùng trũng, nên diện tích trồng sắn trên địa bàn xã phần lớn bị ngập nước. Buộc bà con phải thu hoạch trong vòng vài ngày, nếu không thu hoạch kịp thì sẽ thối củ, lúc đó chỉ cho lợn ăn chứ bán chẳng có ai mua”.
Cần linh động
Tại xã Phong Hiền (Phong Điền) những ngày này bà con cũng đang hối hả thu hoạch sắn bán tháo nhằm giảm thiệt hại. Toàn xã có gần 200 ha sắn, trong đó có nhiều diện tích ở vùng thấp trũng, chỉ vài trận mưa đã bị ngập. Nhằm tránh thiệt hại cho người trồng, địa phương khuyến khích người trồng thu hoạch những diện tích bị ngập, còn những diện tích còn lại bà con nên giãn thời gian thu hoạch ra.
Hiện tại bà con trồng sắn gặp không ít khó khăn vì sắn mang nhập cho nhà máy không tiêu thụ kịp, chi phí vận chuyển lớn. Người dân phải chờ chực do sắn ùn ứ trong những ngày qua. Biết bán không kịp nhưng không nhổ thì sẽ hư, thiệt hại vô cùng lớn.
Tại sao sắn của người dân bị ứ đọng nhiều, ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn lý giải: “Những ngày qua, người dân trên địa bàn tỉnh sợ mưa lũ nên thu hoạch và đưa sắn về nhập liên tục, trong khi công suất của nhà máy 500 tấn/ngày, kho chứa 1.200 tấn”.
Thiết nghĩ, vào những lúc cao điểm Nhà máy tinh bột sắn cần có cơ chế linh hoạt điều động thêm bộ phận thu mua, tăng thêm thời gian làm việc và mở rộng kho chứa nhằm chia sẻ những khó khăn với người trồng sắn.
Ở đây chúng tôi muốn nói, công suất nhà máy không thể nâng lên trong một sớm một chiều, nhưng kho chứa sắn thì nhà máy cần đầu tư mở rộng để đáp ứng nhu cầu, tránh tình trạng xe đậu chờ để bán sắn tràn ra Quốc lộ 1A, mất thời gian của người dân và gây mất an toàn giao thông.
Có thể bạn quan tâm

Nông dân Võ Văn Quýt, 60 tuổi, nhà ở dưới chân sườn núi Cấm, ấp Ba Xoài, xã An Cư (Tịnh Biên, An Giang) trồng trên 3.500 gốc xoài các loại. Mỗi năm, xoài cho ra trái 1 vụ chính, bắt đầu từ tháng 3 âm lịch và kéo dài 4 tháng. Nhờ tận dụng tối đa các ưu đãi của thiên nhiên và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ông Quýt xử lý xoài cho ra hoa, kết trái nghịch vụ vào khoảng tháng 10 âm lịch, bán được giá, thu được lợi nhuận cao.

Để góp phần thúc đẩy nghề nuôi lợn rừng phát triển bền vững, tạo việc làm cho người dân trên địa bàn, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, thời gian qua, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt dự án khảo nghiệm nuôi lợn rừng sinh sản tại xã Quang Kim, huyện Bát Xát thuộc Chương trình khuyến khích ứng dụng khoa học và công nghệ. Dự án khảo nghiệm với 2 mục tiêu chính: Đánh giá sự thích nghi của lợn rừng đã được thuần hóa nguồn gốc Thái Lan tại huyện Bát Xát; cho phối giống tạo ra giống thuần chủng có chất lượng cao.

Đề cập tới nghề nuôi cá tra (CT), thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông liên tục xuất hiện các cụm từ: “Treo ao”; người nuôi thua lỗ, thiếu vốn; xây dựng nhà máy chế biến CT theo kiểu phong trào... Đó là “một góc” hiện trạng nghề nuôi CT ở vùng ĐBSCL cần có các giải pháp giải quyết.

VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) được kỳ vọng là hướng phát triển bền vững của ngành nuôi tôm nước lợ. Riêng tại Quảng Nam, dù có được kết quả bước đầu nhưng việc nhân rộng mô hình này gặp rất nhiều khó khăn...

Những đợt cúm gia cầm vừa qua khiến không ít hộ nông dân ở TP Cà Mau loay hoay tìm mô hình kinh tế thích hợp để sản xuất. Trong khi đó, chị Huỳnh Thị Hằng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tân Hoá, xã Hòa Thành, vẫn tự tin chọn gà nòi lai làm hướng phát triển kinh tế.