Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Dân Ồ Ạt Trồng Cây Bo Bo Tự Phát

Người Dân Ồ Ạt Trồng Cây Bo Bo Tự Phát
Ngày đăng: 18/08/2014

Khoảng 5 năm trở lại đây, tại nhiều địa phương vùng cao, diện tích cây bo bo không ngừng được mở rộng. Tuy nhiên, xung quanh cây trồng này đang có những dấu hiệu bất thường bởi đầu ra sản phẩm không ổn định, thị trường tiêu thụ ở đâu không ai hay, thương lái thì không ngừng thu mua với giá cao.

Nếu không có sự định hướng kịp thời, việc phát triển diện tích cây bo bo một cách tự phát sẽ để lại những rủi ro khó lường.

Hiện đang là thời vụ thu hoạch chính hạt cây bo bo của người dân vùng cao Nghệ An. Ngay trên đường vào bản Huồi Mú, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn có thể bắt gặp những lán trại được bà con dựng lên làm nơi chế biến, sấy khô hạt bo bo. Những ngày trời mưa, không có nắng, người dân thu hái bo bo từ rừng hoặc trên các nương, rẫy về luộc, rồi đốt củi sấy khô, đem bán.

Bản Huồi Mú có trên 80 hộ dân. Gần như nhà nào cũng thu hái trái bo bo sơ chế, đem bán cho các tư thương vào thu mua. Nhà anh Vừ Vả Cu, chỉ có 2 vợ chồng, nhưng từ giữa tháng 7 đến nay, đã làm được trên 3 tạ hạt bo bo khô. Đây là nguồn thu nhập không hề nhỏ của gia đình so với phát nương làm rẫy.

“Từ đầu vụ đến nay, nhà ta cũng đã thu hoạch được 7 – 8 tạ quả tươi, đem phơi khô cũng được khoảng 3 – 4 tạ. Với giá 25.000 đồng/kg như hiện nay, vụ này bán cũng được 7 triệu đồng”, anh Vừ Vả Cu cho biết.

Cây bo bo được đồng bào Thái gọi là Mạc Cà, còn đồng bào Mông gọi là Chi Khầu, thuộc họ gừng. Cây thường được trồng dưới tán rừng, có độ cao trên 700m so với mực nước biển. Các huyện như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong và một số địa phương khác là địa bàn phân bố chủ yếu của giống cây này.

Thời điểm thu hoạch hạt cây bo bo thường bắt đầu từ giữa tháng 7 đến gần cuối tháng 8. 5 năm trở lại đây, tư thương bắt đầu thu mua mạnh. Trước đây, 1 kg hạt bo bo sấy khô giá khoảng 5.000 – 7.000 đồng, song đến năm 2013, giá đã tăng cao đột biến, có lúc đến 30.000 đồng một kg hạt khô.

Tuy nhiên, giá cả đầu ra sản phẩm này vẫn chưa ổn định. “Cây bo bo so hiệu quả kinh tế với các giống cây trồng khác là rất khá, nhưng giá cả không ổn định, hoàn toàn phụ thuộc vào tư thương. Nếu nhà nước có công ty thu mua, giá ổn định thì sẽ mở rộng và phát triển nữa”, ông Vi Văn Điền, bản Na, xã Nậm Nhoóng, Quế Phong nói.

Thực tế, việc thu mua loại lâm sản từ rừng như hạt cây bo bo và các loại khác từ nhiều năm nay đều phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương. Và cho đến nay, chưa có doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu sản phẩm. Người dân cũng như người thu gom cho các đại lý lớn chưa rõ thông tin về thị trường tiêu thụ cũng như mục đích sử dụng của hạt cây bo bo.

Đại lý Huyền Hồng ở khối 4 – Thị trấn Mường Xén là một trong 4 đại lý lớn thu mua hạt bo bo ở huyện Kỳ Sơn. Chị Huyền cho biết: Thu mua hạt bo bo này mang tính thời vụ, mỗi năm chỉ làm khoảng một tháng. Thu mua để nhập cho các đại lý lớn, còn họ xuất đi đâu hay làm gì thì không rõ.

Với những thông tin về thị trường và mục đích sử dụng còn mù mịt của hạt cây bo bo đang tiềm ẩn những nguy cơ. Bởi khi thị trường ngừng tiêu thụ hạt bo bo, hoặc hạ giá xuống thấp, sẽ để lại hậu quả đối với các tư thương và đặc biệt là người dân.

Trong khi đó, vì lợi ích trước mắt, trong 2 năm trở lại đây, bà con không ngừng mở rộng và phát triển diện tích cây bo bo. Nó không chỉ được chăm sóc, khoanh nuôi ở các diện tích rừng tự nhiên, giống cây này đã được trồng ở các nương rẫy, vườn nhà. Tại bản Huồi Mú, đi đến đâu cũng có thể bắt gặp cây bo bo.

Anh Vừ Chá Dềnh, Bí thư Chi bộ bản Huồi Mú, xã Huồi Tụ, cho hay, trước đây, bà con người Mông ở đây chủ yếu thu hái ở rừng về sơ chế, phơi khô rồi bán cho các tư. Kể từ khi rừng được giao cho các hộ dân trực tiếp bảo vệ, ngoài khoanh nuôi các diện tích cây bo bo tự nhiên, nhiều hộ dân đã bắt đầu mở rộng ra các nương rẫy.

Nhà ít thì 1 ha, nhà nhiều đất thì 2 ha, thậm chí 3 ha. Ngoài xã Huồi Tụ, ở Kỳ Sơn còn có nhiều địa phương cùng đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng, phát triển mạnh diện tích cây bo bo như Tây Sơn, Na Ngoi, Mường Lống...

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Trầm – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Huyện không đề ra chỉ tiêu, kế hoạch giao cho các xã phát triển diện tích cây bo bo. Bà con nhận thấy lợi ích kinh tế nên phát triển, mở rộng một cách tự phát. Đến nay, huyện cũng chưa thể nắm rõ diện tích đó là bao nhiêu.

Không thể phủ nhận những lợi ích từ cây bo bo đem lại cho người dân vùng cao. Nhưng thị trường đầu ra sản phẩm cây bo bo chưa rõ ràng, sử dụng vào mục đích gì, thì việc phát triển một cách tự phát, thiếu sự quản lý của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng sẽ để lại hậu quả khôn lường.

Câu chuyện trồng ớt để bán cho tư thương Trung Quốc với người dân Nghệ An và một số nông sản ở nhiều địa phương khác trên khắp cả nước vẫn là những bài học không bao giờ cũ.


Có thể bạn quan tâm

Anh Nguyễn Hồng Phước Khá Lên Nhờ Nuôi Dê Anh Nguyễn Hồng Phước Khá Lên Nhờ Nuôi Dê

Siêng năng, kiên trì gắn bó với nghề nuôi dê đã trên 10 năm, giờ đây kinh tế gia đình của anh Nguyễn Hồng Phước (ấp Lợi A, xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) đã khấm khá hơn trước nhiều.

20/02/2014
Hướng Phát Triển Mới Trong Chăn Nuôi Bò Ở Ba Tri (Bến Tre) Hướng Phát Triển Mới Trong Chăn Nuôi Bò Ở Ba Tri (Bến Tre)

Huyện Ba Tri có đàn bò lớn nhất tỉnh Bến Tre. Nghề nuôi bò ở Ba Tri được xem là kinh tế chủ lực của hàng ngàn hộ nông dân nơi đây. Chính vì vậy, nghề nuôi bò được người dân chú trọng, bà con luôn tìm tòi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào chăn nuôi để đem về giá trị kinh tế cao cho gia đình.

20/02/2014
Chất Lượng Thấp, Mật Ong Vào Mỹ Giá Không Cao Chất Lượng Thấp, Mật Ong Vào Mỹ Giá Không Cao

Giá mật ong của các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sang Mỹ hiện chỉ ở mức trung bình 2,48 đô la Mỹ/kg, thấp hơn nhiều so với giá của các quốc gia khác bán mật ong vào thị trường này.

20/02/2014
Công Bố Dịch Lở Mồm Long Móng Gia Súc Công Bố Dịch Lở Mồm Long Móng Gia Súc

Ngày 14 tháng 2 năm 2014, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 290/QĐ-UBND về việc công bố dịch lở mồm long móng gia súc.

20/02/2014
Nghề Nuôi Chim Yến Nghề Nuôi Chim Yến

Chim yến (CY) xuất hiện ở Bến Tre khá lâu nhưng nhiều người không quan tâm. Hiện nay, phong trào nuôi CY đang phát triển, trên 23 cơ sở, với khoảng 10.000 CY, vì nhu cầu sử dụng tổ yến và lợi nhuận khá cao.

20/02/2014