Người Dân Lao Đao Vì Ngô Lai Mất Giá

Vụ mùa 2013, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) gieo tỉa trên 6.330 ha ngô lai, tăng 630 ha so với kế hoạch, tập trung nhiều nhất tại các địa phương như: Cư Kbang, Cư M’lan, Ea Lê, Ia T’mốt, thị trấn Ea Súp…
Bên cạnh các giống ngô thuần cho năng suất tương đối ổn định qua nhiều năm, người dân tiếp tục sử dụng thêm các giống ngô lai cho năng suất cao như: LVN10, DK888, CP888, NK67. Nhờ thời tiết thuận lợi tình hình sâu bệnh ít xảy ra, ước tính năng suất bình quân đạt từ 8 - 9 tấn/ha, những diện tích đất tốt cho trên 10 tấn/ha.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 8 đến nay, vào thời điểm người dân bắt đầu thu hoạch thì giá ngô liên tục giảm từ 3.500 đồng/kg xuống còn khoảng 3.000 đồng/kg, thấp hơn từ 1.000 - 1.500 đồng/kg so với vụ mùa năm 2012. Với nguồn vốn đầu tư cao, giá phân bón, vật tư, công lao động tăng trong khi giá ngô xuống thấp đang đặt người nông dân vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Anh Đỗ Văn Tự (thị trấn Ea Súp) cho biết: 2 ha ngô lai của gia đình anh giờ không biết nên làm thế nào. Thu hoạch về phải chấp nhận bán giá thấp vì không thể phơi khô chờ giá lên khi thời tiết đang mưa nhiều; còn nếu không thu hoạch cứ để phơi trên cây thì nấm mốc phát sinh, hạt rất dễ nảy mầm ảnh hưởng đến chất lượng ngô thương phẩm.
Tính theo giá hiện nay, sau khi đã trừ toàn bộ chi phí (không tính công lao động gia đình bỏ ra) thì với 2 ha ngô, gia đình anh chỉ có thể thu được từ 10 - 15 triệu đồng; trong khi phải trả lãi suất cao cho các đại lý, cơ sở thu mua khi ứng trước giống, phân bón, thuốc trừ sâu…
Không chỉ gia đình anh Tự mà còn có hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn huyện lao đao vì cây ngô. Có nhiều hộ phải mất 2 - 3 lần gieo tỉa do nắng nóng kéo dài vào đầu vụ; thêm vào đó, hầu hết số diện tích ngô trên địa bàn chỉ gieo tỉa được một vụ trong năm.
Thiết nghĩ, để các mặt hàng nông sản, trong đó có ngô lai được ổn định về giá cả, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần có những kế hoạch, chính sách hợp lý trong công tác gieo trồng; chú trọng đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hóa; tạo sự liên kết vững chắc giữa “4 nhà”; giúp người chủ động được nguồn vốn, sản xuất mang tính bền vững có định hướng, không nên sản xuất theo phong trào, dẫn đến tình trạng diện tích một loại cây trồng tăng cao…
Có thể bạn quan tâm

Hàng chục hộ nông dân ở xã Phong Hiền (huyện Phong Điền, tỉnh TT- Huế) đang rơi vào cảnh khốn đốn vì mua phải phân bón kém chất lượng, đã “giết” hàng chục ha lúa và hoa màu. Trong khi người dân kêu cứu nhiều nơi thì Công ty sản xuất phân bón lại im hơi lặng tiếng!

Bước sang đầu tháng 10, tôm sú thương phẩm ở Cà Mau thiết lập mặt bằng giá mới khi tăng bình quân 5.000 đồng/kg so với tuần trước. Đây cũng là mức giá cao nhất tính từ đầu năm đến nay

Ếch không chịu được rét, suốt mùa đông ếch ẩn nấp trong hang tránh rét, sang mùa xuân ấm áp mới đi lại kiếm ăn. Nên bắt đầu nuôi ếch từ mùa xuân, tháng 2-3 dương lịch

Tôm sú nuôi ở Sóc Trăng, Bạc Liêu... đã và đang chết trên diện rộng, mức độ thiệt hại lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Hàng chục ngàn hộ nuôi tôm như “ngồi trên đống lửa” khi tôm mới thả nuôi được chừng 2 - 3 tháng bỗng dưng lủi đầu vô mé chết hàng loạt

Cá heo nước ngọt mới bắt đầu nuôi thử nghiệm từ 3 năm nay nhưng rất thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người duy nhất nuôi cá heo nước ngọt ở ĐBSCL là anh Bùi Chí Linh ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, An Giang