Người Dân Làm Giàu Nhờ Trồng Cây Lài Ở Tân Thanh (Bến Tre)

Tại ấp Tân Lợi, Tân Hòa (xã Tân Thanh - Giồng Trôm - Bến Tre), có những con giồng bạt ngàn cây lài. Trước đây, chưa ai dám nghĩ đó là loại cây giúp người nông dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Đến nay, cây lài trên vùng đất cát giồng đã khẳng định điều đó.
Thời gian qua, nhiều hộ dân ở đây đã phá bỏ các loại cây tạp trên các khu đất giồng để trồng cây lài. Bông lài được dùng để chiết xuất hương liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến. Ban đầu, một số hộ chỉ trồng thử vài ha, thấy có hiệu quả kinh tế, nhiều hộ mở rộng diện tích trồng lài để tăng thu nhập.
Ông Văn Tấn Hồng - Trưởng ấp Tân Lợi kể, những năm 2008 trở về trước, ấp Tân Lợi là nơi nghèo nhất so với các ấp trong xã. Trên các khu đất giồng, các hộ thường trồng tre, duối và một số cây mì, cây bắp đắp đổi qua ngày. Toàn ấp có 427 hộ dân, nhưng có đến 165 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm trên 38% hộ dân trong ấp. Từ ngày ông Ba Trứ (Tân Lợi) đem cây lài từ Phú Khương (TP. Bến Tre) về khuyến khích một số hộ trồng thử, không lâu sau, đã có nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu. Cây lài trồng mau thu hoạch và bán giá cao nên kinh tế hộ nào cũng khá lên.
Trên các khu đất giồng liền kề, hàng chục lao động đang miệt mài thu hoạch những búp lài sao cho kịp trong ngày. Ông Văn Tấn Hồng khẳng định, trong số hộ thoát nghèo nhờ trồng cây lài, có hộ ông Lê Văn Luận (ấp Tân Lợi) kinh tế gia đình tưởng như bế tắc, nếu không có cây lài cứu vớt. Nhà chỉ vỏn vẹn một công đất giồng tạp, nhưng phải nuôi sống 7 nhân khẩu. Hơn ba năm nay, hộ ông Luận chuyển qua trồng cây lài. Trừ năm đầu lài ít bông, hoặc các đợt giai đoạn tỉa nhánh, bình quân mỗi tuần ông bán được 4 - 5 triệu đồng tiền lài. Năm ngoái, ông Luận xây ngôi nhà trị giá trên 200 triệu đồng. Cũng nhờ tiền bán lài, ông có điều kiện tiếp tục nuôi hai người con ăn học. Năm rồi, ông được ấp bình xét đề nghị hộ thoát nghèo ”.
Ông Võ Quốc Thanh (ấp Tân Lợi) canh tác hai công rau màu hiệu quả kinh tế không cao, chuyển qua trồng cây lài. Nhờ cây lài, mấy năm nay kinh tế gia đình “phất lên” nhanh.
Do cây lài đem lại hiệu quả cao, nhiều hộ ở các khu vực Tân Hòa, An Thuận, Bình Thuận... đua nhau trồng để cải thiện kinh tế gia đình. Tính đến nay, diện tích trồng hoa lài trong xã Tân Thanh đã phát triển trên 25 ha. Sản phẩm thu hoạch được các cơ sở doanh nghiệp các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ hết. Cứ một công đất (1.000 m2) trồng lài hai năm tuổi trở lên, thuận mùa vụ, mỗi tháng thu nhập gần 30 triệu đồng.
Không chỉ ở Tân Lợi, vùng đất Tân Hòa cũng có nhiều hộ giàu lên nhờ trồng cây lài.
Trên vùng đất cát giồng ở Tân Thanh, chưa có cây nào trồng hiệu quả kinh tế cao như cây lài. Cây lài trồng từ 3 - 4 tháng tuổi bắt đầu thu hoạch lai rai, đến năm thứ hai trở đi thu hoạch rộ. Cây lài trồng độ hai năm tuổi, bình quân mỗi ngày cho thu hoạch từ 5 kg đến 15 kg/công. Thời điểm tháng ba và tháng tư âm lịch, mỗi ngày thu hoạch khoảng 30 kg/công, nhưng giá chỉ khoảng 30.000 đồng/kg. Các tháng còn lại, giá từ 50.000 đồng đến 120.000 đồng/kg. Vào thời điểm cây lài ra bông ít, giá từ 130.000 đồng đến 180.000 đồng/kg.
Không chỉ hộ trồng lài thoát nghèo, ngay cả những lao động chuyên nghề hái búp lài, mỗi ngày thu nhập cũng đủ xoay sở cuộc sống gia đình. Hiện nay, ở xã Tân Thanh, mỗi ngày cần từ 200 lao động đến 300 lao động để hái búp lài. Mỗi lao động một ngày hái khoảng 5 - 8 kg búp lài, thu nhập từ 75.000 - 120.000 đồng/ngày cũng đủ chi tiêu trong gia đình.
Bây giờ, người dân sống trên vùng đất giồng cát ở xã Tân Thanh coi cây lài là “ân nhân” giúp họ thoát khỏi cuộc sống nghèo khó.
Có thể bạn quan tâm

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá heo hơi tại các trang trại bán ra cho thương lái hiện đã lên 53-54 ngàn đồng/kg, tăng 1-2 ngàn đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 3. Đồng thời, giá heo giống loại 20kg/con cũng tăng từ 75 ngàn đồng/kg lên tới 100 ngàn đồng/kg so với cách đây 4 tháng.

Liên Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính vừa thống nhất mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với thức ăn chăn nuôi là sản phẩm trồng trọt.

Thời gian qua, mặc dù dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát và diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước, song Hà Nội vẫn chưa xuất hiện dịch. Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi.

Từ chiều 6/4, những cơn mưa trái mùa đã xuất hiện tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, giải tỏa "cơn khát" cho những khu vườn cà phê đang trổ hoa.

Nhãn da bò từ lâu đã mang lại nguồn lợi lớn cho nhà vườn ở ĐBSCL nói chung và Vĩnh Long nói riêng. Thế nhưng, đại dịch chổi rồng đang hoành hành trên nhãn da bò ở mức độ hoàn toàn không thể kiểm soát được. Mặc dù tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư trên 31 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân điều trị bệnh, nhưng vẫn… không cứu vãn được tình thế.