Người Cựu Chiến Binh Vượt Khó, Làm Giàu

Tìm đến nhà ông Hàn Văn Chiến ở thôn Tân Hào, xã Tân Liên, (Hướng Hóa, Quảng Trị) dễ dàng hơn chúng tôi nghĩ. Nhiều người dân ở đây không chỉ nhiệt tình chỉ đường mà còn kể thêm cho chúng tôi nghe nhiều thông tin thú vị về ông.
Năm 1978, ông Chiến tình nguyện lên đường nhập ngũ vào Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị. Bốn năm sau, ông xuất ngũ, trở về quê hương và được tín nhiệm bầu giữ chức xã đội trưởng xã Tân Liên. Trong suốt những năm công tác, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm.
Ông cho biết, ước mơ ấp ủ bấy lâu nay chính là muốn có nhiều thời gian để tập trung phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống sung túc rồi sẽ nhân rộng mô hình cho những người dân đang gặp nhiều khó khăn tham khảo, học tập.
Sau khi xuất ngũ vào năm 1995, ông Chiến bắt tay vào xây dựng mô hình chăn nuôi bò với số lượng hơn 20 con. Qua hai năm chăm sóc, đàn bò của ông tăng về số lượng. Qua năm thứ 3, ông bắt đầu gặp khó khăn trong phát triển chăn nuôi bò, bởi những cánh đồng cỏ rộng lớn được chính quyền địa phương quy hoạch thành khu dân cư.
Năm 1998, thấy việc chăn nuôi bò khó mang lại kết quả cao, ông quyết định bán hết đàn bò và huy động thêm vốn từ nhiều nguồn khác nhau để tiến hành đầu tư xây dựng mô hình trang trạng chăn nuôi lợn với quy mô lớn.
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình chăn nuôi lợn, ông Chiến cho biết thêm, để mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông đã lên đường tìm đến các mô hình chăn nuôi lợn có hiệu quả ở các địa phương trong, ngoài tỉnh để học tập kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh và tích cực tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề về chăn nuôi, thú y…
Khi trang bị được các kiến thức tổng hợp trong chăn nuôi, ông mua hơn 50 con lợn giống về thả trong chuồng. Hơn một năm sau, ông cho xuất chuồng hơn 3 lứa với số lượng trên 30 con lợn thịt, lãi hàng chục triệu đồng.
Thế nhưng, niềm vui về sự khởi đầu khá thuận lợi ấy không kéo dài được bao lâu, vì chỉ vài tháng sau, đàn lợn gần trăm con của ông bị bệnh tai xanh gây thiệt hại trên 200 triệu đồng. Giọng ông chùng xuống: “Đó là thất bại lớn nhất mà tôi đã trải qua trong phát triển kinh tế.
Chỉ còn vài tháng nữa là tôi cho xuất chuồng hàng chục con lợn thịt, thu về một khoản tiền không nhỏ, vậy mà lại trở thành người trắng tay, nợ nần chồng chất. Các thành viên trong gia đình chỉ biết động viên nhau, quyết tâm làm lại từ đầu”.
Sau đợt thất bại đó, ông Chiến quyết tâm gây dựng lại mô hình từ hai bàn tay trắng và những khoản nợ lớn. Việc đầu tiên ông làm đó là xây dựng, nâng cấp chuồng trại, thường xuyên tiêu độc, khử trừng và tiếp tục hành trình học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độ trong chăn nuôi lợn, tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm.
Đầu năm 2001, ông mua hơn 70 con lợn giống về thả, chính thức khởi động lại hành trình làm giàu từ mô hình chăn nuôi lợn. Niềm vui lại xuất hiện trên khuôn mặt người cựu chiến binh này khi đàn lợn của ông phát triển mạnh, không bị dịch bệnh và cho xuất chuồng nhiều lứa lợn có trọng lượng lớn, lại bán được giá. Đây chính là động lực giúp ông tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại, phát triển đàn lợn với số lượng hàng trăm con lợn thịt, lợn nái.
Ông cho biết thêm, từ năm 2001 cho đến nay, năm nào trang trại chăn nuôi cũng có trên 100 con lợn thịt, hơn 20 con lợn nái, cho xuất chuồng 3 lứa/năm, sau khi trừ chi phí, bình quân hàng năm lãi ròng hơn 200 triệu đồng.
Ngoài ra, ông còn mở đại lý cung ứng thức ăn cho gia súc, mỗi năm lãi hàng chục triệu đồng. Cuộc sống gia đình ông đã thực sự đổi thay, không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Với nguồn thu từ mô hình kinh tế tổng hợp mang lại, ông Chiến đã xây dựng lại nhà cửa khang trang, chăm lo cho các con ăn học đến nơi, đến chốn. Hiện nay, 4 người con của ông đã có 2 người là bác sĩ, y sĩ đang công tác tại Trạm Y tế Tân Lập (Hướng Hóa), 2 người vừa tốt nghiệp Đại học kinh tế Huế và Trung cấp y tế Quảng Trị.
Ông tâm sự: “Với tôi, chuyện học hành của các con bao giờ cũng đặt lên hàng đầu. Vì thế, dù gặp hoàn cảnh khó khăn, tôi vẫn luôn khuyến khích, động viên các con học hành, trở thành người có ích cho xã hội”.
Ông Lê Đức Hữu, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Liên không giấu được niềm tự hào khi nói về ông Hàn Văn Chiến: “Cựu chiến binh Hàn Văn Chiến là tấm gương sáng về tinh thần năng động, sáng tạo, vượt khó vươn lên trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đạt kết quả cao.
Ông còn là người luôn gương mẫu tiên phong trong việc tham gia và có nhiều đóng góp quan trọng cho các hoạt động xã hội tại địa phương. Bình quân mỗi năm ông ủng hộ hơn 40 triệu đồng cho các hoạt động từ thiện xã hội như giúp đỡ người nghèo, tri ân các anh hùng liệt sĩ…
Đặc biệt, ông luôn sống hết mình vì mọi người bằng cả trái tim, tấm lòng yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ những người có hoàn cảnh bằng những việc làm, hành động thiết thực như hướng dẫn kinh nghiệm phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, cho vay vốn không lấy lãi. Nhờ vào sự giúp đỡ của ông mà có rất nhiều hộ đã thoát được nghèo, có cuộc sống ổn định”.
Có thể bạn quan tâm

Cuối tháng 6 và đầu tháng 12-2013, báo chí đã phản ánh về tình trạng bắp lai bị chết hàng loạt hoặc cho năng suất rất thấp ở một số xã của huyện An Phú. Số bắp chết hoặc cho năng suất thấp đều là giống bắp DK 9901, DK 6818, DK 8868…do Công ty Dekalb (phường 6, quận 3, TP. HCM) cung cấp. Sau phản ánh của báo chí, cuối tháng 6 - 2013, đại diện Công ty Dekalb đến xác minh hiện trạng. Nông dân được hứa hẹn sẽ có “hậu kiểm”, xác định nguyên nhân để có hướng hỗ trợ…

Theo tin từ Phòng Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học (Cục Bảo tồn đa dạng sinh học - Bộ TN&MT), Bộ TN&MT vừa ban hành Quyết định số 2485 và 2486/QĐ-BTNMT cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho ngô biến đổi gen mang sự kiện GA21 (Công ty TNHH Syngenta Việt Nam) và NK603 (Công ty TNHH Dekalb Việt Nam).

Báo cáo của một tập đoàn thương mại Brazil đã gây lo ngại cho những nhà đầu tư đặt cược rằng giá đường sẽ giảm trong bối cảnh thị trường toàn cầu tràn ngập nguồn cung. Họ đặt cược như vậy trên cơ sở Brazil – quốc gia đóng góp khoảng 1/5 sản lượng đường thế giới – sẽ bội thu đường trong năm nay.

Cuối tháng 10 vừa qua, tỉnh Lâm Đồng đã phải cầu cứu các siêu thị ở TPHCM hợp tác để tiêu thụ cà chua cho nông dân. Sau 1 tuần, hệ thống siêu thị Co.opMart, BigC vào cuộc và mở chiến dịch vận động người dân TPHCM “Ăn cà chua giúp nông dân Lâm Đồng”, giá cà chua từ mức 10.000 đồng/3kg đã kéo lên được 15.000 đồng/2kg tại các chợ truyền thống. Trước đó là vụ vải thiều Bắc Giang, hành tây…

Thế nhưng, theo thống kê mới nhất của ngành nông nghiệp, diện tích hồ tiêu của tỉnh là 11.734 ha. Trong đó, tiêu kinh doanh 7.530 ha, tiêu kiến thiết cơ bản 3.715 ha, tiêu trồng mới 489 ha. Tuy nhiên trên thực tế, diện tích cây tiêu trên địa bàn tỉnh khoảng 15.000 ha.