Người chăn nuôi gồng mình gánh lỗ

Càng nuôi càng lỗ
Chỉ với giá 32.000 đồng/kg hơi, giảm 8.000 - 10.000 đồng/kg so với hồi đầu năm, nhưng anh Trần Đông Hải ở thôn Phước Vĩnh, xã Đức Phú (Mộ Đức) lại thở phào nhẹ nhõm sau khi xuất bán hơn chục con heo thịt của mình. Điều này theo anh Hải là vì đàn heo đã đủ cân đủ ký mà giá thì hạ dài, còn thức ăn lại tăng vùn vụt. “Đã thế, mình sốt ruột kêu bán thì thương lái lại đủng đỉnh kỳ kèo rồi ép mua giá rất thấp vì họ biết, heo cỡ này nó ăn dữ lắm, càng nuôi càng lỗ”, anh Hải cho hay
Tuy với giá 32.000 đồng/kg hơi, anh Hải cầm chắc lỗ, nhưng may mắn là thương lái trả tiền ngay khi cân heo xong. Chứ như bà Nguyễn Thị Tâm thì dở khóc dở cười. Số là 5 con heo thịt của bà thương lái đồng ý mua nhưng với điều kiện, sau khi bắt về giết mổ mà họ nhận thấy heo thịt đẹp, nhiều nạc thì sẽ trả 35.000 đồng/kg hơi; ngược lại nếu thịt mỡ chỉ được 30.000 đồng/kg. Cách mua này theo bà Tâm là “ăn trên lưng người nuôi heo. Bởi khi đã mổ thịt xong, heo tốt họ cũng bảo xấu để trả giá thấp nhằm kiếm được nhiều lời”.
Biết thế là bất hợp lý nhưng vì hiện giờ giá thức ăn quá cao, mà giá heo thì tiếp tục hạ nên bà Tâm phải chấp nhận bán đổ bán tháo.
Trong khi người nuôi heo nhỏ lẻ gặp khó vì giá bán thấp, rồi thương lái chèn ép thì chủ các gia trại, trang trại heo cũng trong tình trạng tương tự, thậm chí còn bi đát hơn. Lý do, đây là những hộ nuôi heo quy mô số lượng lớn, từ vài chục đến hàng trăm con nên giá bán trông chờ vào lương tâm của doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu sản phẩm (thường là các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi).
Tuy nhiên, theo một số chủ trang trại thì lợi dụng lúc giá heo và thức ăn chênh lệch với biên độ cao, các doanh nghiệp này càng dễ “bóp” họ. Nguyên nhân, “thức ăn là của công ty sản xuất, mình mượn trước trả sau với lượng rất lớn nên họ vẫn ngầm tính lãi bằng cách thu mua heo với giá thấp hơn thị trường”, chủ một trại heo ở huyện Nghĩa Hành tiết lộ.
Người tiêu dùng bị vạ lây
Giá heo thịt giảm khiến không ít người thua lỗ, phải treo chuồng hoặc chuyển sang nuôi heo sữa. Bởi theo ông Trần Quang Phước, thôn Phước Vĩnh, xã Đức Phú (Mộ Đức), người tự nhận có duyên với con heo sữa thì “loại này ít tốn tiền thức ăn, mà rủi ro lại thấp nên hiếm khi người chăn nuôi bị thua lỗ”. Ấy nên dù hiện tại, giá bán đối tượng này cũng sụt giảm 200.000-300.000 đồng/con loại 30 ngày tuổi nhưng ông Phước vẫn mạnh dạnh đầu tư 10-12 con nái để có heo sữa bán quanh năm.
Không như ông Phước, nhiều hộ vẫn chung tình với heo thịt vì tin rằng giá sẽ lại tăng cao. Có điều để giảm chi phí, một số hộ đã chọn cách bổ sung thức ăn có chất kích thích tăng trưởng để heo nhanh “bung đùi nở mông”. Việc làm này gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nhưng theo lý giải của người chăn nuôi thì “chỉ cho heo ăn một ít trước khi xuất bán từ 7-10 ngày nên chắc sẽ không sao”!.
Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi thì hiện giờ chất kích thích tăng trưởng thường ở dạng nước, không có nguồn gốc rõ ràng và được người bán trộn vào thức ăn (cám) để cung ứng cho khách quen với mức giá từ 50.000-100.000 đồng/kg tùy loại. Điểm chung của loại thức ăn này là một tuần sau khi ăn, heo sẽ “lột xác” với da đỏ, lông mượt, đùi to, mông nở trông rất bắt mắt.
Xử lý tình trạng này, theo Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Nguyễn Đình Tuấn là “rất khó”. Lý do, việc buôn bán diễn ra lén lút, người dân lại che giấu trong khi nguồn lực của Chi cục mỏng. Hơn nữa công tác kiểm dịch giết mổ thông thường cũng không thể phát hiện thịt của heo có sử dụng thức ăn chứa chất kích thích tăng trưởng. “Muốn phát hiện phải có các thiết bị chuyên dụng như đo độ pH của thịt, chứ nhìn bằng mắt thường thì thịt loại nào cũng tươi đỏ như nhau”, ông Tuấn khẳng định.
Như vậy, chỉ vì muốn tự cứu mình mà vô tình, người chăn nuôi lại làm hại sức khỏe người tiêu dùng. Nhưng xảy ra thực trạng này, duyên cớ cũng bắt nguồn từ sự bất cập trong việc quản lý sản xuất, tiêu thụ khiến người dân phải gồng mình nuôi quá nhiều khâu trung gian. Bằng chứng là người sản xuất luôn bán sản phẩm với giá rẻ, còn người tiêu dùng lại mua với giá cao. Và không biết đến bao giờ, thực trạng này mới chấm dứt để người dân yên tâm sản xuất.
Có thể bạn quan tâm

Kể từ ngày 01/7/2015, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến quản lý, sử dụng đất trồng lúa cần áp dụng quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/04/2015 của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 121 tấn hạt giống ngô, 15 tấn hạt giống rau và 70 tấn hạt giống lúa từ nguồn dự trữ quốc gia cho 3 địa phương (Lào Cai, Hòa Bình, Tuyên Quang) khắc phục hậu quả thiên tai.

Vụ xuân năm nay toàn huyện Tân Yên (Bắc Giang) trồng 90 ha dưa bao tử (tăng 3 ha so với cùng kỳ năm ngoái). Hiện dưa bắt đầu cho thu hoạch, năng suất ước đạt 40 tấn/ha, tăng đột biến.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đác Nông Đỗ Ngọc Duyên cho biết: Giá cây giống mắc ca trên địa bàn tỉnh đã tăng mạnh từ 60.000 đồng/cây tăng lên 90.000-100.000 đồng/cây giống. Việc cây giống mắc ca tăng giá diễn ra từ đầu tháng 4 đến nay và hiện nay rất khó quản lý hoạt động mua bán loại cây giống này.

Ngày 27 tháng 02 năm 2015 UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND về việc ban hành Tiêu chí cánh đồng lớn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh với những nội dung như sau: