Người Bạn Của Nông Dân

“Ông Thêm là một cán bộ hội có tài lãnh đạo luôn được hội viên, ND tin yêu” - đó là nhận xét của ông Nguyễn Văn Khuyên - Chủ tịch Hội ND huyện Lý Nhân, Hà Nam khi nói về ông Ngô Văn Thêm - Chủ tịch Hội ND xã Nhân Chính.
"Ông Thêm là mẫu cán bộ mà chúng tôi đang rất cần trong cuộc chiến chống đói nghèo"- anh Ngô Văn Khiêm, hội viên ND xã Nhân Chính nói về thủ lĩnh của mình.
Đặt mình vào vị trí người ND
Ông Thêm tâm sự: "Muốn làm cái gì thì làm, phải đặt mình vào vị trí của người ND, không phải cán bộ là cứ ngồi bàn giấy, rồi chỉ đạo suông là được, mà phải đi ra đồng cùng bà con thì mới hiểu được bà con cần gì để giúp đỡ, hỗ trợ".
Từ suy nghĩ ấy, ông thấu hiểu được nỗi lòng của ND quê ông. Ruộng, đất nhiều, nhưng vì sản xuất manh mún, thủ công nên khó có thể thoát nghèo. "Nghe thông tin địa phương nào có mô hình mới, hiệu quả, tôi đến tìm hiểu, rồi tìm các chuyên gia nhờ tư vấn giống cây, con gì hiệu quả kinh tế cao có thể đem về để áp dụng" - ông Thêm tâm sự.
Tìm được mô hình mới: Nuôi lợn siêu nạc, ông hướng dẫn bà con vay tiền ngân hàng để mua giống, làm chuồng nuôi; mời chuyên gia về hướng dẫn bà con cách nuôi, chăm sóc... và gia đình ông cũng tiên phong làm mô hình mới. Ngay lứa lợn đầu tiên, ông thu lãi hàng trục triệu đồng. Nối tiếp thành công, đến nay trang trại lợn mỗi năm đem về cho gia đình ông hơn 100 triệu đồng.
Giúp hàng trăm ND thoát nghèo
Thấy đây là hướng đi đúng, ông đến từng hộ tuyên truyền, vận động bà con cùng làm. “Năm 2011, UBND tỉnh ban hành Đề án “Ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học để giảm thiểu ô nhiễm trong chăn nuôi”. Thấy đây là phương pháp nuôi lợn tiên tiến, cho hiệu quả kinh tế cao, tôi đăng ký cho Hội ND xã tham gia đề án"- ông Thêm cho biết.
Ông phân tích, đệm lót sinh học được làm bằng mùn cưa, trấu ủ và men vi sinh, chi phí không cao, chỉ khoảng 120.000 đồng/m2, dùng được trong 5 năm. Sử dụng nền đệm lót trong nuôi lợn rất phù hợp với chăn nuôi nhỏ lẻ ở nông hộ hiện nay vì nó triệt tiêu được toàn bộ chất thải hàng ngày của đàn lợn, nhờ đó lợn ít bị các loại dịch bệnh thông thường như tiêu chảy, lở mồm long móng... Trọng lượng lợn nuôi ở chuồng sử dụng nền đệm lót tăng bình quân 1-3 kg/tháng so với thông thường; đồng thời lại tiết kiệm được khoảng 60 - 70% chi phí lao động, tiền điện, nước.
Đến nay, xã Nhân Chính đã có hơn 1.000 hộ chăn nuôi lợn áp dụng công nghệ đệm lót sinh học. Từ những việc làm của ông Thêm và Hội ND, hàng trăm hộ ND trong xã đã thoát nghèo, nhiều hộ có thu nhập ổn định cả trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Nguyễn Văn Cường (xóm 7, thôn Hạ Vĩ) - một trong những hộ trước đây nghèo nhất xã, nay đã có của ăn của để, tâm sự: "Được như ngày hôm nay gia đình chúng tôi rất biết ơn ông Thêm. Nếu ông Thêm không hướng dẫn rồi giúp vay tiền để nuôi lợn siêu nạc, gia đình tôi bao giờ mới hết cảnh nghèo túng".
Không chỉ vậy, ông chỉ đạo Hội ND thường xuyên phối hợp với HTX dịch vụ nông nghiệp và Hội Phụ nữ xã tổ chức tập huấn, dạy nghề về thú y, kỹ thuật trồng trọt các giống cây trồng mới có năng suất cao như trồng nấm, rau an toàn… Hiện các mô hình này đang phát triển trong xã.
Với việc vào cuộc của Hội ND, đầu tàu là ông Ngô Văn Thêm, năm 2012, Nhân Chính có 1.130 hộ được công nhận SXKD giỏi; trong đó có 45 hộ SXKD giỏi cấp tỉnh, 236 hộ cấp huyện...
Có thể bạn quan tâm

Trước tình hình chất lượng cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam đang giảm sút mạnh, có nguy cơ mất thương hiệu trên thị trường thế giới, Bộ NN-PTNT vừa đưa ra hướng dẫn kỹ thuật và phương pháp thu câu, xử lý, sơ chế, bảo quản cá ngừ khai thác bằng nghề câu, đồng thời xây dựng và chuẩn bị triển khai đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi.

Trước thực trạng người chăn nuôi đang gặp khó khăn vì thua lỗ do dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chủ động tổ chức các chuỗi liên kết nhằm hỗ trợ người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm. Đây là bước đi tích cực, phù hợp, không chỉ đem lại lợi ích cho các "nhà" tham gia chuỗi sản xuất - tiêu thụ mà còn là một biện pháp bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước.

Ông Nguyễn Tiến Đức – Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Lô cho biết, tháng 12.2012, xã được UBND TP.Việt Trì đầu tư triển khai thí điểm mô hình nuôi gà ri lai thả vườn, đồi. Ban đầu, xã được nhận 7.000 con gà ri lai 2 ngày tuổi cấp cho 35 hộ dân ở 10 khu dân cư, trung bình mỗi hộ được nhận 200 con gà (hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn, thuốc thú y).

Chặng đường đầu tiên của vụ nuôi tôm nước lợ 2013 đã phát đi những tín hiệu khá lạc quan về mức lợi nhuận đối với những diện tích đã thu hoạch. Tuy nhiên, sự thận trọng trong khoảng thời gian còn lại vẫn không thừa khi những diễn biến của khí hậu, thời tiết và dịch bệnh luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ chiều 4/7, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), khẳng định rằng trứng gà 2 lòng đỏ không ảnh hưởng đến sức khoẻ.