Ngư Dân Trúng Lớn Sò Mai Biển

Lúc trúng đậm nhất được khoảng 1 tấn sò mai. Sau khi thuê người sơ chế biến còn lại từ 70 - 80kg cồi sò mai.
Thời gian gần đây, nhiều ngư dân ở vùng bãi ngang ven biển xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh liên tiếp được mùa sò mai biển. Không chỉ thu hoạch với số lượng lớn, bán giá trị cao mang lại thu nhập cho lao động trên thuyền mà còn tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể cho hàng trăm lao động khác trên bờ.
Các ngư dân xã Cẩm Lĩnh cho biết, mấy chục năm qua sò mai xuất hiện rất ít ở vùng ven cửa biển này. Thế nhưng, thời gian gần đây đột nhiên sò mai kéo về đây sinh sôi nhiều vô kể. Sau khi phát hiện, ngư dân địa phương đã dùng tàu thuyền, các loại ngư cụ ra đánh bắt, thuyền nào khi trở về cập bến cầu Cẩm Lĩnh cũng đầy ắp sò mai biển…
Để bắt được sò mai khá đơn giản, chỉ quây lưới từ độ sâu khoảng 10m rồi đợi vài giờ thấy nặng lưới thì vớt lên. Lưới rộng thì để qua ngày rồi cứ 4 hoặc 5 người cùng nhau kéo. Bình quân một ngày đi biển, mỗi thuyền đánh bắt được trên dưới 5 tạ sò mai…
Ngư dân Kiều Viết Thương (ở thôn 5, xã Cẩm Lĩnh) phấn khởi, chưa bao giờ thấy sò mai về đây nhiều như năm nay. Cứ 5 giờ sáng, mấy anh em chúng tôi đi thuyền công suất 48CV ra biển cách bờ khoảng 7 - 8 hải lý để bắt sò mai.
Chỉ sau vài giờ, các bao tải lớn đều đầy sò mai. Lúc trúng đậm nhất được khoảng 1 tấn sò mai. Sau khi thuê người sơ chế biến còn lại từ 70 - 80kg cồi sò mai. Giá bán từ 100.000 - 120.000 đồng/kg. Trừ chi phí cũng thu về từ 700.000 - 1 triệu đồng/người/ngày.
Sau khi thuyền vào cập cầu bến Cẩm Lĩnh, chủ thuyền hoặc lái buôn (mua sò lại từ chủ thuyền) sẽ thuê người dân (chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em) đến sơ chế lọc lấy cồi, bỏ phần thịt nhão, sau đó rửa sạch cồi sò rồi mang đến cho chủ thuyền và nhận tiền công từ 20.000 - 30.000 đồng/bao sò.
Cứ đều đặn vào mỗi buổi chiều, người dân lại đổ ra bến chế biến sò mai. Nhiều gia đình có 2 - 3 người cùng làm, mỗi giờ cũng kiếm thêm được từ 20.000 - 40.000 đồng. "Giá trị cao của con sò mai chính là 2 cái cồi của nó."
Dân địa phương gọi cồi sò mai là “điệp nữ” hay “ngọc nữ”, đây là hai lớp cơ thịt nối liền hai mảnh của con sò. Sò huyết cũng có hai bộ phận cồi nhưng chỉ nhỏ như cây tăm tre còn cồi sò mai biển lớn bằng đồng xu, lớp thịt dày đến nửa lóng tay.
Cồi sò mai được chế biến thành nhiều món ăn ngon như xào chua ngọt, hấp, nấu súp, nướng, chiên, hấp sả, xào cà - kiệu…”, ông Lê Xuân Hạnh, ở thôn 2, xã Cẩm Lĩnh cho biết.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết, những năm trước đây, sò mai biển chỉ xuất hiện trong vòng một tuần là hết. Ngư dân khai thác về chỉ đủ ăn trong gia đình. Nhưng từ đầu tháng 2 đến nay, sò mai xuất hiện dày đặc hiếm có ở vùng biển Cẩm Lĩnh, lại trở thành hàng hóa, mang giá trị kinh tế cao.
Trên địa bàn xã hiện nay có hơn 31 tàu thuyền các loại khai thác sò mai, đều có lợi nhuận cao. Từ đó đến nay, toàn xã đã khai thác được gần 240 tấn sò mai đã qua chế biến, ước tính trị giá hơn 15 tỷ đồng... Cồi sò mai bây giờ được xem là đặc sản biển, xuất khẩu ra nước ngoài và các nhà hàng, khách sạn... thu mua về chế biến làm món đặc sản cho khách hàng rất được ưa chuộng.
Có thể bạn quan tâm

Mấy năm nay, rải rác khắp các xã trong huyện Chư Pưh (Gia Lai), diện tích tiêu chết xuất hiện ngày càng nhiều, dù đây là khu vực đất trồng tiêu tốt nhất vùng. Tính trên địa bàn Tây Nguyên, hàng nghìn hộ trồng tiêu cũng gặp tình cảnh tương tự.

Nói về nghề nuôi cá nước ngọt có truyền thống lâu đời trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thì có lẽ ở Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị có thôn Long Hưng còn ở Triệu Phong có thôn Đạo Đầu, xã Triệu Trung. Về thôn Đạo Đầu, đi qua các đường làng ngõ xóm người ta dễ dàng bắt gặp những chiếc hồ nuôi cá ngay trong khuôn viên gia đình.

Từ đầu năm 2014 đến nay, khắp các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ nổi cộm tình trạng nông dân đốn hạ vườn cao su, kể cả những cây đang cho mủ vì thua lỗ vì không còn khả năng cầm cự.

Trao đổi với VnExpress sáng 3/12, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Định cho biết, bên cạnh xuất khẩu sang Nhật Bản, tỉnh đang mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cá ngừ tươi sống tại các cửa hàng Nhật tại Việt Nam và xuất khẩu sang Nga, châu Âu.

Hai tháng qua, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng biến động mạnh và theo hướng trái chiều với mức chênh lệch 30.000-80.000 đồng/kg. Sự tăng giảm với biên độ dao động quá lớn khiến người nuôi tôm lâm vào cảnh “kẻ khóc, người cười”.