Ngư Dân Phấn Khởi Với Vốn Ưu Đãi Đóng Tàu

Sau khi UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt danh sách 6 chủ tàu cá đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định (NĐ) 67 của Chính phủ, các ngân hàng (NH) đang tích cực triển khai thủ tục để sớm cho vay.
Trong đợt đầu tiên, TP. Nha Trang có 5 chủ tàu được duyệt vay hơn 138,6 tỷ đồng để đóng mới 8 tàu, nâng cấp 2 tàu. Trong 8 tàu đóng mới, Công ty TNHH Lê Trứ (gọi tắt là Công ty Lê Trứ, phường Vĩnh Phước) được phê duyệt 6 tàu đều là vỏ sắt, gồm 4 tàu dịch vụ thủy sản có công suất 829CV, 2 tàu lưới vây có công suất 1.200CV. Tổng nhu cầu vốn vay của Công ty đến hơn 115,5 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Tấn Minh - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Nha Trang, Công ty Lê Trứ có quan hệ tín dụng với Chi nhánh đã lâu, là khách hàng uy tín, luôn vay và trả nợ đúng hạn, có năng lực tài chính mạnh, có đầy đủ cơ sở vật chất, kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực thủy sản. Hiện nay, Công ty đang có 3 tàu dịch vụ hậu cần lớn với công suất từ 550 đến hơn 1.100CV hoạt động hiệu quả.
Trước khi có NĐ 67, qua tiếp xúc, đại diện Công ty cũng bày tỏ mong muốn phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần và tàu khai thác bằng vỏ sắt với công nghệ đánh bắt, bảo quản hiện đại. Chính vì thế, khi NĐ 67 được ban hành, Chi nhánh đã chủ động tiếp cận với Công ty, hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất kinh doanh...
Ngoài Công ty Lê Trứ, TP. Nha Trang còn có 2 chủ tàu khác được duyệt đóng mới là: ông Lê Tuấn Hiệp và ông Mai Thành Phúc (Hòn Rớ, xã Phước Đồng). Hai chủ tàu trên đều chọn đóng tàu câu cá ngừ đại dương vỏ composite có công suất 800CV và vay vốn của BIDV Chi nhánh Khánh Hòa.
Ông Phúc đăng ký vay 7,6 tỷ đồng, còn ông Hiệp muốn vay hơn 10,4 tỷ đồng. Đây là 2 hộ dân đã được nhận hỗ trợ kinh phí đóng mới tàu theo NĐ 67 (mỗi hộ 300 triệu đồng) do Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân trao tại Khánh Hòa. Cả hai chủ tàu đều là thành viên của tổ, đội sản xuất trên biển, thành viên của ngư đội tham gia ngư trường đánh bắt xa bờ, có tham gia chuỗi giá trị cá ngừ đại dương.
Trong căn nhà khang trang có được nhờ mấy chục năm vươn khơi bám biển ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa..., ngư dân Mai Thành Phúc cho biết, ông rất phấn khởi khi được duyệt vay vốn ưu đãi đóng tàu, ông được vay đến 95% trị giá con tàu và chỉ trả lãi suất 1%/năm.
Ông Phúc kể, con tàu hiện nay của gia đình đã đóng hơn 10 năm. Từ lâu, gia đình cũng muốn đóng thêm một con tàu lớn và hiện đại nhưng lại khó về vốn. Ông Phúc tự tin vào phương án của mình: “Đã tham gia chuỗi cá ngừ đại dương, tôi dự định đầu tư công nghệ bảo quản đảm bảo nhiệt độ hầm lạnh -500C để cá đạt chất lượng tốt và có thể bám biển dài ngày hơn, sản lượng khai thác sẽ cao hơn...”.
Ngay khi UBND tỉnh phê duyệt danh sách, lãnh đạo BIDV Chi nhánh Khánh Hòa đã ký hợp đồng tín dụng về việc cho vay vốn đóng mới tàu đối với khách hàng Trần Văn Lực (phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa). Đây là khách hàng đầu tiên trên địa bàn tỉnh được BIDV Chi nhánh Khánh Hòa chính thức ký hợp đồng tín dụng theo NĐ 67. Theo hợp đồng, BIDV Chi nhánh Khánh Hòa cho vay 4,55 tỷ đồng, thời hạn vay 11 năm, lãi suất 7%/năm (chủ tàu trả lãi 3%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 4%/năm). Ông Trần Văn Lực cho biết, gia đình ông có truyền thống làm nghề đánh bắt xa bờ, làm ăn hiệu quả nên mạnh dạn vay vốn đóng thêm tàu mới. “Được ký hợp đồng vay vốn, tôi rất mừng. Từ lâu, tôi đã mong muốn có 1 con tàu hiện đại hơn. Nếu đóng thêm tàu mới, gia đình tôi sẽ có 2 chiếc cùng khai thác nên sẽ đảm bảo việc trả nợ gốc và lãi cho NH” - ông Lực chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Đẩu - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, đến nay đã có 71 tàu đăng ký đóng mới (34 tàu vỏ gỗ, 27 tàu vật liệu mới và 10 tàu vỏ thép), 199 tàu đăng ký nâng cấp; tổng số vốn vay dự kiến 1.128 tỷ đồng. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực tập huấn cho ngư dân về chính sách vay vốn với lưu ý phải sản xuất hiệu quả, tập trung vào khai thác cá ngừ đại dương, nâng cao sản lượng khai thác, chất lượng sản phẩm... để có thể đảm bảo trả nợ gốc và lãi đúng hạn cho NH.
Theo đại diện các NH thương mại cho vay theo NĐ 67, các NH đảm bảo đủ vốn, sẽ tích cực triển khai việc cho vay với những khách hàng đã được duyệt, đồng thời tiếp tục tiếp cận các khách hàng có nhu cầu vay vốn.
Có thể bạn quan tâm

Sau một thời gian học hỏi kinh nghiệm nuôi hàu ở một số địa phương trong nước và một số nước lân cận có điều kiện tự nhiên tương tự như Quảng Yên (Quảng Ninh) vốn có nhiều cửa sông, ven biển, anh Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty CP Thuỷ sản Tân An (TX Quảng Yên) quyết tâm đầu tư nuôi hàu bằng bè trên cửa sông. Đến nay, sau hơn một năm áp dụng, anh Dũng đã đạt được thành công bước đầu, đây là cơ hội mở ra hướng làm kinh tế mới tại địa phương.

Giá tôm thấp, cộng với sự e ngại WSSV và nhiệt độ sụt giảm, tất cả các lí do trên khiến trong năm 2015, ngành tôm Thái Lan sẽ bắt đầu phục hồi một cách chậm chạp. Nhiều chuyên gia đang tích cực tìm giải pháp để giải quyết vấn đề dịch bệnh ở Thái Lan.

Theo Tổng cục Thống kê, ước tính giá trị sản xuất thủy sản năm 2014 (tính theo giá so sánh 2010) ước đạt gần 188 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị nuôi trồng thủy sản ước đạt hơn 115 nghìn tỷ đồng (chiếm 61,2%) và giá trị khai thác thủy sản ước đạt hơn 73 nghìn tỷ đồng.

Khoảng 4 giờ sáng 28-12, anh Nguyễn Văn Lưu (ấp 4, xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) phát hiện mùi hôi thối nồng nặc nên chạy ra xem thì phát hiện trong bửng rất nhiều cá đã nổi đầu thở ngáp, một số đã chết nổi trắng bửng.

Toàn huyện Phú Tân có 493 trạm biến áp, do quá trình phát triển nuôi tôm công nghiệp nhanh chóng của người dân, trước đây đã có tới 165 trạm quá tải. Thực hiện Dự án nâng cấp hệ thống điện góp phần phục vụ nuôi tôm công nghiệp, đơn vị đã triển khai nâng cấp trên 100 trạm biến áp và cơ bản hoàn thành trong 2 tháng nay.