Ngư Dân Không Mặn Mà Với Thiết Bị Kết Nối Vệ Tinh Cho Tàu Cá

Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh Movimar được xem là thiết bị liên lạc hiện đại nhất hỗ trợ tàu cá hành nghề trên biển. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào sử dụng, ngư dân không mấy mặn mà vì cho rằng nó không phát huy tác dụng như mong đợi.
*Thiết bị tối ưu
Dự án Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh Movimar do Chính phủ Pháp tài trợ được triển khai ở Việt Nam từ 2011 với kinh phí 14,5 triệu Euro được xem mở ra hướng đi hiệu quả cho hệ thống quản lý, giám sát hoạt động nghề cá.
Đây là một thiết bị nhận tín hiệu GPS, định vị 24/24 giờ. Khi trang bị, mỗi tàu có ăng ten thu phát và mã số. Hệ thống giám sát trên bờ sẽ thu được hình ảnh hiển thị của tàu đang di chuyển trên biển. Vì vậy, cơ quan quản lý có thể biết chính xác vị trí của tàu đánh cá thông qua ảnh chụp từ vệ tinh.
Không chỉ là sợi dây kết nối giữa đất liền với biển khơi, mà nhờ thiết bị này, bà con ngư dân có thể nắm bắt được các thông tin vô cùng cần thiết cho mỗi chuyến ra khơi. Đồng thời còn xác định chính xác ngư trường có nhiều thủy hải sản, tin dự báo thời tiết biển, cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới, hướng dẫn tránh trú bão.
Nhờ đó có thể định hướng cho tàu thuyền trở về bờ hoặc vào nơi tránh bão an toàn gần nhất. Bên cạnh đó, hệ thống cho phép phát hiện tràn dầu, bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo vệ vùng lãnh thổ biển Việt Nam.
Với công nghệ giám sát bằng vệ tinh này sẽ hạn chế được rủi ro trên biển của ngư dân. Thiết bị này hứa hẹn sẽ mang đến sự an toàn và hiệu quả cao cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân; đồng thời, giúp các cơ quan quản lý nghề cá cũng như cơ quan phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn có những giải pháp xử lý nhanh, chính xác các tai nạn, sự cố kỹ thuật đối với các tàu cá hoạt động trên các vùng biển.
* Ngư dân bảo "không hiệu quả"?
Đến thời điểm này, ngành chức năng đã lắp đặt được 250/305 thiết bị trên tàu cá chuyên đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Ngãi. Tuy nhiên, sau thời gian lắp đặt, sử dụng, không ít ngư dân cho rằng thiết bị này không hiệu quả, chẳng khác nào “cục đá”.
Ngư dân Đỗ Văn Lành- tàu cá QNg 95168 TS ở xã Bình Thạnh (Bình Sơn) than phiền: “Nó chẳng khác gì cục đá. Mỗi lần tui mở nó lên, nó thông tin cho mình mà mình thông tin lại thì không thấy trả lời. Hiệu quả đâu không thấy chỉ thấy âm thanh rất nhỏ còn ồn ào không nghe được gì”.
Anh Lành cho biết thêm, thiết bị liên lạc tầm xa Icom phủ sóng vài trăm hải lý còn vệ tinh chỉ thông tin trong bán kính 60 hải lý nên rất khó theo dõi thời tiết. Trong cơn bão số 3, số 4, số 5 vừa qua, qua Icom anh nhận được thông tin xuất hiện bão, nhưng mở thiết bị vệ tinh ra thì không nghe đài báo.
Còn ngư dân Bùi Văn Lý ở xã Bình Chánh thì cho hay, được nhà nước trang bị thiết bị này ngư dân rất mừng, nhưng hiệu quả của nó kém xa Icom. Hệ thống này chỉ dự báo chính xác ngư trường, còn bản tin nhận được rất chậm, mức gió báo cũng không chính xác. Hơn nữa, hệ thống rất tốn điện, trong 3 ngày, hệ thống sử dụng hết 1 bình ắc quy 12 vôn.
Có bản tin từ hệ thống mình nhận được lúc 21 giờ đêm, khi mình xem lại thời gian gửi là 13 giờ chiều. Như cơn bão số 8 vừa qua, trong ngày 17.9 bão đã gây ảnh hưởng đến vùng biển các tỉnh miền Trung nhưng mãi đến ngày 19.9, tàu mới nhận được thông báo. "Ở trên biển, trong những trường hợp khẩn cấp như có bão, chậm 1 giờ thôi đã nguy hiểm huống chi là vài giờ" - ngư dân Bùi Văn Lý bộc bạch
Cùng quan điểm với anh Lành, ngư dân Hoàng Dược Sư, tàu cá QNg 95391 TS, từ lúc lắp thiết bị đến nay, tàu ông đã ở Hoàng Sa 4 tháng nhưng chỉ liên lạc được hai lần. Có máy Movimar nhưng bà con chỉ dựa vào máy thu phát tầm xa Icom, máy định vị. Nhiều tàu còn sắm từ 2, thậm chí là 4 máy Icom đề phòng máy này trục trặc còn máy khác.
Mang câu hỏi này đến ông Lê Sơn- Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ông Sơn cho hay, đây là dự án của Bộ NN&PTNT và đơn vị thi công là Đài Duyên hải Đà Nẵng nên mọi thông tin về hệ thống này, Chi cục không rõ.
Cũng theo ông Sơn có thể ngư dân chưa quen sử dụng máy mới nên hiệu quả thấp. Mặc khác, cũng không loại trừ trường hợp ngư dân không thích thiết bị này vì hệ thống dự báo ngư trường tàu, thuyền đang hoạt động có nhiều thủy hải sản nên nhiều ngư dân không muốn cho các tàu, thuyền khác biết.
Có thể bạn quan tâm

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, BR-VT có gần 8.000ha cây ăn trái, riêng diện tích trồng trái cây mùa hè có trên 2.000ha. Năm nay, người tiêu dùng e ngại các loại trái cây nhập khẩu giá rẻ đã tạo cơ hội cho trái cây của tỉnh vươn lên chiếm lĩnh thị trường.

Do điều kiện thời tiết bất lợi, bệnh đốm trắng ở tôm đang bùng phát và gây thiệt hại nặng cho nhiều hộ nuôi ở 3 xã bãi ngang của huyện Kim Sơn (Ninh Bình).

Ông Nguyễn Văn Sơn, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, thừa nhận có tình trạng nông sản Đà Lạt, đặc biệt là khoai tây, đang bị giả mạo ngay trên đất Đà Lạt. “Chúng tôi thừa biết mánh của tiểu thương tại Đà Lạt khi đưa khoai thẳng từ Trung Quốc đến Đà Lạt chủ yếu để thay đổi xuất xứ và phủ đất đỏ trước khi chuyển đi các tỉnh khác” - ông Sơn nói.

Do sản xuất đậu phộng cần nhiều vốn, nhưng năng suất không cao, giá cả lại quá bấp bênh, nên ngày càng có nhiều nông dân Tây Ninh “chia tay” với cây đậu phộng. Theo số liệu của Chi cục Bảo vệ thực vật Tây Ninh, vụ Đông Xuân 2013 - 2014, toàn tỉnh chỉ xuống giống được 4.265 ha đậu phộng- đạt 47,4% so với kế hoạch, và bằng 86,9% so với cùng kỳ năm trước.

Vụ chiêm 2014 thành phố Điện Biên Phủ gieo cấy gần 500ha lúa, tập trung ở các xã, phường như: Tà Lèng, Thanh Minh, Him Lam, Nam Thanh và Thanh Trường.