Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ngư Dân Khánh Hòa Bọc Nhựa Cho Tàu Cá Vươn Khơi

Ngư Dân Khánh Hòa Bọc Nhựa Cho Tàu Cá Vươn Khơi
Ngày đăng: 17/09/2014

Việc bọc tàu cá vỏ gỗ bằng vỏ composite giảm chi phí duy tu hằng năm và đảm bảo an toàn khi ra khơi.

Thời gian gần đây, khi tàu cá vỏ gỗ xuống cấp, nhiều ngư dân ở tỉnh Khánh Hòa đã bọc lại bằng vật liệu composite.

Tại Hợp tác xã đóng tàu Song Thủy, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, chiếc tàu cá KH 03132 của ngư dân Nguyễn Thanh Hải đang được các công nhân bọc composite.

Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết, chiếc tàu này đã sử dụng gần 10 năm, mỗi năm đều mất gần 1 tháng để kéo lên đà để “làm nước”, cạo hà, “hồ”, “xảm” và sơn lại vỏ tàu, chi phí hết khoảng 20 triệu đồng.

Sau nhiều năm sử dụng, đến nay vỏ tàu đã xuống cấp, nguy cơ mất an toàn khi ra khơi. Năm nay, ông đã thuê thợ bọc composite cho chiếc tàu này với chi phí khoảng 20 triệu đồng. Theo ông Hải, bọc composite, tàu cá sẽ bám biển liên tục và không còn phải bỏ tiền để kéo tàu lên đà, làm nước.

Hiện nay, tại tỉnh Khánh Hòa ngoài 3 cơ sở đóng tàu cá vỏ Composite có thể bọc tàu cá bằng vỏ composite còn có rất nhiều nhóm thợ làm công việc này. Không chỉ có các tàu cá cũ mà ngay cả tàu gỗ đóng mới cũng được bọc composite để kéo dài tuổi thọ, tăng thời gian bám biển.

Hiện nay, ngư dân thường bọc 4 lớp nhựa, dày từ 0,3 - 0,5 cm, sau đó lớp nhựa này sẽ được phun sơn để tạo dáng thẩm mỹ, tốn khoảng 400 – 600.000 đồng/m2 vỏ tàu. Tiến sỹ Nguyễn Văn Đạt, Viện trưởng Viện nghiên cứu chế tạo tàu thủy, Đại học Nha Trang, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học bọc tàu vỏ gỗ bằng vỏ composite từ 10 năm trước cho biết, tuổi thọ của các tàu cá vỏ gỗ bị giảm, dẫn đến phá nước do các vi sinh vật biển và môi trường ẩm mặn làm mục gỗ.

Bọc composite là giải pháp tạo ra 1 con tàu kết hợp giữa gỗ và composite sẽ giúp thân tàu hạn chế bám các loại sinh vật biển và kéo dài tuổi thọ. Đặc biệt, khi đánh bắt xa bờ trong điều kiện sóng to gió lớn những tàu được bọc composite vững chắc hơn. Theo ông Nguyễn Văn Đạt, ngư dân nên bọc composite cho tàu cá đã hoạt động từ 5-8 năm vì lúc này lớp vỏ đã cũ, rất dễ bị phá nước.

Ông Đạt nói: “Vỏ tàu đã bắt đầu cũ khả năng phá nước lớn khi bọc cái này vào nó sẽ hiệu quả hơn, vững chắc hơn. Dùng để cải hoán hoặc bảo dưỡng nâng cấp đội tàu gỗ cũ bằng cách bọc composite. Chiều dày lớp bọc nó phụ thuộc vào kích thước tàu. Những cái này có quy trình hết rồi, bọc toàn bộ bằng gỗ, khả năng bong tróc rất khó”.

Hiện nay, hầu hết tàu cá ở các tỉnh miền Trung đều bằng vỏ gỗ qua sử dụng nhiều năm nên bắt đầu xuống cấp. Trong khi nguồn gỗ đóng tàu ngày càng khan hiếm, nhiều ngư dân đang có nhu cầu bọc composite để gia cố vỏ tàu cũ. Tuy vậy, nhiều tàu quá cũ trên 10 năm tuổi thì không thể bọc composite vì vỏ tàu gỗ không đảm bảo an toàn.

Ông Nguyễn Văn Đẩu, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản ỉnh Khánh Hòa cho biết, địa phương này mỗi năm có gần 30 tàu cá được bọc vỏ composite. Việc bọc vỏ composite phải thực hiện theo quy trình và được Chi cục kiểm tra, thẩm định: “Tàu nó cũ quá rồi không nên làm, bản thân cái gỗ cũng đã xuống cấp, độ ẩm nó cao. Khi bọc kín, tàu sẽ mục, ngư dân có nhu cầu nhưng cũng phải nghiên cứu, hỏi rõ để tiến hành triển khai. Chúng tôi phải thực hiện theo quy trình kiểm tra kỹ thuật, xác định xem chất lượng cái vỏ đó có thể bọc composite được hay không, cơ quan chức năng xem từng trường hợp một”.

Tàu cá vỏ gỗ bọc composite mở ra hướng đi mới để bảo đảm an toàn cho những chiếc tàu vỏ gỗ đã nhiều năm sử dụng, giúp ngư dân tiết kiệm chi phí bảo dưỡng.


Có thể bạn quan tâm

Trộm Bò Mang Bán Dạo Trộm Bò Mang Bán Dạo

Năm 1984, ông Phạm Quang Hành ở thôn Hòa Bình, xã Hùng Sơn (Thanh Miện - Hải Dương) nuôi thử 5 đàn ong để lấy mật bồi dưỡng sức khoẻ.

23/07/2013
Hướng Đi Mới Về Phát Triển Kinh Tế Trang Trại Ở Ninh Phước Hướng Đi Mới Về Phát Triển Kinh Tế Trang Trại Ở Ninh Phước

Với tổng diện tích tự nhiên 34.234 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp có 28.183 ha, chiếm 82,3%, huyện Ninh Phước đã xác định vai trò quan trọng của sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn trong cơ cấu kinh tế. Ngoài các mô hình trồng trọt, chăn nuôi triển khai thực hiện hiệu quả, những năm gần đây, Ninh Phước còn phát triển mô hình kinh tế trang trại với hình thức sản xuất đa dạng.

29/07/2013
“Ông Vua” Năng Suất Mía “Ông Vua” Năng Suất Mía

Chỉ với 1,5ha đất trồng mía, nhưng nhờ cần cù chịu khó, áp dụng phương pháp canh tác hiệu quả, nông dân Hồ Văn Thắng đã có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

24/05/2013
Đậu Phộng Giá Thấp Chưa Từng Thấy Đậu Phộng Giá Thấp Chưa Từng Thấy

Ngay từ thời điểm bắt đầu thu hoạch vụ ĐX 2013, giá đậu phộng (lạc) ở Bình Định đã bị giảm đến 3.000 - 4.000 đ/kg so với năm 2012. Càng thu hoạch rộ, giá đậu phộng càng tuột sâu, hiện chỉ còn 17.000 - 18.000đ/kg. Đã rẻ, nhưng muốn bán cũng chẳng có người mua. Người trồng đậu phộng ở Bình Định đang nẫu ruột ôm đậu phộng ế.

25/05/2013
Anh Chamaleá Ngóng Vươn Lên Thoát Nghèo Anh Chamaleá Ngóng Vươn Lên Thoát Nghèo

Anh canh tác 5 sào ruộng hai vụ lúa, thu hoạch mỗi vụ gần 2,5 tấn. Với giá lúa 5.000đồng/kg, trừ chi phí sản xuất anh còn lãi khoảng 16 triệu đồng/năm. Anh Ngóng trồng 2 sào bắp lai đầu tư thâm canh cho thu nhập hơn 5 triệu đồng.

29/07/2013