Ngư Dân Góp Lưới Vươn Khơi

Nhiều ngư dân ở xã Phổ Quang (Đức Phổ, Quảng Ngãi) góp vốn với chủ tàu mua lưới đánh bắt hải sản. Sau tết, họ hối hả vươn khơi thay vì phải nằm bờ như nhiều tàu cá ở các địa phương khác, do thiếu bạn đi biển.
Mượn vốn góp lưới
Sau tết, ngư dân Ngô Thanh Phong - chủ tàu cá QNg – 98888 cùng với 9 bạn chài tất bật sắm nhiên liệu và thực phẩm để xuất hành chuyến biển đầu năm. Chiếc tàu cá với công suất 400CV nổ máy rẽ sóng tiến ra vùng biển quần đảo Hoàng Sa.
Ngư dân Đặng Văn Khá của tàu cá anh Phong tâm sự: “Ngư dân chúng tôi đều có hoàn cảnh khó khăn nên nhiều chủ tàu sẵn sàng cho mượn vốn góp mua lưới. Nhờ vậy, bạn chài đều có phần hùn vốn trên chiếc tàu cá mình đang đánh bắt. Riêng tôi được chủ tàu cho mượn 10 triệu đồng và chỉ sau thời gian ngắn đã hoàn trả vốn”.
Năm 2011, anh Phong đầu tư 1,1 tỷ đồng đóng mới tàu cá và cho nhiều bạn chài mượn từ 10 – 20 triệu đồng để hùn vốn mua giàn lưới cản với số tiền 900 triệu đồng.
Ngư dân Nguyễn Dương - chủ tàu cá QNg – 46814, nhiều lần cho bạn chài mượn hàng chục triệu đồng để góp một phần lưới đánh bắt hải sản. Và số tiền ấy được các ngư dân trả dần sau những chuyến đánh bắt đạt sản lượng cao. “Không chỉ riêng tôi, các chủ tàu nơi đây đều cho bạn chài mượn vốn để góp cổ phần. Vì vậy, nhiều ngư dân khó khăn có điều kiện tham gia đánh bắt hải sản với mức thu nhập tương đối ổn định” – anh Dương nói.
Ông Lê Văn Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Quang cho biết: Hiện trên địa bàn xã có 229 tàu cá với gần 2.000 ngư dân tham gia đánh bắt trên biển. Nhiều chủ tàu cho bạn chài mượn vốn góp lưới, có người mượn 30 – 50% vốn góp, nên họ luôn tích cực bám biển. Vì vậy nơi đây không có tàu cá nằm bờ vì thiếu ngư dân.
Đồng lòng vươn khơi
Sau mỗi chuyến đánh bắt, anh Phong cùng với bạn chài trừ các khoản chi phí và chi 30% khoản lãi cho chủ tàu vào việc khấu hao, sửa chữa và nâng cấp tàu. 70% tiền lãi được các anh chia đều theo tỷ lệ vốn góp. Chuyến biển giáp tết sau 6 ngày đánh bắt, riêng anh thu về khoản lãi 36,5 triệu đồng, mỗi bạn chài được chia 6,5 triệu đồng.
“Lời cùng ăn, lỗ cùng chịu, nhưng hiếm khi tụi tui bị lỗ vốn vì ai cũng đồng lòng ra sức lao động nên thu nhập cao. Do có vốn góp nên những bạn chài đã gắn bó với tôi trong suốt 3 năm qua chứ không bỏ qua đi bạn cho những tàu khác. Cứ đến ngày xuất bến thì mọi người đều tụ tập đầy đủ lo mua nhiên liệu, thực phẩm để vươn khơi” – anh Phong cho biết.
“Tụi tui đều có vốn góp nên ai cũng có quyền lợi và nghĩa vụ, cùng nhau làm tất cả mọi việc. Tình cảm như anh em một nhà, luôn bảo ban, nhắc nhở và không bao giờ to tiếng với nhau cả…” – ngư dân Lê Văn Mến, đi bạn trên tàu cá của anh Phong, tâm sự.
Có thể bạn quan tâm

Trung tâm Giống Cây trồng tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức Hội thảo đánh giá giống lúa vụ đông xuân năm 2013-2014 tại Trại giống cây trồng Long Phú, huyện Long Phú. Hội thảo đã thu hút gần 500 nông dân, cán bộ kỹ thuật ở Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu…

Cùng với mở rộng diện tích vườn chuyên canh, tỉnh coi trọng việc nâng chất lượng nông sản thông qua chuyển giao kỹ thuật thâm canh, tỉa cành, tạo tán, áp dụng qui trình sản xuất theo tiêu chí VietGAP, cải thiện chất lượng giống cây ăn quả..., nhờ vậy, nhà vườn nâng thu nhập từ vườn cây ăn trái chuyên canh lên 100 đến 200 triệu đồng/ha/năm.

Phương thức gieo sạ hàng trong sản xuất lúa là một tiến bộ kỹ thuật với ưu thế giảm phần lớn công lao động nặng nhọc từ khi gieo mạ, cấy, lượng thóc giống, rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa 7-10 ngày, năng suất tăng 10-15%... so với phương thức cấy truyền thống.

Với giá bán đầu ra khoảng 9.000 đồng/kg, năng suất 4 tấn/sào, đã có hộ trồng dưa hấu ở Cam Lâm (Khánh Hòa) lãi hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, giá dưa bán tại ruộng đang hạ dần nên khả năng lãi lớn chỉ đến với những người bán sớm.

Giá xoài cát Hòa Lộc loại 1 và bưởi da xanh khoảng 55.000 đồng/kg; cam xoàn loại 1: 35.000-40.000 đồng/kg; bưởi Năm Roi và cam sành khoảng 25.000- 30.000; cam mật 15.000 đồng/kg…