Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ngư dân được mùa cá cơm săn

Ngư dân được mùa cá cơm săn
Ngày đăng: 15/08/2015

Trúng mùa cá

Sáng sớm, tàu cặp bến, những giỏ cá cơm săn tươi rói được bà con ngư dân nhanh chóng chuyển vào bờ đưa đến các lò trụng (cơ sở sấy cá cơm khô). Không khí lao động khẩn trương cộng với tiếng hỏi thăm “Tàu trúng được mấy trăm giỏ?”, rồi cười nói rộn rã của người mua và bạn tàu làm cho cả vùng biển Hòa An trở nên nhộn nhịp.

Ngư dân Phạm Văn Bông, một chủ tàu cá ở Hòa An, cho biết: Từ ngày 20/6 đến nay, tàu đánh bắt cá cơm săn ở vùng biển Hòn Khô, Hòn Lao được mùa nên ngư dân ai cũng phấn khởi. Mỗi tàu thuyền công suất 40CV trong một chuyến đánh bắt nhiều thì được 3 đến 4 tấn, ít nhất cũng được 1 tấn cá cơm bán với giá 20.000 đồng/kg. Có đêm nhiều tàu sau khi trừ phí tổn, thu được 40 đến 50 triệu đồng, có đêm thấp hơn, “bù qua chế lại” một tháng thu trên 150 triệu đồng”.

Còn ông Phạm Văn Quang, một chủ tàu chuyên đánh bắt cá cơm ở đây, cho biết: Hiện nay, tàu đánh bắt cá cơm cả ngày lẫn đêm. Ban đêm đánh bắt pha xúc, nghĩa là ra vùng biển chong đèn pha, cá dồn đến thì dùng tấm lưới to gắn 2 đầu vào 2 cây sào xúc. Còn ban ngày bủa lưới rút trủ, những ngư dân có điều kiện đầu tư máy tầm ngư để dò ngư trường ở độ sâu đến 40m, khi phát hiện luồng cá thì bủa lưới rút. Một tàu khoảng 11 bạn tàu làm nghề đánh bắt cá cơm. Do được mùa cá cơm nên mỗi bạn tàu thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng.

Theo nhiều ngư dân, mùa đánh bắt cá cơm bắt đầu từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 9, lúc đó biển động nên các tàu nghỉ đánh bắt. Tuy nhiên, thời tiết năm nay khác lạ, cá cơm xuất hiện thời điểm gần cuối vụ. Trong số các tàu đánh bắt cá cơm ở thôn Hòa An trong tháng vừa qua, tàu của ông Nguyễn Văn Quanh trúng đậm cá cơm, trên 300 triệu đồng. “Thôn Hòa An có 40 tàu chuyên đi đánh bắt cá cơm, trung bình sau một ngày đêm đánh bắt được trên 100 tấn cá cơm. Gần 2 tháng qua, cá cơm xuất hiện nhiều trên vùng biển, sau nhiều năm liền vắng bóng”, ông Quanh nói.

Nhộn nhịp làng nghề

Thôn Hòa An có 4 lò hấp trụng cá, thời gian qua đã thu hút gần trăm lao động nhàn rỗi ở địa phương, nhất là phụ nữ, giúp họ có thêm thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày.

Cũng nhờ cá cơm xuất hiện dày, không chỉ ngư dân vươn khơi phấn khởi mà ngay cả những lò hấp trụng cá cơm cũng vui mừng không kém. Từ mờ sáng, họ cho tàu ra tận Hòn Khô, Hòn Lao mua cá từ các bạn hàng tàu ngay trên biển những mẻ cá cơm tươi rói vừa vớt lên.

Ông Dương Văn Tới, một chủ lò hấp trụng cá cơm, cho biết: “Những năm trước, cơ sở của tôi chỉ thu mua được vài tấn cá cơm để trụng. Nhưng năm nay, mỗi ngày cơ sở thu mua trên 100 giỏ, quy ra từ 30 đến 40 tấn cá cơm. Cá cơm săn phơi khô được các thương lái các nơi “ăn” mạnh, buộc chúng tôi phải huy động nhiều tàu sáng sớm và chiều tối ra ngoài biển chuyên chở cá cơm tươi vào trụng xong rồi phơi để cung cấp cho các bạn hàng từ xa”.

Không chỉ chủ tàu, lò hấp mà nhiều người làm nghề phơi cá cơm khô tại Hòa An ai cũng mừng vì họ có công ăn việc làm. Những lao động làm nghề này ăn theo sản phẩm, vì vậy ngày nắng gắt phơi khô một ngày 2 lứa, ngày yếu nắng phơi khô một lứa, còn mưa nắng đan xen thì 3 đến 4 ngày mới khô, trung bình thu nhập gần 100.000 đồng/ngày. Chị Bùi Thị Hoa, một người phơi cá cơm, chia sẻ: “Nghề của tôi là nghề đội nắng. Khi cá cơm trụng xong chuyển ra giàn phơi, cứ 5 đến 10 phút trở một lần. Mấy năm trước mất mùa cá cơm, không có nguyên liệu để làm dẫn đến thất nghiệp. Năm nay nghề này làm đều đặn từ đầu tháng 7 đến nay, chị em chúng tôi có thêm thu nhập”.

Cá cơm sau khi đưa lên bờ đều được các cơ sở chế biến thủ công mua để sơ chế qua 3 công đoạn: lựa, hấp và phơi. Sau đó, họ bán lại cho thương lái trong và ngoài tỉnh để xuất khẩu. Cá cơm không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được dùng để chế biến nước mắm.

Ông Phạm Đức Thành, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, cho biết: Làng nghề nước mắm và chế biến cá cơm thôn Hòa An có 75 hộ dân làm nghề, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong xã và một số xã lân cận. Gần 3 năm nay, năm nào ngư dân trong xã cũng mất mùa cá cơm, dẫn đến thiếu nguyên liệu để sản xuất nên làng nghề yên vắng. Mới đây, cá cơm xuất hiện nhiều, ngư dân ở thôn Hòa An vui mừng, làng nghề chế biến sản phẩm từ cá cơm sôi động trở lại, giúp người dân tăng thu nhập.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Cao Từ Mô Hình Chăn Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Học Hiệu Quả Cao Từ Mô Hình Chăn Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Học

Hộ anh Đỗ Trường Sơn, ngụ tại ấp Phú Tây, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng có điều kiện thuận lợi trong chăn nuôi heo. Gia đình anh Sơn có nhà máy xay xát và kinh doanh lúa gạo. Tuy nhiên, anh là giáo viên, vợ anh hằng ngày tất bật với công việc hàng xáo nên khó có thể phát huy lợi thế này. Vì vậy, anh Sơn luôn trăn trở, tìm tòi lời giải bài toán: Làm thế nào vừa có thể chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường, trong hoàn cảnh ít nhân lực như gia đình anh?

15/11/2013
Giá Trứng Gà Giảm Sâu, Người Nuôi Lo Ứ Hàng Giá Trứng Gà Giảm Sâu, Người Nuôi Lo Ứ Hàng

Giá trứng gà liên tục giảm giá trong một tháng qua khiến nhiều chủ trang trại lo lắng về hàng tồn kho. Hiện giá trứng tại trại giao sỉ cho bạn hàng có giá 13.500-14.000 đồng/chục (chưa đóng hộp). Nguyên nhân chính dẫn đến việc giá trứng liên tục giảm do một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn tăng đàn mạnh, nhất là những doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài... khiến lượng trứng trên thị trường dồi dào, ép giá liên tục giảm sâu.

15/11/2013
Phát Huy Thế Mạnh Của Đệm Lót Sinh Học Trong Chăn Nuôi Phát Huy Thế Mạnh Của Đệm Lót Sinh Học Trong Chăn Nuôi

Những năm qua, nhờ áp dụng hiệu quả mô hình chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học nên nhiều hộ dân đã giải quyết triệt để vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi cũng như tiết kiệm được nhiều chi phí, công lao động trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Hiện tại, nhiều hộ dân tin tưởng và chủ động nhân rộng mô hình này.

15/11/2013
Vườn Dâu, Cà Chua Ngọt Siêu Sạch Cho Khách Thăm Quan Dịp Festival Vườn Dâu, Cà Chua Ngọt Siêu Sạch Cho Khách Thăm Quan Dịp Festival

Anh Vũ Nhuần (24 Vạn Kiếp, khu phố Hà Đông, phường 8, Tp.Đà Lạt), cho biết: Để chuẩn bị cho Festival hoa sắp tới, gia đình đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng trồng thử nghiệm mô hình dâu tây siêu sạch theo phương pháp thủy canh và cà chua siêu ngọt để cho khách thăm quan trong dịp lễ hội.

15/11/2013
Đột Phá Từ Cây Măng Tây Xanh Đột Phá Từ Cây Măng Tây Xanh

Măng tây xanh được xem là loại rau cao cấp, có giá trị dinh dưỡng cao. Để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, UBND tỉnh đã có định hướng sẽ thực hiện đề án phát triển và tiêu thụ cây măng tây xanh trên địa bàn TP. Bạc Liêu.

15/11/2013