Ngư dân chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ

Khai thác quá mức
Tại các vùng biển ven bờ thuộc huyện Tuy An, nguồn lợi thủy sản tầng đáy khá phong phú. Nhiều loài có giá trị kinh tế cao như cá mú, tôm hùm, cá hồng, cua biển, mực nang, các loài ốc. Nguồn cá nổi ở các vùng biển này cũng khá dồi dào, nhiều nhất là cá cơm, cá nục… Tuy nhiên, những năm qua, nghề khai thác thủy sản ven bờ bằng các phương tiện đánh bắt nhỏ phát triển quá mức đã làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi này. Hiện nhiều ngư dân gặp khó khăn vì nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, hiệu quả kinh tế của các nghề khai thác ven bờ ngày càng thấp.
Ông Nguyễn Hảo ở thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn (huyện Tuy An), cho biết: “Ngư dân làm nghề khai thác thủy sản ven bờ theo kiểu cha truyền con nối cách đây rất lâu đời. Chính vì làm ăn theo kiểu nhỏ lẻ nên thời gian qua số lượng thuyền công suất nhỏ phát triển nhiều, dẫn đến việc khai thác quá mức làm cho nguồn lợi thủy sản ven bờ bị cạn kiệt, kéo theo thu nhập của ngư dân khai thác thủy sản ven bờ thấp và không ổn định. Thêm vào đó, hiện nhiều xã ven biển ở huyện Tuy An phát triển ồ ạt số lượng lồng bè nuôi thủy sản, gây ô nhiễm môi trường vùng biển ven bờ…”.
Theo UBND xã An Chấn, suy giảm nguồn lợi thủy sản ven bờ là mối quan tâm lớn nhất của địa phương hiện nay. Hiện dọc bờ biển trên địa bàn xã là nơi tập trung dân cư đông đúc, các tuyến đường bê tông chưa xuống được tới bờ biển, việc thu gom rác thải ở khu vực này cũng gặp nhiều khó khăn. Còn theo UBND xã An Hải, trên địa bàn xã này có 148 tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản, chủ yếu thuyền có công suất dưới 20CV. Một số ngư dân trong xã và các địa phương lân cận đến vùng biển ven bờ xã An Hải khai thác thủy sản bằng phương pháp lặn kết hợp bơm hóa chất vào hang san hô, hoạt động nghề giã cào và sử dụng ngư cụ kích thước nhỏ hơn quy định để khai thác tận thu khiến nguồn lợi thủy sản ven bờ bị cạn kiệt.
Cộng đồng cùng tham gia
Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững triển khai tại Phú Yên với tổng mức đầu tư hơn 257 tỉ đồng, được chia làm 4 hợp phần, trong đó có tiểu hợp phần đồng quản lý hoạt động khai thác thủy sản ven bờ. Đến nay, trên địa bàn huyện Tuy An, Sở NN-PTNT đã chọn 4 xã gồm An Chấn, An Hòa, An Ninh Đông và An Hải để triển khai kế hoạch đồng quản lý nghề cá ven bờ với gần 680 hộ ngư dân tham gia. Nội dung đồng quản lý hoạt động khai thác thủy sản ven bờ tập trung phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bộ quy tắc nghề cá có trách nhiệm và các văn bản pháp luật liên quan, tăng cường năng lực quản lý và thực thi pháp luật. Đồng thời tiến hành quy hoạch chi tiết phát triển nghề cá ven bờ, xây dựng thể chế và chính sách quản lý nghề cá ven bờ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, khắc phục sự ô nhiễm môi trường vùng ven biển. Ngoài ra, đồng quản lý hoạt động khai thác thủy sản ven bờ còn nhằm hỗ trợ bổ sung sinh kế cho cộng đồng ngư dân nghèo, hỗ trợ sinh kế ban đầu cho tổ đồng quản lý và phát triển giới, thành lập khu bảo vệ biển như bảo vệ bãi đẻ, bãi sinh trưởng, tôm hùm, rạn san hô…
Ngư dân Lê Văn Hải ở thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông, cho biết: “Sau khi thành lập tổ, chúng tôi xây dựng phương án phân khu vực khai thác, nuôi trồng, neo đậu tàu cá và khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chúng tôi cũng tổ chức thu gom rác thải và vệ sinh môi trường bờ biển, tham gia giám sát các hoạt động khai thác và nuôi trồng tại khu vực biển ven bờ, ngăn chặn và báo cáo kịp thời các hoạt động khai thác thủy sản bằng chất nổ, hóa chất và vận động ngư dân ở địa phương chuyển đổi sang những nghề khai thác thân thiện với môi trường, không phát triển thuyền công suất nhỏ dưới 20CV”. Theo ông Phạm Ngọc Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy An, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi sinh, môi trường vùng biển ven bờ trên địa bàn huyện là thách thức lớn đối với địa phương. Tỉnh đã quan tâm xây dựng các tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ tại 4 xã trên địa bàn huyện là hết sức cấp thiết, nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường vùng ven biển, tạo sinh kế cho cộng đồng ngư dân ven biển. UBND huyện Tuy An đề nghị các xã triển khai tốt kế hoạch đã xây dựng tại các tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ.
Việc thành lập tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ đồng nghĩa nhằm nâng cao vai trò của ngư dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời góp phần đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững cho ngư dân ven biển. Các cơ quan, đơn vị liên quan và chính quyền địa phương cần giúp đỡ, hỗ trợ các tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ tại các địa phương thực hiện tốt kế hoạch đồng quản lý đã được xây dựng và tổ chức tuyên truyền để nhân dân cùng tham gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. (Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT)
Có thể bạn quan tâm

Ngày 16.8, ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn (Bình Định), cho biết: Theo kết quả kiểm tra ban đầu, thiệt hại do vụ tàu vận tải Yong Li 2 Trung Quốc xâm nhập trái phép vào vùng biển Việt Nam, gây ra cho khu vực nuôi tôm hùm thương phẩm của ngư dân xã Nhơn Hải tại vùng biển thôn Hải Giang (xã Nhơn Hải) lên đến trên 2 tỉ đồng.

Trong khi nhiều thanh niên ở các vùng quê rời quê đi làm ăn xa, một số thanh niên có bằng đại học, cao đẳng cũng đều cố tìm cho mình một công việc ổn định ở các thành phố lớn thì Nguyễn Đức An (30 tuổi), chàng trai vừa tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư đã tự mở lối làm ăn táo bạo cho riêng mình bằng cách xây dựng mô hình trang trại tổng hợp tại vùng đồi quê nhà ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Sau hơn 3 năm gây dựng, đến nay trang trại của anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Sau gần 2 năm (2012 - 2013) triển khai, thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nhãn chất lượng cao theo VietGAP tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La”, kết quả ghép cải tạo thí điểm thành công mô hình giống nhãn địa phương cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần đang mở cho hướng phát triển nhãn ở Sông Mã.

Do biết cách làm ăn, thoát nghèo bền vững, nên dù làm công nhân, chị Trần Thị Minh vẫn được bà con tin tưởng bầu làm Chi hội trưởng Chi hội ND ấp Bàu Dài (xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) .

Theo điều tra của Chi cục BVTV, trong đợt phát động phòng trừ sâu bệnh từ ngày 1 đến 7-8, các địa phương đã tích cực chỉ đạo bà con nông dân ra đồng phun thuốc. Tính đến ngày 4-8, diện tích được phòng trừ đạt khoảng 60%.