Ngư Dân Bội Thu Mùa Cá Cơm

Vào vụ cá nam năm nay, nhất là thời gian gần đây ở Bình Thuận, mỗi chuyến biển ra khơi ngư dân trở về với những khoang cá cơm đầy ắp. Ở các bến cảng tấp nập tàu thuyền tập kết, tiếng cười, tiếng nói ngư phủ cũng rộn rã hơn sau những ngày “hái bạc”…
Mùa này, khi cái nắng chang chang kèm theo những ngọn gió phơi phới từ biển thổi vào cũng là lúc từng đàn cá cơm lại ồ ạt xuất hiện vào dịp hè về. Hàng trăm tàu ghe lớn nhỏ, xa hay gần bờ đều có thể dễ dàng thả lưới, bắt được những mẻ cá cơm nặng trĩu khoang thuyền. Đây được xem là món quà ý nghĩa nhất mà ngư dân các vùng biển Phan Thiết, thị xã La Gi được ban tặng trong mùa cá nam năm nay.
Chúng tôi theo chân người dân các phường ven biển TP. Phan Thiết đón thuyền cá đầy về. Dưới cái nắng gay gắt lúc quá trưa, nhưng Cảng cá Phan Thiết tấp nập người và xe để chuẩn bị khiêng những sọt cá lớn sắp về cùng ngư phủ. Từ phía xa, những chiếc thuyền công suất lớn lác đác vào bờ, không lâu sau đó vài phút hàng chục thuyền lớn nhỏ nối đuôi nhau cập bến, không khí trên bờ xôn xao, náo nhiệt hẳn lên. Từ thương lái, đến cả người già và trẻ con vùng biển cũng góp sức “đón” những khoang cá cơm.
Mặc dù mùa cá cơm năm nay về với ngư dân muộn hơn, nhưng sau mỗi chuyến ra khơi, mỗi thuyền khai thác ít nhất cũng được vài ba tấn cá, những thuyền nhiều hơn lên đến cả chục tấn, đặc biệt là không có thuyền nào chịu về tay không. Hiện nay, theo các thương lái giá cá cơm lộn 10.000 – 12.000 đồng/kg, cá cơm không lộn từ 16.000 - 18.000 đồng/kg, sau một ngày đi biển có tàu thu nhập 60 triệu đồng. Ngư dân Nguyễn Thanh ở phường Đức Long hồ hởi nói: “Đợt này toàn cá cơm thôi cô à, mùa cá cơm mà.
Khác với trung tuần tháng 7, có hôm biển “đói” lênh đênh mấy ngày trời chỉ vài tạ cá. Tranh thủ những ngày này, cứ ra khơi là được một mẻ cá lớn nên mừng khôn xiết. Tàu chúng tôi có 15 người ra khơi, có khi sau một ngày đi biển về được hơn 3 tấn cá”. Những ngư dân nghèo với ghe cỡ nhỏ, đánh bắt gần bờ cũng được hưởng niềm vui được mùa cá cơm.
Tại Cảng cá La Gi cũng sôi động hẳn lên, tàu thuyền cá đầy khoang. Trên bờ tấp nập kẻ bán người mua và lao động sơ chế cá… Chỉ tính riêng lực lượng lao động trên bờ có hôm cũng lên đến hàng trăm người, trong đó chủ yếu là phụ nữ tham gia gánh cá và sơ chế cá cho các cơ sở chế biến. Bà Loan 43 tuổi - một người làm công cho chủ cơ sở thu mua và sơ chế cá cơm xã Tân Bình (La Gi) vui vẻ nói: “Được mùa cá cơm ai cũng có việc làm, người thì muối mắm, phơi cá, người thì vận chuyển, mỗi người cũng kiếm được từ 2,5 – 3 triệu đồng”.
Có thể bạn quan tâm

Năm nay, người dân trồng cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) hết sức phấn khởi, bởi vừa kết thúc việc thu hoạch cà phê chè catimor thì họ lại bắt tay vào thu hoạch cà phê mít. Và năm nay được xem là một năm bội thu đối với loại cây trồng này.

Người trồng dứa ở vùng nguyên liệu Quỳnh Lưu (Nghệ An) đang ngao ngán với phương án thu mua của nhà máy chế biến dứa xuất khẩu thuộc Công ty cổ phần Thực phẩm Nghệ An (Nafoods).

Thời gian gần đây, tại một số địa phương ngập lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang: Cai Lậy, Cái Bè... có hiện tượng nông dân đua nhau chạy theo phong trào trồng mít Thái siêu sớm, trồng xoài Đài Loan, đào ao trên đất trồng lúa để ương dưỡng cá tra giống

Với cách làm năng động, sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp (V.A.C) năm 2010 anh được công nhận là thanh niên làm kinh tế giỏi của tỉnh, đại diện thanh niên khối nông nghiệp tham dự hội nghị biểu dương

Người bán cá ở các chợ đang hy vọng sức mua cá điêu hồng sẽ tăng trở lại, sau khi kết quả xét nghiệm của cục An toàn vệ sinh thực phẩm về 30 mẫu cá nuôi lấy tại chợ Bình Điền và các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn TP.HCM đã không phát hiện chất cấm trifluralin.