Ngô Xuân Gieo Trồng Chậm Và Giải Pháp Khắc Phục

Mỗi năm tỉnh Nghệ AN gieo trồng khoảng 15.000 ha ngô vụ xuân. Phần lớn diện tích này được gieo trồng ở đất bãi phù sa ven sông Lam từ Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương lên đến tận Kỳ Sơn và dọc 2 bên đất bãi ven sông Con, sông Hiếu từ Tân Kỳ lên Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quế Phong… với tổng diện tích gần 12.000 ha.
Khoảng 3.000 ha còn lại được gieo trồng rải rác ở vùng đất cát pha ven biển từ các huyện Nghi Lộc ra đến Quỳnh Lưu và một số ít được gieo trồng 2 bên khe suối, dưới chân đồi thấp ở các huyện miền núi cao.
Thông thường thời vụ ngô xuân ở tỉnh Nghệ AN được tập trung gieo trỉa từ sau ngày 20 tháng 2 đến đầu tháng 3 hàng năm. Nhưng vụ ngô xuân năm nay đến thời điểm này có rất nhiều cơ sở sản xuất chưa gieo xong, thậm chí trên đất để gieo ngô vụ xuân cho đến bây giờ chưa thu hoạch xong vụ ngô đông nên thời vụ càng phải kéo dài ra.
Theo đánh giá của phòng NN & PTNT các huyện: Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ và Nghĩa Đàn vụ ngô xuân 2014 phải gieo trỉa chậm hơn so với năm bình thường ít nhất khoảng 10 – 15 ngày.
Lý do phải gieo trỉa chậm là vụ ngô đông 2013 bị ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài làm cho nhiệt độ không khí giảm xuống dưới 16, 170C và hầu như thiếu ánh sáng mặt trời trong suốt cả tháng 2 đến đầu tháng 3. Vì thế ngô ngừng sinh trưởng và phát triển trong khoảng thời gian nhiệt độ thấp và thiếu ánh sáng nói trên, khiến vụ ngô đông 2013 phải kéo dài thời gian sinh trưởng lên đến trên dưới 1 tháng, tùy thời vụ gieo trỉa trước đó sớm hay muộn.
Ở đâu nếu vụ đông vừa rồi gieo trồng trước ngày 15/10/2013 thì hiện nay ngô đã thu hoạch xong, diện tích này phần lớn thuộc loại đất bãi ven sông và đến bây giờ cơ bản đã gieo xong ngô vụ xuân.
Theo ông Nguyễn Văn Minh - Phó trưởng phòng NN&PTNT Anh Sơn thì đến ngày 18/3 toàn huyện đã gieo trồng xong 1.800/2.600 ha diện tích ngô xuân, số diện tích còn lại phải cuối tháng 3 mới thu hoạch được và sau đó phải tiến hành gieo trồng ngay.
Tại huyện Thanh Chương, đến nay toàn huyện đã gieo trồng xong 1.200 ha/1.600 ha ngô xuân và chỉ còn 400 ha ngô xuân ở vùng bãi thấp do phải thu hoạch chậm nên chưa gieo trồng được. Trong khi đó ở huyện Tân Kỳ thì vụ ngô Đông 2013 toàn huyện gieo trồng được 2.000 ha đến nay vẫn chưa thu hoạch, dự kiến phải chờ 5 – 7 ngày nữa ngô già mới cho thu hoạch và khi thu hoạch ngô đông đến đâu bà con nông dân sẽ tiến hành gieo trỉa ngay ngô xuân đến đó. Huyện đang phấn đấu thu hoạch xong ngô vụ đông và gieo trồng ngô vụ xuân xong chậm nhất trước ngày 30/3 này.
Với cây ngô vụ xuân nếu gieo trỉa muộn như vụ xuân năm nay rất dễ gặp nắng nóng và gió Lào đến sớm sẽ ảnh hưởng đến năng suất, nhất là loại ngô gieo trồng trên đất đồng, đất đồi vệ thấp ở các vùng núi cao.
Để hạn chế ảnh hưởng xấu đến năng suất ngô trên diện tích phải gieo trồng muộn trong vụ xuân năm nay, chúng ta cần thực hiện tốt các biện pháp sau đây:
Chỉ nên gieo trồng các giống ngô ngắn ngày với thời gian sinh trưởng không nên quá 110 – 115 ngày. Các cơ sở sản xuất có thể chọn 1 trong các giống ngô sau đây để vừa có năng suất cao, vừa có thời gian sinh trưởng ngắn, lại có khả năng chống chịu hạn hán khá như các giống: LVN14, DK6919, C919, DK9955 và NK66.
Trên diện tích ngô đông đến bây giờ chưa thu hoạch và phải chờ đến hết tháng 3 mới thu hoạch được để gieo trồng ngô vụ xuân, tốt nhất nên chủ động làm ngô bầu nhằm đẩy thời gian sinh trưởng lui về trước, hạn chế ngô trổ cờ quá muộn gặp nắng nóng và gió Lào thổi mạnh làm giảm năng suất ngô.
Cày đất sâu, lên luống thấp, bón nhiều phân hữu cơ vừa để thâm canh vừa giữ ẩm cho đất, vừa hạn chế bốc hơi nước quá mạnh từ đất lên khi có nắng to, gió Lào thổi mạnh.
Bón phân thúc sớm, bón đậm và bón phân cân đối để cây ngô phát triển nhanh, mạnh giai đoạn đầu, hạn chế kéo dài thời gian sinh trưởng về sau. Đặc biệt không nên bón nặng phân đạm và bón nhiều đợt sẽ làm kéo dài thời gian sinh trưởng của ngô về sau. Tốt nhất nên bón thúc bằng phân NPK 15-5-20. Nếu bón nặng đạm ở giai đoạn cuối dễ xuất hiện tượng ngô trổ cờ trước từ 5 – 7 ngày, sau đó bắp ngô mới phun râu thì năng suất ngô sẽ giảm nghiêm trọng.v
Có thể bạn quan tâm

Trong khi thị trường xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn thì con cá rôphi nổi lên như một đối tượng thay thế đầy triển vọng nhờ thị trường tương đối mở. Do khá dễ nuôi nên việc chuyển đổi nuôi từ cá tra sang cá rôphi đang được một số dn như công ty cp chế biến thực phẩm sông hậu (sohafood) thực hiện.

Là đối tượng thủy sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao, loài cá chiên sống tự nhiên trên dòng sông Sêrêpôk đang bị đe dọa bởi sự khai thác triệt để của con người.
Những năm qua, nghề nuôi thủy sản nước lợ, mặn ở các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang như: Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông và TX. Gò Công khá phát triển. Tuy nhiên, ý thức bảo vệ môi trường của người nuôi thủy sản còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường ven biển rất cao. Do đó, người nuôi cần thực hiện tốt các giải pháp bảo vệ môi trường ven biển, hạn chế dịch bệnh, gia tăng hiệu quả nuôi.

Gần 40 ha tôm thẻ chân trắng ở xã Diễn Trung (huyện Diễn Châu, Nghệ An) liên tục nhiễm các bệnh đường ruột, phân trắng, hoại tử gan tụy, đốm trắng... khiến người nuôi điêu đứng.

Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, tháng 7 là thời điểm thích hợp cho việc thả nuôi tôm vụ mùa mới, bởi không chỉ thuận lợi về điều kiện thời tiết, nguồn nước, môi trường, mà dự báo giá tôm nguyên liệu sẽ tăng trở lại trong những tháng cuối năm. Hiện, tại các địa phương vùng Nam Cà Mau, người nuôi tôm đang khẩn trương việc cải tạo ao, đầm theo đúng quy trình kỹ thuật, tất bật với các hoạt động thả nuôi, chăm sóc, bảo vệ, hứa hẹn một mùa thắng lợi.