Ngô có bắp nhưng không hạt do nắng nóng ở Hà Giang

17 xã, thị trấn ở huyện Xín Mần báo cáo, số diện tích ngô, lúa, đậu tương vụ xuân bị thiệt hại do thời tiết nắng nóng kéo dài lên đến hơn 2.300 ha. Thiệt hại nặng nhất là diện tích ngô nương, ngô xuống ruộng với 1.840 ha, trong đó có hơn 1.250 ha ngô giảm năng suất từ 30 đến hơn 70%, gần 600 ha ngô có bắp nhưng không có hạt. Nhiều nhất ở các xã Bản Ngò, Nấm Dẩn, Bản Díu, Trung Thịnh. Tại huyện Hoàng Su Phì, thiệt hại do nắng nóng gây ra thấp hơn những cũng có đến gần 200 ha ngô ở 14/25 xã, thị trấn không có hạt.
Ông Xìn Thanh Quyết, Phó phòng NN – PTNT huyện Xín Mần cho biết: “Nguyên nhân cây trồng vụ xuân bị thiệt hại là do nắng nóng kéo dài, riêng đối với diện tích ngô bị thiệt hại được xác định do khoảng thời gian cây ngô trổ cờ, ra hoa, thụ phấn vào cuối tháng tư, đầu tháng năm gặp thời tiết nắng nóng liên tục hơn 35 độ C, độ ẩm dưới 50% nên hạt phấn chết không thụ phấn đực nên cây ngô dù hình thành bắp nhưng không có hạt hoặc ít hạt”. Cũng có ý kiến cho rằng, cây ngô không hạt là do giống chưa chuẩn, kém chất lượng. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của phóng viên, diện tích ngô không hạt hoặc ít hạt xảy ra ở nhiều địa phương với nhiều giống ngô khác nhau chứ không chỉ một loại giống duy nhất.
Trước thực trạng trên, các huyện cử cán bộ xuống các xã điều tra, rà soát số hộ và diện tích ngô không hạt, các loại cây trồng khác bị giảm năng suất do nắng nóng, đề xuất các giải pháp khắc phục, hỗ trợ kịp thời. Lãnh đạo Phòng NN – PTNT huyện Hoàng Su Phì cho biết, chủ trương của huyện sẽ hỗ trợ cho một ha ngô mất trắng là hai triệu đồng, diện tích bị giảm từ 30 đến 70% năng suất được hỗ trợ một triệu đồng từ nguồn ngân sách dự phòng.
Riêng huyện Xín Mần, ngoài chủ trương hỗ trợ cho nông dân theo quy định của nhà nước còn đang triển khai giải pháp khắc phục tình trạng hạn hán dài hơi hơn bởi trên địa bàn huyện hầu như năm nào cũng xảy ra nắng nóng, khô hạn. Không chỉ năm nay, vụ xuân 2014, huyện có hàng nghìn ha ngô, lúa bị khô hạn khiến sản lượng lương thực toàn vụ thiếu hụt so với kế hoạch đến trên 1.700 tấn.
Bí thư Huyện ủy Xín Mần Hoàng Gia Long cho biết: “Huyện Xín Mần đang xây dựng đề án phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa, trong đó sẽ chuyển đổi những diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả, diện cây trồng tại các xã thường xảy ra khô hạn, nắng nóng sang trồng cỏ để phát triển chăn nuôi gia súc nhằm xóa nghèo bền vững cho nông dân. Để đề án triển khai có hiệu quả, huyện sẽ vận dụng triệt để các chính sách hỗ trợ về vốn vay giúp người dân mua con giống, làm chuồng trại, trước mắt hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi diện tích đất xấu, đất trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi”.
Có thể bạn quan tâm

Trong năm 2013, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) tiếp tục chỉ đạo các địa phương khôi phục, tận dụng và khai thác tối đa diện tích mặt nước hiện có để phát triển nuôi trồng thủy sản.

Tại Thanh Hóa: Đã có 4 hồ, đập tại huyện Tĩnh Gia đã bị tràn, vỡ khiến hàng nghìn hộ dân ở các xã Tân Trường, Trường Lâm, Mai Lâm, Trúc Lâm, Hải Thượng… bị cô lập trong nước lũ. Toàn huyện hiện có gần 2.000 ha lúa mùa đang thời kỳ thu hoạch, 1.500 ha hoa màu vụ đông vừa gieo trồng bị nước cuốn trôi, nhiều nhà dân bị sập đổ và hơn 30 ha nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất muối bị thiệt hại.

Theo chủ các cơ sở chuyên ấp nở giống gia cầm tại xã Yết Kiêu (Gia Lộc - Hải Dương), giá bán gia cầm giống tại lò giảm mạnh so với tháng trước.

Sau ba năm thực hiện chính sách phát triển vùng sản xuất rau chế biến (giai đoạn 2010-2012), tỉnh Bắc Giang đã hình thành hàng chục vùng gieo trồng tập trung quy mô lớn, đáp ứng một phần nguyên liệu cho nhà máy chế biến nông sản. Nhờ đó, nhiều nông dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Kế Sách là vùng trọng điểm nuôi cá tra xuất khẩu của tỉnh Sóc Trăng, nhưng diện tích treo ao đã trên 70%. Những người tâm huyết với nghề giờ cũng ngán ngẫm, đành treo ao để chờ giá đầu ra ổn định, nhưng xem ra tình hình chẳng mấy cải thiện.