Nghiên Cứu Sửa Tiêu Chí Nông Thôn Mới

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến chỉ đạo về việc sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí nông thôn mới.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao các Bộ, ngành chủ động nghiên cứu, rà soát khẩn trương có văn bản hướng dẫn, đề xuất điều chỉnh một số chỉ tiêu, tiêu chí cho phù hợp điều kiện thực tế tại các vùng, địa phương và các đề xuất kiến nghị thực hiện các tiêu chí nông thôn mới trong thời gian tới.
Về xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đánh giá tổng quát kết quả các chương trình mục tiêu quốc gia do Bộ, ngành chủ trì giai đoạn 2010-2015; dự kiến kế hoạch của Bộ, ngành để tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; dự kiến tổng nguồn lực cần huy động, trong đó nguồn lực từ ngân sách Trung ương để thực hiện các vấn đề của Bộ, ngành trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới những năm tiếp theo.
Phó Thủ tướng cũng đồng ý giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Ủy ban Dân tộc khẩn trương thực hiện nghiên cứu đề xuất một số chính sách, cơ chế cách làm đối với các vùng đặc thù (Tây Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung bộ, vùng bãi ngang) để đẩy nhanh tiến độ, chất lượng xây dựng nông thôn mới.
Về đề nghị Chính phủ cho mở rộng thực hiện Bảo hiểm nông nghiệp đối với lúa và một số cây trồng chủ lực khác; chăn nuôi trâu bò, lợn, gia cầm; đồng thời có chính sách khuyến khích các hộ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp tham gia Bảo hiểm nông nghiệp, Phó Thủ tướng đồng ý giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đối với việc kiện toàn tổ chức bộ máy giúp Ban chỉ đạo các cấp để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo hướng có Văn phòng điều phối cấp Trung ương, cấp Tỉnh và cấp huyện; có cán bộ chuyên trách trên cơ sở tổng biên chế được giao.
Trong 9 tháng đầu năm, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân cả nước tăng 8,47 tiêu chí/xã năm 2013 lên 9,64 tiêu chí/xã trong 9 tháng 2014 và dự kiến cuối năm 2014 đạt 10 tiêu chí/xã (tăng 5,3 tiêu chí/xã so với năm 2011); đến nay có 512 xã đạt 19 tiêu chí; có 96,4% số xã phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới; vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân 9 tháng đạt 40% (dự kiến năm 2014 đạt 100%); các công trình kết cấu hạ tầng được các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; thu nhập của dân cư nông thôn năm 2014 tăng (có 34% số xã đạt tiêu chí về hộ nghèo), nhân dân phấn khởi, tin tưởng tham gia vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế. Tiến độ triển khai Chương trình còn chậm so với mục tiêu; việc triển khai vốn trái phiếu Chính phủ còn chậm, việc giám sát, đánh giá kết quả sử dụng vốn còn hạn chế; nhận thức của một bộ phận cán bộ các cấp về những nội dung thiết yếu của Chương trình chưa đầy đủ, việc quan tâm chỉ đạo cấp ủy, chính quyền ở một số nơi chưa sát thực tế, dẫn đến một số nơi còn huy động vốn đóng góp của dân quá mức; một số tiêu chí quốc gia chưa phù hợp thực tiễn, việc sửa đổi, bổ sung còn chậm (cơ sở vật chất văn hóa, y tế, chợ nông thôn, nghĩa trang, nhà ở, giao thông …); môi trường nông thôn có xu hướng ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng, năng lực ứng phó với thiên tai còn nhiều hạn chế.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2013, thực hiện mô hình phát triển nuôi thủy sản mặn lợ, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa đã xây dựng mô hình nuôi cá chim vây vàng trong ao tại gia đình anh Hoàng Văn Tùng ở xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia.

Chỉ tính riêng nửa đầu năm nay, hơn 72.000 con bò Úc đã được nhập khẩu về Việt Nam. Con số này đã ngang bằng với lượng nhập khẩu của cả năm ngoái. Và dự báo đến hết năm, sẽ có tổng cộng khoảng 150.000 con bò Úc đổ bộ để phục vụ người tiêu dùng Việt.

Phòng Kinh tế hạ tầng phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn (Cà Mau) đã hoàn thiện các thủ tục điều kiện đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể đối với thương hiệu cua Năm Căn.

Thời điểm này, khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn đang căng sức đối phó với “mùa đổ bộ của gia cầm lậu”. PV Báo NNVN đã thâm nhập các điểm nóng buôn lậu gia cầm nhức nhối nhất từ trước đến nay. Gia cầm lậu vẫn đổ bộ, tuy nhiên đã giảm so với trước đây.

Là đơn vị đi đầu phát triển nuôi giống cá tầm tại Việt Nam, sau một thời gian nỗ lực và tâm huyết, Tập đoàn Cá tầm Việt Nam đã thành công trong việc xây dựng hệ thống nuôi cá tầm chuẩn mực, khoa học với quy mô rộng khắp, đưa Việt Nam thành một quốc gia dẫn đầu về nuôi và sản xuất một loài cá quý hiếm đang đứng bên bờ tuyệt chủng.