Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nghịch Lý Nhập Khẩu Hạt Giống

Nghịch Lý Nhập Khẩu Hạt Giống
Ngày đăng: 17/09/2014

Là nước nông nghiệp, nhưng VN đang ồ ạt nhập khẩu các loại giống cây trồng, kể cả những giống cây chúng ta hoàn toàn có thể tự sản xuất như cà chua, dưa chuột, đậu bắp... Đây là một nghịch lý và tác hại của nó thì hơn ai hết, chúng ta đã quá thấm thía.

Đó là sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn giống từ nước ngoài, mỗi năm phải đem hàng tỉ USD “đổi” lấy hạt giống và nguy cơ bị ép giá là nhãn tiền. Lợi ích thu về từ đồng ruộng cũng ít đi trông thấy.

Nguy hiểm hơn, một khi phần lớn giống của chúng ta là nhập ngoại, sản xuất ra hàng hóa, bán trong nội địa không có vấn đề gì nhưng xuất khẩu với số lượng lớn ra thị trường thế giới sẽ lại vấp phải vấn đề bản quyền. Thêm vào đó, thị trường hạt giống ở nước ta rất tiềm năng nhưng các doanh nghiệp (DN) trong nước còn nhỏ bé, ít vốn, công nghệ lạc hậu, chỉ chiếm thị phần không đáng kể so với các công ty đa quốc gia đang có mặt tại VN, nên nguy cơ DN nước ta sẽ trở thành nhà phân phối cho các công ty đa quốc gia.

Có quá nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chúng ta phải ồ ạt nhập các loại giống cây trồng. Các DN chọn tạo giống nước ngoài giàu tiềm lực về kinh tế và công nghệ, có thể tạo ra giống lai F1 chất lượng cao. Giống lai ngày càng chiếm ưu thế ở VN vì năng suất cao, có chất lượng đồng đều, phù hợp với công nghệ chế biến và xuất khẩu, đem lại giá trị kinh tế cao.

Trong khi đó, ngành giống của nước ta còn nhiều hạn chế từ khâu chọn tạo giống mới đến mạng lưới sản xuất hạt giống, nhất là công nghiệp hạt giống còn yếu kém; chưa có chính sách đầu tư thỏa đáng cho công tác nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh chế biến, thương mại hạt giống nên chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất thực tế.

Cần thẳng thắn thừa nhận, chúng ta đang thiếu những cán bộ chọn tạo giống xuất sắc và cơ sở vật chất cho ngành công nghiệp này còn rất hạn chế. Trong suốt một thời gian dài, chúng ta chưa có cơ chế để đảm bảo cho cán bộ nghiên cứu giống có thể “sống khỏe” với công việc mình đang làm nên khó thu hút nhân tài vào lĩnh vực này.

Thành ra, ngoài việc cố gắng tạo ra những giống cây như cam không hạt, vải thiều chín sớm…, các nhà chọn tạo giống còn phải chạy đôn chạy đáo làm thêm việc này việc nọ để kiếm sống. Thêm vào đó, chọn tạo và nhân giống ở nước ta mới chỉ ở mức manh mún, phân tán.

Ở các nước, để tạo ra một giống mới, rất nhiều đơn vị cùng bắt tay nghiên cứu, mỗi đơn vị đảm nhận một phần việc. Trong khi ở VN, các viện và trung tâm nghiên cứu còn chồng lấn, nhiều đơn vị cùng tạo một giống nhưng đơn vị nào cũng “ôm” tất cả các khâu và thường thì ít chia sẻ thông tin với nhau.

Để xóa bỏ nghịch lý nước nông nghiệp nhưng ồ ạt nhập khẩu giống cây trồng, rất cần có cuộc cách mạng trong việc tổ chức, quản lý, đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất kinh doanh và thương mại hạt giống, gắn các viện nghiên cứu với DN; thành lập các bộ phận nghiên cứu trong công ty và các công ty trong các viện nghiên cứu, đồng thời tổ chức tốt hệ thống sản xuất hạt giống cộng đồng, tức là có sự tham gia của người dân dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu...

Trong đó, đặc biệt chú trọng đến khâu đào tạo nhân lực, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi về chọn tạo giống và sản xuất giống... với những ông “vua ổi”, “vua mít”, “vua cà chua”… Việc này rất khó nhưng vẫn phải làm. Chúng ta cũng cần xây dựng cơ chế để nhà khoa học chuyên tâm vào công việc của mình, họ phải được hưởng một tỷ lệ phần trăm lợi nhuận từ sản phẩm giống do họ tạo ra.

Các nhà khoa học cũng phải tự đổi mới chính mình về tính thực tiễn và tính tự chủ trong nghiên cứu, DN cần đi đầu trong việc đặt hàng và sử dụng nguồn nhân lực cao cấp trong công tác giống.


Có thể bạn quan tâm

Triển Vọng Nghề Chụp Mực Triển Vọng Nghề Chụp Mực

Ngư dân Nguyễn Vĩnh Phát (thôn Hà Quang, xã Tam Tiến, Núi Thành), chủ tàu cá QNa-00461 có công suất 90CV, cho biết: “Sau tết, vào ngày mùng 5, chúng tôi khởi hành ra khơi đánh bắt hải sản bằng nghề chụp mực. Chuyến biển khởi hành đầu năm thường cho sản lượng lớn do đây là mùa sinh sôi của cá, mực.

06/03/2015
Tất Bật Ra Đồng Sau Tết Tất Bật Ra Đồng Sau Tết

Mấy ngày nay, nhiều nông dân ở Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc) tập trung ra đồng để cải tạo đất, chăm bón và phòng trừ dịch bệnh cho cây màu và chuẩn bị cho vụ mùa mới. Bà Nguyễn Thị Lài ra đồng từ sớm để bón phân cho mấy sào ớt và bắp vừa mới gieo trồng trong vụ đông xuân để kịp thời thu hoạch vào cuối tháng 2 âm lịch sắp tới.

06/03/2015
Núi Thành Xuất Hiện Chuột Hại Lúa Núi Thành Xuất Hiện Chuột Hại Lúa

Nhằm hạn chế những thiệt hại do chuột gây ra, đảm bảo an toàn cho cây lúa đông xuân phát triển trong giai đoạn từ nay đến cuối vụ, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành hướng dẫn nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp diệt chuột bằng các loại bẫy, ưu tiên dùng những loại bẫy bả sinh học để đảm bảo an toàn cho con người và môi trường.

06/03/2015
Nuôi Tôm Nước Lợ 2015 Chủ Động Phòng Tránh Dịch Bệnh Nuôi Tôm Nước Lợ 2015 Chủ Động Phòng Tránh Dịch Bệnh

Theo lịch thời vụ, nuôi tôm nước lợ năm 2015 ở các vùng triều ven sông trên địa bàn tỉnh sẽ được bắt đầu từ ngày 5.3.2015 và kết thúc vào ngày 30.9.2015. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đã có cuộc trao đổi với P.V Báo Quảng Nam về công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi trong vụ mới này.

06/03/2015
Triển Vọng Từ Mô Hình Nuôi Cá Tầm Triển Vọng Từ Mô Hình Nuôi Cá Tầm

Xã Sơn Bua (Sơn Tây) có điều kiện tự nhiên và khí hậu phù hợp để nuôi thủy sản. Vừa qua, huyện đưa cá tầm vào nuôi đã mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản có giá trị cao, mang lại nhiều thay đổi hữu ích cho cuộc sống người dân ở xã vùng cao Sơn Bua.

07/03/2015