Nghịch Lý Nhập Khẩu Hạt Giống

Là nước nông nghiệp, nhưng VN đang ồ ạt nhập khẩu các loại giống cây trồng, kể cả những giống cây chúng ta hoàn toàn có thể tự sản xuất như cà chua, dưa chuột, đậu bắp... Đây là một nghịch lý và tác hại của nó thì hơn ai hết, chúng ta đã quá thấm thía.
Đó là sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn giống từ nước ngoài, mỗi năm phải đem hàng tỉ USD “đổi” lấy hạt giống và nguy cơ bị ép giá là nhãn tiền. Lợi ích thu về từ đồng ruộng cũng ít đi trông thấy.
Nguy hiểm hơn, một khi phần lớn giống của chúng ta là nhập ngoại, sản xuất ra hàng hóa, bán trong nội địa không có vấn đề gì nhưng xuất khẩu với số lượng lớn ra thị trường thế giới sẽ lại vấp phải vấn đề bản quyền. Thêm vào đó, thị trường hạt giống ở nước ta rất tiềm năng nhưng các doanh nghiệp (DN) trong nước còn nhỏ bé, ít vốn, công nghệ lạc hậu, chỉ chiếm thị phần không đáng kể so với các công ty đa quốc gia đang có mặt tại VN, nên nguy cơ DN nước ta sẽ trở thành nhà phân phối cho các công ty đa quốc gia.
Có quá nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chúng ta phải ồ ạt nhập các loại giống cây trồng. Các DN chọn tạo giống nước ngoài giàu tiềm lực về kinh tế và công nghệ, có thể tạo ra giống lai F1 chất lượng cao. Giống lai ngày càng chiếm ưu thế ở VN vì năng suất cao, có chất lượng đồng đều, phù hợp với công nghệ chế biến và xuất khẩu, đem lại giá trị kinh tế cao.
Trong khi đó, ngành giống của nước ta còn nhiều hạn chế từ khâu chọn tạo giống mới đến mạng lưới sản xuất hạt giống, nhất là công nghiệp hạt giống còn yếu kém; chưa có chính sách đầu tư thỏa đáng cho công tác nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh chế biến, thương mại hạt giống nên chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất thực tế.
Cần thẳng thắn thừa nhận, chúng ta đang thiếu những cán bộ chọn tạo giống xuất sắc và cơ sở vật chất cho ngành công nghiệp này còn rất hạn chế. Trong suốt một thời gian dài, chúng ta chưa có cơ chế để đảm bảo cho cán bộ nghiên cứu giống có thể “sống khỏe” với công việc mình đang làm nên khó thu hút nhân tài vào lĩnh vực này.
Thành ra, ngoài việc cố gắng tạo ra những giống cây như cam không hạt, vải thiều chín sớm…, các nhà chọn tạo giống còn phải chạy đôn chạy đáo làm thêm việc này việc nọ để kiếm sống. Thêm vào đó, chọn tạo và nhân giống ở nước ta mới chỉ ở mức manh mún, phân tán.
Ở các nước, để tạo ra một giống mới, rất nhiều đơn vị cùng bắt tay nghiên cứu, mỗi đơn vị đảm nhận một phần việc. Trong khi ở VN, các viện và trung tâm nghiên cứu còn chồng lấn, nhiều đơn vị cùng tạo một giống nhưng đơn vị nào cũng “ôm” tất cả các khâu và thường thì ít chia sẻ thông tin với nhau.
Để xóa bỏ nghịch lý nước nông nghiệp nhưng ồ ạt nhập khẩu giống cây trồng, rất cần có cuộc cách mạng trong việc tổ chức, quản lý, đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất kinh doanh và thương mại hạt giống, gắn các viện nghiên cứu với DN; thành lập các bộ phận nghiên cứu trong công ty và các công ty trong các viện nghiên cứu, đồng thời tổ chức tốt hệ thống sản xuất hạt giống cộng đồng, tức là có sự tham gia của người dân dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu...
Trong đó, đặc biệt chú trọng đến khâu đào tạo nhân lực, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi về chọn tạo giống và sản xuất giống... với những ông “vua ổi”, “vua mít”, “vua cà chua”… Việc này rất khó nhưng vẫn phải làm. Chúng ta cũng cần xây dựng cơ chế để nhà khoa học chuyên tâm vào công việc của mình, họ phải được hưởng một tỷ lệ phần trăm lợi nhuận từ sản phẩm giống do họ tạo ra.
Các nhà khoa học cũng phải tự đổi mới chính mình về tính thực tiễn và tính tự chủ trong nghiên cứu, DN cần đi đầu trong việc đặt hàng và sử dụng nguồn nhân lực cao cấp trong công tác giống.
Có thể bạn quan tâm

Đối mặt với tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi tràn lan từ những tháng đầu năm, nhưng gần đây con tôm đang từng bước phục hồi và đem lại hiệu quả cho địa phương này.

Cuối tháng 11 - thời điểm người dân vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau vào mùa thu hoạch cá sặc rằn (còn gọi cá bổi) cung ứng nhu cầu làm khô dịp Tết Nguyên đán 2014. Người dân đang kỳ vọng giá cá bổi ổn định ở mức cao, để có một cái Tết đầm ấm.

Từ đầu tháng 11 đến nay, ngành chăn nuôi gia cầm tại các tỉnh miền Đông Nam bộ lao đao vì giá thịt và trứng rớt mạnh. Giá bán sản phẩm thấp hơn giá thành khiến nhiều trang trại nuôi gà, vịt đã tính đến giải pháp “treo chuồng” để giảm lỗ.

Với mục tiêu xây dựng và phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn “từ nông trại đến bàn ăn” theo dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi (Lifsap), Hải Phòng đạt kết quả tốt về xây dựng các nhóm GAHP và vùng chăn nuôi VietGap. Tuy nhiên, việc triển khai một số hợp phần khác của dự án vẫn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là các hợp phần xây dựng cơ sở giết mổ an toàn, chợ an toàn thực phẩm. Ban quản lý dự án Lifsap đang triển khai các giải pháp để tăng tốc dự án.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 3.200ha cây ca cao, nhưng từ đầu năm đến nay đã có hơn 600ha cây ca cao bị người dân chặt bỏ. Nguyên nhân là do cây ca cao trồng xen canh dưới tán điều bị sâu bệnh nhiều và hiệu quả không cao. Theo phản ảnh của các chủ vườn, khoảng 2 năm đầu, cây ca cao cho sản lượng khá, sau đó cây ca cao phát triển èo uột, số cây cho trái ít dần, thậm chí bị thối không thu hoạch được.