Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nghị Quyết Bám Đất Làm Giàu

Nghị Quyết Bám Đất Làm Giàu
Ngày đăng: 13/02/2014

Nổi danh là “đất đánh giặc” trên vùng “Đất thép Củ Chi” 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thế nhưng Thái Mỹ cũng có đến hơn 20 năm bị liệt vào xã nghèo nhất huyện Củ Chi.

“Giờ thì khác rồi, xã mình gần 10 năm qua, không có tiêu chí nào trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới chưa đạt được…”. Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ Nguyễn Văn Lâm bắt đầu câu chuyện khi nói về xã nghèo trở thành khá giả.

Những “đại gia miệt vườn”

Để minh chứng cho điều vừa nói, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Lâm mời Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Văn Hoàng dẫn tôi đi thực tế các mô hình kinh tế giàu lên từ đất.

Đầu tiên là hộ bà Lê Thị Huých, chủ cơ sở mây tre lá Thiên Long - người được mệnh danh là “đại gia sọt tre”. “Dân vùng này ai cũng gọi thân mật là chị Ba sọt tre, bởi cách làm ăn của chị đều dựa hết vào dân, vào đất khi nhiều năm qua cơ sở Thiên Long đã làm sống dậy cây tre, cây trúc tưởng đã lụi tàn từ lâu”, anh Nguyễn Văn Hoàng nói.

Gặp chúng tôi, câu đầu tiên chị Ba Huých báo tin mừng là năm 2013, xuất đi Đài Loan (Trung Quốc) được 137 container. Chị Ba Huých nói: “Được con số này coi như đến hơn 80% doanh thu và lợi nhuận chia đều cho gần 3.000 hộ trong xã. Cơ sở cung cấp vành để các hộ tự khai thác tre, trúc trồng quanh nhà làm ra nan rồi đan thành sọt giao lại cơ sở. Như vậy, cả xã nhà nào cũng có việc làm với thu nhập từ bán nguyên liệu đến tiền công khoảng 12 - 14 triệu đồng/tháng cho khoảng 3 lao động - chủ yếu là người già”.

Vừa ra khỏi con đường nhựa thẳng tắp, hai bên là những căn biệt thự, nhà cửa khang trang, chúng tôi bắt gặp những cánh đồng bắp xanh rì. Thấy chúng tôi, chị Nguyễn Thị Lệ (ấp Bình Thượng 2) buông tay cuốc đi vội về bờ ruộng, hồ hởi khoe: “Vụ này nắm chắc hơn 3 tấn anh Hai à”. “Vậy là thua vụ rồi”, nói rồi anh Hoàng sắn quần băng xuống ruộng vạch từng khe lá nhẩm tính năng suất trên thửa ruộng 2,5 công (2.500m2) của chị Lệ: “Nếu trúng khoảnh ruộng này thu được 3,5 tấn bắp giống.

Trừ chi phí nắm chắc lời hơn 10 triệu đồng”. Chỉ tay về cánh đồng gần 300ha của xã, anh Hoàng cho biết hơn 5 năm nay 564 hộ tham gia mô hình trồng bắp giống cho Công ty CP Thái Lan với phương pháp canh tác mới mỗi ha thu hơn 10 tấn bắp giống. Một vụ chỉ hơn 3 tháng mà có hộ 1ha lời 2 đến 3 mươi triệu đồng.

Cách bờ ruộng nhà chị Lệ không xa, chúng tôi bắt gặp những vuông đất được bọc tấm nhựa xung quanh thành từng hồ nước xinh xắn. Anh Nguyễn Bình Tây, giới thiệu: “Xung quanh đây nhà nào cũng nuôi cá trê giống cung cấp cho các tỉnh miền Tây. Mỗi hồ như vậy 1 tháng cho ra 500kg cá giống. Giá bán 50.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lời được một nửa…”. Chỉ sang nhà anh Thịnh bên cạnh, anh Tây nói: “Bên đó nuôi mấy năm rồi, trúng lắm. Nhà nó vừa bán được gần 200 triệu đồng tiền cá, năm nay ăn tết to…”.

Đó là 3 trong gần 20 mô hình kinh tế nông hộ giàu lên tại xã Thái Mỹ những năm qua. Theo anh Nguyễn Văn Hoàng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010 - 2015 xác định bám đất để làm giàu. Tới nay, dù chưa hết nhiệm kỳ nhưng đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu, đưa xã đạt tỷ lệ hộ khá, giàu có lên gần 70%. Hộ nghèo theo tiêu chí mới coi như còn vài trường hợp.

Xã “5 có - 3 không”

Đúc kết từ kết quả xây dựng nông thôn mới những năm qua, Chủ tịch Nguyễn Văn Lâm đưa ra thành quả “5 có” (có sự đồng thuận của nhân dân, có an ninh trật tự được ổn định, có tinh thần đoàn kết tình làng nghĩa xóm, có nhiều nhà ngói khang trang, nhiều tuyến đường sạch đẹp và mọi người dân đều có ý thức chấp hành pháp luật) và “3 không” (không còn hộ nghèo theo tiêu chí cũ, không tội phạm - tệ nạn xã hội và không còn thất nghiệp, thất học). Riêng chuyện nhà cửa và đường sá, xã đã cơ bản ngói hóa, bê tông hóa toàn bộ mái nhà và hơn 70 tuyến đường đi lại giữa các ấp.

Kiên trì với mục tiêu chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong các nghị quyết chuyên đề của các cấp ủy Đảng toàn Đảng bộ luôn lấy nông nghiệp làm trọng tâm của hướng phát triển, coi đất là tiềm năng, thế mạnh, nếu biết khai thác tốt sẽ đem đến sự giàu có, thịnh vượng cho vùng đất giàu truyền thống cách mạng năm xưa.

Chia tay những cán bộ lãnh đạo xã Thái Mỹ giàu tâm huyết, điều đọng lại trong chúng tôi là câu nhắn gửi của Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Lâm: “Rồi anh xem, vài năm nữa quay lại xã Thái Mỹ sẽ có những đổi thay nhiều hơn thế nữa”. Điều chắc chắn là thành quả của sự phát triển những năm qua và tương lai những năm tới của xã Thái Mỹ cũng sẽ là đất và người - sức mạnh biến vùng đất nghèo xưa kia thành khá giả, đi lên của hôm nay…”.


Có thể bạn quan tâm

Phụng Hiệp (Hậu Giang) Triển Vọng Mô Hình Bơm Nước Tập Trung Phụng Hiệp (Hậu Giang) Triển Vọng Mô Hình Bơm Nước Tập Trung

Để phát huy vai trò hệ thống đê bao vùng mía nguyên liệu đang được triển khai tại huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), hiện Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đang thực hiện thí điểm mô hình vuông bơm tập trung tại xã Hiệp Hưng. Tuy mới triển khai, nhưng mô hình đã được ngành chức năng và người dân địa phương đánh giá cao về tính hiệu quả và hứa hẹn nhiều triển vọng trong việc giảm áp lực mía chạy lũ, nâng cao thu nhập cho người dân.

04/11/2014
Cánh Đồng Mẫu Lớn Cho Thu Nhập 48 Triệu Đồng/ha Cánh Đồng Mẫu Lớn Cho Thu Nhập 48 Triệu Đồng/ha

Năm 2014, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) xây dựng được 18 cánh đồng mẫu lớn, gồm 13 cánh đồng mẫu sản xuất lúa và 5 cánh đồng mẫu sản xuất cây rau màu, vượt 15 cánh đồng so với kế hoạch tỉnh giao.

04/11/2014
Phát Triển Cây Bắp Lai Chịu Hạn Nhiều Ưu Điểm Phát Triển Cây Bắp Lai Chịu Hạn Nhiều Ưu Điểm

Dự án này triển khai 3 mô hình: Phát triển cây bắp lai chịu hạn LVN61 phù hợp với điều kiện đầu tư hạn chế của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Thành Sơn; thâm canh tổng hợp tại các xã: Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam, Sơn Bình, Sơn Hiệp và Thành Sơn; xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp kết hợp trồng xen đậu tại xã Sơn Bình.

04/11/2014
Trăn Trở Thương Hiệu Cam Yên Thành (Nghệ An) Trăn Trở Thương Hiệu Cam Yên Thành (Nghệ An)

Từ năm 2007 đến nay, cây cam trên đất Yên Thành (Nghệ An) đã có sự phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao và được xếp là giống cây chủ lực, nhưng đến nay cam Yên Thành vẫn chưa xây dựng được thương hiệu; bà con trồng cam vẫn loay hoay tự tìm đầu ra cho sản phẩm.

04/11/2014
Quýt Đường Long Trị Được Hỗ Trợ Sản Xuất Theo Tiêu Chuẩn VietGAP Quýt Đường Long Trị Được Hỗ Trợ Sản Xuất Theo Tiêu Chuẩn VietGAP

Sở Khoa học và Công nghệ, Liên minh HTX, Sở NN & PTNT tỉnh Hậu Giang vừa có chuyến khảo sát HTX quýt đường Long Trị, ở xã Long Trị, huyện Long Mỹ để hỗ trợ HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hoạt động này nằm trong đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động HTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2014 - 2016, định hướng đến 2020” và đề án 1.000 của tỉnh.

04/11/2014