Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nghề Trồng Dâu Nuôi Tằm

Nghề Trồng Dâu Nuôi Tằm
Ngày đăng: 27/07/2013

Đưa chúng tôi đi thăm những bãi dâu xanh ngát trải dài dọc bờ sông Lô, đồng chí Nguyễn Minh Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long (Yên Sơn) vui mừng cho biết: “Trước đây, người dân xã Tân Long chủ yếu trồng ngô trên những vùng đất soi bãi ven sông nhưng hiệu quả kinh tế không cao vì đất ở đây có nhiều cát, một số loại cây màu khác đã trồng thử nhưng không phù hợp..

Năm 2003, một vài hộ dân trong xã đã chuyển đổi diện tích trồng ngô trên đất soi bãi sang trồng cây dâu tằm và cho  hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô. Thấy được lợi ích đem lại, người dân trong xã đã chuyển đổi nhiều diện tích đất trồng ngô, cây màu không hiệu quả sang trồng cây dâu tằm, từ đó nghề trồng dâu nuôi tằm đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và vươn lên khá giả. Hiện nay, xã Tân Long có 33 hộ dân trồng dâu nuôi tằm với tổng diện tích trên 10 ha”.

Gia đình anh Hoàng Văn Kính, thôn 10, xã Tân Long, là một trong những hộ đi tiên phong trong nghề trồng dâu nuôi tằm và cũng là hộ có diện tích đất trồng dâu nhiều nhất xã. Bên những nong tằm  đã quấn kén vàng óng, anh Kính vui vẻ cho biết: “Năm 2003, gia đình tôi bắt đầu trồng dâu nuôi tằm trên diện tích 10 sào đất soi bãi. Những năm đầu nuôi tằm, do chưa có kinh nghiệm nên năng suất chưa cao.

Chỉ đến khi tôi được xã cho đi học lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng tằm và được UBND huyện hỗ trợ vốn vay, cây giống có năng suất cao, kháng sâu bệnh tốt nên nghề nuôi tằm đã dần ổn định và hiệu quả kinh tế đã dần tăng lên. Mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch kén 20 lần, mỗi lần được hơn 50 kg, với giá bán 90 nghìn đồng/kg, mỗi năm gia đình thu khoảng 100 triệu đồng từ nuôi tằm, so với trồng lúa hiệu quả cao gấp 4 lần”.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thắng, thôn 10, từ trồng dâu nuôi tằm đã xây được nhà khang trang và có của ăn, của để. Ông Thắng tâm sự: Trước đây, khi chưa nuôi tằm, gia đình tôi thuộc diện khó khăn trong xã, có khi phải bán con gà để có tiền trả tiền điện và đóng tiền học cho con. Nhưng từ khi nuôi tằm, gia đình tôi đã bớt khó khăn và cuộc sống ngày càng khấm khá hơn. Với 7 sào đất soi bãi trồng dâu nuôi tằm, mỗi năm gia đình tôi thu 50 triệu đồng từ tiền bán kén tằm, tôi sắm sửa được đồ đạc trong nhà và mua xe máy, các con tôi đã có việc làm ổn định.

Thành công của những hộ trồng dâu nuôi tằm đi trước đã khuyến khích và làm mô hình để nhiều hộ khác trong xã Tân Long học tập, làm theo. Có nhiều hộ cũng đã thành công và đang dần nhân rộng mô hình này. Anh Chu Văn Đáng, thôn 10, xã Tân Long trước đây là công nhân Công ty cổ phần Xi măng Tuyên Quang, do điều kiện sức khỏe nên công ty đã cho anh về nghỉ chế độ. Gia đình anh Đáng có 2 sào đất soi bãi, năm 2012 anh Đáng bắt đầu trồng dâu nuôi tằm, đến nay anh đã thu hoạch được 4 lần và thu được 10 triệu đồng từ bán kén. Với kết quả khả quan như vậy nên anh Đáng đang có dự định trong thời gian tới sẽ mở rộng diện tích trồng dâu để tăng thu nhập cho gia đình.

Đồng chí Trịnh Hương Giang, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Yên Sơn phụ trách địa bàn xã Tân Long là người đã có nhiều năm gắn bó và tâm huyết với việc phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm xã Tân Long nhận định: “Nghề này rất có tương lai bởi việc trồng dâu không khó với bà con nông dân.

Chỉ cần bỏ thêm công nuôi tằm sau mỗi vụ thu hoạch kén đã giúp bà con tăng thêm thu nhập. Điều thuận lợi là tằm có thể nuôi và lấy kén quanh năm theo từng đợt. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Yên Sơn đã có chủ trương khuyến khích phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm tại xã Tân Long.

Huyện giao cho Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ bà con nông dân về kỹ thuật chăm sóc cây dâu, nuôi tằm lấy kén, từng bước quy hoạch vùng chuyên canh trồng dâu tập trung và thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi cho người trồng dâu nuôi tằm như: Tạo điều kiện cho vay vốn; cung ứng các giống tằm, giống dâu có năng suất, chất lượng, đồng thời, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi tằm và khuyến khích các hộ chuyển đất ruộng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng dâu, nuôi tằm.


Có thể bạn quan tâm

Thủ Tướng Phê Duyệt Chương Trình Phát Triển 5 Ngành Có Lợi Thế Thủ Tướng Phê Duyệt Chương Trình Phát Triển 5 Ngành Có Lợi Thế

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Chương trình đồng bộ phát triển và nâng cấp cụm ngành và chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh thuộc 5 ngành: điện tử và công nghệ thông tin, dệt may, chế biến lương thực thực phẩm, máy nông nghiệp, du lịch và dịch vụ liên quan.

21/01/2015
Thu Tiền Triệu Mỗi Ngày Nhờ Bán Mật Ong Rừng Thu Tiền Triệu Mỗi Ngày Nhờ Bán Mật Ong Rừng

Anh Đồng Văn Vũ ở ấp Đồng Ky, xã Quốc Thái, huyện An Phú (An Giang) có nhiều năm trong nghề săn bắt ong rừng, cho biết: “Thời điểm cận tết cho đến đầu mùa mưa là khoảng thời gian khai thác mật chính vụ. Khoảng thời gian đó, chất lượng mật rất tốt, sản lượng cao hơn so với mật khai thác vào những tháng mùa mưa”.

21/01/2015
Kiểng Bắp Chơi Tết Được Ưa Chuộng Kiểng Bắp Chơi Tết Được Ưa Chuộng

Nhiều năm gắn bó với nghề sản xuất hoa kiểng bán tết, anh Nguyễn Văn Ngõ ở ấp Quốc Khánh, xã Quốc Thái, huyện An Phú (An Giang), cho biết: “Năm nay, ngoài trồng những loại hoa kiểng bán vào dịp tết như vạn thọ, cúc mâm xôi, hướng dương tôi còn trồng thêm 200 chậu bắp để cung ứng cho nhu cầu Tết Ất Mùi này”.

21/01/2015
Nông Nghiệp Công Nghệ Cao Đạt 2,5 Tỷ Đồng/ha/năm Nông Nghiệp Công Nghệ Cao Đạt 2,5 Tỷ Đồng/ha/năm

Mô hình rau áp dụng công nghệ tưới phun và tưới nhỏ giọt của Cty Khang Thịnh, chi nhánh Netafim Lâm Đồng, tại huyện Đức Trọng, ông Vũ Kiên Trung, đại diện Netafim Việt Nam trình bày về các giải pháp hiệu quả để tưới tiết kiệm mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh. Nhờ mô hình tưới tiêu thông minh này mà nhà vườn có thể tiết kiệm được một khoản chi phí lớn, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành nông phẩm để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.

21/01/2015
Xuất Khẩu Gạo Khó Ngay Từ Đầu Năm Xuất Khẩu Gạo Khó Ngay Từ Đầu Năm

Hồi tháng 11 năm ngoái, VFA đã đưa ra giá sàn mới cho gạo XK là 380 USD/tấn (loại 25% tấm), giảm 30 USD/tấn so với giá sàn của loại gạo này được đưa ra vào tháng 7 cùng năm. Vừa qua, Hiệp hội này đã điều chỉnh lại giá sàn gạo 25% tấm xuống còn 360 USD/tấn, thời hạn bắt đầu áp dụng là từ 12/1/2015.

21/01/2015