Nghề Trồng Dâu Nuôi Tằm

Đưa chúng tôi đi thăm những bãi dâu xanh ngát trải dài dọc bờ sông Lô, đồng chí Nguyễn Minh Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long (Yên Sơn) vui mừng cho biết: “Trước đây, người dân xã Tân Long chủ yếu trồng ngô trên những vùng đất soi bãi ven sông nhưng hiệu quả kinh tế không cao vì đất ở đây có nhiều cát, một số loại cây màu khác đã trồng thử nhưng không phù hợp..
Năm 2003, một vài hộ dân trong xã đã chuyển đổi diện tích trồng ngô trên đất soi bãi sang trồng cây dâu tằm và cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô. Thấy được lợi ích đem lại, người dân trong xã đã chuyển đổi nhiều diện tích đất trồng ngô, cây màu không hiệu quả sang trồng cây dâu tằm, từ đó nghề trồng dâu nuôi tằm đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và vươn lên khá giả. Hiện nay, xã Tân Long có 33 hộ dân trồng dâu nuôi tằm với tổng diện tích trên 10 ha”.
Gia đình anh Hoàng Văn Kính, thôn 10, xã Tân Long, là một trong những hộ đi tiên phong trong nghề trồng dâu nuôi tằm và cũng là hộ có diện tích đất trồng dâu nhiều nhất xã. Bên những nong tằm đã quấn kén vàng óng, anh Kính vui vẻ cho biết: “Năm 2003, gia đình tôi bắt đầu trồng dâu nuôi tằm trên diện tích 10 sào đất soi bãi. Những năm đầu nuôi tằm, do chưa có kinh nghiệm nên năng suất chưa cao.
Chỉ đến khi tôi được xã cho đi học lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng tằm và được UBND huyện hỗ trợ vốn vay, cây giống có năng suất cao, kháng sâu bệnh tốt nên nghề nuôi tằm đã dần ổn định và hiệu quả kinh tế đã dần tăng lên. Mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch kén 20 lần, mỗi lần được hơn 50 kg, với giá bán 90 nghìn đồng/kg, mỗi năm gia đình thu khoảng 100 triệu đồng từ nuôi tằm, so với trồng lúa hiệu quả cao gấp 4 lần”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thắng, thôn 10, từ trồng dâu nuôi tằm đã xây được nhà khang trang và có của ăn, của để. Ông Thắng tâm sự: Trước đây, khi chưa nuôi tằm, gia đình tôi thuộc diện khó khăn trong xã, có khi phải bán con gà để có tiền trả tiền điện và đóng tiền học cho con. Nhưng từ khi nuôi tằm, gia đình tôi đã bớt khó khăn và cuộc sống ngày càng khấm khá hơn. Với 7 sào đất soi bãi trồng dâu nuôi tằm, mỗi năm gia đình tôi thu 50 triệu đồng từ tiền bán kén tằm, tôi sắm sửa được đồ đạc trong nhà và mua xe máy, các con tôi đã có việc làm ổn định.
Thành công của những hộ trồng dâu nuôi tằm đi trước đã khuyến khích và làm mô hình để nhiều hộ khác trong xã Tân Long học tập, làm theo. Có nhiều hộ cũng đã thành công và đang dần nhân rộng mô hình này. Anh Chu Văn Đáng, thôn 10, xã Tân Long trước đây là công nhân Công ty cổ phần Xi măng Tuyên Quang, do điều kiện sức khỏe nên công ty đã cho anh về nghỉ chế độ. Gia đình anh Đáng có 2 sào đất soi bãi, năm 2012 anh Đáng bắt đầu trồng dâu nuôi tằm, đến nay anh đã thu hoạch được 4 lần và thu được 10 triệu đồng từ bán kén. Với kết quả khả quan như vậy nên anh Đáng đang có dự định trong thời gian tới sẽ mở rộng diện tích trồng dâu để tăng thu nhập cho gia đình.
Đồng chí Trịnh Hương Giang, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Yên Sơn phụ trách địa bàn xã Tân Long là người đã có nhiều năm gắn bó và tâm huyết với việc phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm xã Tân Long nhận định: “Nghề này rất có tương lai bởi việc trồng dâu không khó với bà con nông dân.
Chỉ cần bỏ thêm công nuôi tằm sau mỗi vụ thu hoạch kén đã giúp bà con tăng thêm thu nhập. Điều thuận lợi là tằm có thể nuôi và lấy kén quanh năm theo từng đợt. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Yên Sơn đã có chủ trương khuyến khích phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm tại xã Tân Long.
Huyện giao cho Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ bà con nông dân về kỹ thuật chăm sóc cây dâu, nuôi tằm lấy kén, từng bước quy hoạch vùng chuyên canh trồng dâu tập trung và thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi cho người trồng dâu nuôi tằm như: Tạo điều kiện cho vay vốn; cung ứng các giống tằm, giống dâu có năng suất, chất lượng, đồng thời, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi tằm và khuyến khích các hộ chuyển đất ruộng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng dâu, nuôi tằm.
Có thể bạn quan tâm

Theo TTXVN, trước tình trạng chất lượng con tôm giống chưa được kiểm soát tốt, Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh gấp rút triển khai chương trình quy hoạch vùng sản xuất giống thủy sản tập trung đến năm 2020.

Vietfish 2014 có sự tham gia của 173 đơn vị; trong đó, có 60 doanh nghiệp thủy sản và 113 doanh nghiệp dịch vụ. Tuy nhiên, Hội chợ năm nay thiếu vắng nhiều doanh nghiệp mạnh về lĩnh vực chế biến, xuất khẩu cá tra.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh vừa quyết định chi ngân sách hơn 690 triệu đồng lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc bằng nguồn năng lượng mặt trời trên tàu cá.

Mục tiêu đặt ra cho vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2014 toàn tỉnh Cà Mau trên 43.000 ha. Thế nhưng, theo bà con nông dân, năm nay việc sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm sẽ gặp nhiều khó khăn hơn những năm trước. Chính điều đó khiến nông dân lưỡng lự trong việc chọn giống cũng như thời gian xuống giống.

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Trà Vinh đang triển khai chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân thực hiện mô hình nuôi gà thịt sử dụng đệm lót sinh học. Ðây là mô hình đã được chăn nuôi thực nghiệm trên địa bàn tỉnh trong năm 2013 và cho hiệu quả kinh tế khá cao.