Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nghề Nuôi Ong Mật

Nghề Nuôi Ong Mật
Ngày đăng: 24/01/2014

Từ tháng 11 đến tháng Giêng, đưa ong vào Bình Phước lấy mật hoa điều, cao su; đến tháng 2 lên Tây nguyên lấy mật hoa cà phê; tháng 5 ra Bắc lấy mật hoa vải... đó là chu kỳ trong năm của những người nuôi ong lấy mật.

Quanh năm rong ruổi khắp nơi với vô vàn khó khăn, thử thách, nhưng nghề này vẫn có sức hút đối với nhiều người. Họ theo nghề không chỉ để làm giàu mà còn để khám phá, trải nghiệm qua những vùng đất lạ.

Giàu nhờ ong, sạt nghiệp cũng vì ong

Nuôi ong lấy mật là nghề ăn nên làm ra nhưng cũng lắm bấp bênh, chìm nổi. Có người giàu lên nhưng cũng không ít người tan gia bại sản vì ong!

Lộc của trời

Trên địa bàn tỉnh Bình Phước thời gian này rất dễ bắt gặp các lán trại được dựng tạm giữa vườn điều, cao su. Đó là trại ong của những người đến từ Tây Ninh, Đắk Lắk, Bắc Giang, Tiền Giang... Họ đưa ong đến đây ăn mật khi mùa hoa điều nở.

Tại xã Đồng Tiến (Đồng Phú), hàng ngàn thùng ong được đặt thẳng hàng giữa vườn cao su, với hàng triệu con ong đang cần mẫn tìm những giọt mật thơm. Gần đó những người thợ tấp nập lấy mật ong khi đến kỳ, chiếc máy quay mật cứ đều đều làm việc để những giọt mật thơm, vàng óng từ từ chảy ra. Vừa đưa những cầu ong vào máy, anh Vũ Tiến Hoàng (51 tuổi), ngụ xã Tiến Thành (TX. Đồng Xoài) cho biết, năm nay thời tiết đẹp nên ong cho mật nhiều. Tôi đặt 350 thùng ong, mỗi lần thu hơn 2 tấn mật (mỗi tháng ít nhất hai lần thu). Vụ này nếu mật ong vẫn giữ giá 30.000/kg thì mỗi tháng, 5 trại ong của tôi lãi từ 600 - 800 triệu đồng”.

Anh Vũ Tiến Hoàng được biết đến là người đầu tiên và cũng là người nuôi ong nhiều nhất nhì tỉnh Bình Phước. Vào nghề từ năm 1998, chỉ với 100 thùng ong, sau hơn 15 năm, anh đã tạo dựng được cơ nghiệp mà nhiều người trong nghề mơ ước. Hiện tại anh đang sở hữu 5 trại ong với hơn 1.500 thùng, trung bình mỗi năm cho thu nhập cả tỷ đồng.

Đưa chúng tôi thăm trại ong, anh Hoàng kể, nghề “ăn lộc trời” khi gặp may thì trúng tiền tỷ nhưng cũng có lúc về tay không. Nghề này vất vả hơn so với nhiều nghề khác nhưng nếu có tâm huyết, cần cù chịu khó thì trời không phụ lòng người. Hơn nữa, nước ta được người trong nghề gọi là thiên đường của loài ong khi có điều kiện tự nhiên lý tưởng.

Ở Tây nguyên có cây cà phê, ở miền Đông Nam bộ có cây ăn trái là nguồn mật dồi dào cho người nuôi ong khai thác. Bình Phước có khí hậu ổn định, con ong không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, đây còn là vựa điều, cao su của cả nước, vì thế khi đến mùa thì có hàng trăm trại ong từ khắp nơi về đây lấy mật. Cũng vì thế mà những năm gần đây phong trào nuôi ong nở rộ, nhiều người bỏ vốn ra đầu tư làm trang trại lớn và đã có nhiều hộ giàu lên nhờ nuôi ong.

Ôm nợ cũng vì ong

Sau khi chia sẻ với chúng tôi về công việc làm ăn thuận lợi từ khi đem ong từ Tiền Giang lên Bình Phước lấy mật, anh Nguyễn Văn Hoan (46 tuổi) thoáng buồn khi nhắc đến những thất bại của những người cùng làm nghề mà anh biết. “Làm nghề này, may mắn thì giàu rất nhanh nhưng trắng tay cũng chỉ trong nháy mắt”. Qua câu chuyện của anh, chúng tôi được biết năm 2011, nghe tin ở miền Trung có cây tràm cho mật nhiều. Dù chưa biết gì về miền đất này nhưng anh N.T.T đưa ong ra đây thử vận may. Nào ngờ mới ra được ít ngày, toàn bộ đàn ong lăn ra chết.

Bao nhiêu vốn liếng vay mượn đầu tư vào con ong tiêu tan. Quay về với những thùng ong rỗng trên xe, tiền đầu tư vào ong mất đã đành, tiền thuê xe vận chuyển cả trăm triệu đồng không biết lấy đâu để trả. Nợ nần, tình cảm gia đình rạn nứt. Chán nản anh bỏ nghề từ đó. Nguyên nhân ong chết là do thay đổi thời tiết đột ngột, ở miền Nam thời tiết đang dịu mát, ra miền Trung nắng nóng, ong không thích nghi kịp.

Năm 2011, hàng trăm trại ong ở Đắk Lắk, Bình Phước, Long An... ôm nợ khi giá ong đột ngột giảm chỉ còn 8.000 - 10.000 đồng/kg. Giá bán thấp trong khi chi phí đầu tư cao nên nhiều chủ trại phải bỏ nghề, một số khá hơn vẫn còn đam mê nghề thì thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vay tiền để có vốn đầu tư lại.

Để đầu tư một trại ong 350 thùng phải có từ 400 triệu đồng trở lên, bao gồm các khoản phí mua ong giống, cầu ong, thức ăn... Vì vậy khi gặp chuyện rủi ro, thiệt hại cho người nuôi ong rất lớn. Ngoài ra, làm nghề này rủi ro rất cao, đó là những chuyến đi xa không may bị tai nạn, ong nằm giữa đường vài ngày sẽ chết vì nóng. Ong rất nhạy cảm khi thay đổi thời tiết thất thường hay chuyển mùa sẽ sinh bệnh tiêu chảy, thối ấu trùng. Nếu ăn phải mật hoa có thuốc bảo vệ thực vật thì đàn ong không thể cứu vãn, thiệt hại không thể kể hết.


Có thể bạn quan tâm

Trồng Lúa, Nuôi Lợn Thời Biến Đổi Khí Hậu Trồng Lúa, Nuôi Lợn Thời Biến Đổi Khí Hậu

Giao Thủy (Nam Định) là một trong những huyện thuần nông chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu (BĐKH). Ở huyện này, bà con nông dân đã sớm nhận thức được tác động của BĐKH và đã có những giải pháp ứng phó thiết thực.

01/04/2014
Bộ Trưởng Yêu Cầu Chấn Chỉnh Công Tác Thanh Tra Chuyên Ngành Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn Bộ Trưởng Yêu Cầu Chấn Chỉnh Công Tác Thanh Tra Chuyên Ngành Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT vừa có công văn số 1008/BNN-TTr gửi các Tổng cục, các Cục thuộc Bộ và các Sở NN-PTNT trên cả nước, về việc chấn chỉnh công tác thanh tra chuyên ngành NN-PTNT.

01/04/2014
Thành Lập Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam Thành Lập Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thành lập Học viện Nông nghiệp Việt Nam trên cơ sở tổ chức lại Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.

01/04/2014
Khốn Đốn Vì Tin Đồn Khốn Đốn Vì Tin Đồn

Thông tin về xoài Trung Quốc ngâm hóa chất bày bán tràn lan ở Hà Nội do một tờ báo chính thống đăng tải, rồi một số trang tin điện tử nhanh chóng đăng lại mấy ngày hôm nay đang khiến dư luận hoang mang. Nông dân trồng xoài thì lại một phen khốn đốn. Giá xoài rớt xuống chỉ còn chưa đến 10 nghìn đồng/kg.

01/04/2014
Nông Dân Lãng Phí 2 Tỷ USD/năm Tiền Phân Bón Nông Dân Lãng Phí 2 Tỷ USD/năm Tiền Phân Bón

Tại hội thảo quốc gia “Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón ở Việt Nam” vừa được tổ chức mới đây, Hiệp hội Phân bón Việt Nam nêu ra một số liệu thống kê khiến nhiều người giật mình: Trung bình mỗi năm, nông dân Việt Nam lãng phí 2 tỷ USD vì sử dụng phân bón không đúng cách. Trong con số 2 tỷ USD này, có một phần của nông dân tỉnh Lâm Đồng.

01/04/2014