Nghề Nuôi Cá Lồng Ở Chiềng Hoa (Sơn La)

Phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông Đà đang là hướng đi mới của xã Chiềng Hoa (Mường La - Sơn La) trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Ông Lường Văn Phận, Chủ tịch UBND xã thông tin: Hiện, xã có 18 ha mặt nước, phân bổ ở 8/21 bản. Nước hồ trong quanh năm, không bị nhiễm bẩn, thuận lợi cho phát triển nuôi cá lồng. Hằng năm, xã đã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cụ thể cho Hội Nông dân xã; chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền cho người dân những lợi thế trong việc phát triển nghề nuôi thủy sản trên vùng lòng hồ, tập trung ở các bản ven sông Đà, như: Hát Hay, Tà Lành, Phiêng Xạ, Huổi Pù, Nà Sàng, Tả và Áng. Đồng thời, phối hợp với các chương trình, dự án tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi cá lồng, cách phòng chống các bệnh cho cá.
Đến nay, hầu hết bà con đã biết cách chăm sóc và phòng các bệnh cho cá; sử dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương như tre, gỗ đóng lồng cá; một số hộ đầu tư đóng lồng bằng ống nhựa, sử dụng phao nổi, nuôi cá bằng lồng lưới.
3 năm gần đây, được sự giúp đỡ của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh và được đầu tư chiều sâu.
Ngoài đầu tư về kinh phí, Chi cục đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã tổ chức cho nhân dân tham quan học tập kinh nghiệm ở những vùng đã nuôi cá lồng; hướng dẫn nông dân cách làm lồng cá, chăm sóc cá trong từng giai đoạn sinh trưởng, kiểm tra thức ăn và lượng cá ăn hằng ngày để điều chỉnh phù hợp; kiểm tra lồng thường xuyên, vệ sinh lồng định kì...
Từ năm 2012 đến nay, xã được huyện hỗ trợ 7 lồng cá, với mức hỗ trợ 18 triệu đồng/lồng; Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản hỗ trợ 2 lồng. Hiện toàn xã có 22 lồng nuôi các loại cá trắm cỏ, chép, rô phi lai, trôi... sản lượng bình quân từ 2,5 - 3 tạ cá/lồng, trừ chi phí lãi 15-20 triệu đồng/lồng.
Là hộ nghèo, anh Hoàng Văn Đức, bản Tả được hỗ trợ nuôi cá lồng, ngay vụ đầu tiên đã thu nhập hơn 50 triệu đồng. Anh Đức kể: Năm 2012, tôi được hỗ trợ nuôi 1 lồng cá và được tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng. Áp dụng kiến thức vào thực tế nuôi cá, vụ đầu tiên, tôi thu lãi 17 triệu đồng.
Kết quả đó đã giúp tôi mạnh dạn đầu tư tiếp 2 lồng cá nữa. Tôi rút ra kinh nghiệm nuôi cá từ tháng 8 năm trước đến tháng 5 năm sau, khi nước hồ lên thì thả cá trắm, chép, rô phi, nguồn thức ăn chủ yếu là ngô, cám gạo và sắn, điều quan trọng là giữ vệ sinh môi trường nước, để tránh dịch bệnh. Cá lồng bán được giá, thu hoạch đến đâu, thương lái đến tận hồ mua, trung bình từ 90 - 100 nghìn đồng/kg.
Nghề nuôi cá lồng trên địa bàn xã Chiềng Hoa đã và đang mở ra hướng đi mới cho người dân. Huyện Mường La cũng đã quy hoạch thành vùng phát triển thủy sản của huyện; xây dựng cơ sở sản xuất các loại cá giống truyền thống; cử cán bộ đi học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nhân dân...
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự cố gắng nỗ lực của người dân, nghề nuôi cá lồng ở xã đã và đang được nhân rộng, góp phần thực hiện hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.
Có thể bạn quan tâm

Mới đây, Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh tổ chức kiểm tra 20 xe nhập tôm giống vào tỉnh và 10 cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh.

Để chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân, nông dân sử dụng nhiều loại thuốc BVTV để diệt ốc, diệt cỏ… sau đó xả thẳng xuống sông. Lượng nước nhiễm độc cùng các mầm bệnh khiến cá nuôi tại các làng bè trong tỉnh chết hàng loạt.

Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm 2014 đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là 49.794 ha, hơn 2.000 lồng có tôm hùm bị bệnh và hơn 9.000 ha bị thiệt hại do môi trường ô nhiễm. Một số dịch bệnh quan trọng trên tôm (bệnh đốm trắng), trên cá tra (bệnh gan thận mủ, xuất huyết), trên tôm hùm (bệnh sữa) và thiệt hại do ô nhiễm môi trường liên tục có chiều hướng gia tăng; gây tổn thất hàng nghìn tỷ đồng của người nuôi trồng thủy sản, ngân sách nhà nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu thủy sản của nước ta.

Là huyện có chiều dài bờ biển trên 15km, Kim Sơn có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế, nhất là nghề nuôi trồng thủy sản. Nhờ phát triển nghề nuôi thủy sản mà đời sống của người dân nơi đây đã được cải thiện đáng kể, bộ mặt nông thôn mới ngày càng hiện ra rõ nét. Đặc biệt, những năm gần đây Kim Đông đã bứt phá vươn lên mạnh mẽ để trở thành một trong 2 xã của huyện về đích nông thôn mới vào cuối năm 2014.

Màn đêm còn tối mịt. Vậy mà, những cái “chợ ma” vẫn hoạt động nhộn nhịp. Tiếng máy nổ xình xịch, tiếng kỳ kèo trả giá giữa những bạn hàng xa và “ngư phủ” trong đêm trở nên ấm áp. Tám Tăng (62 tuổi) lái chiếc ghe đục chạy từ hướng Tri Tôn qua Vĩnh Hanh (Châu Thành, An Giang) nhá chiếc đèn pha lia lịa về cái “chợ ma” để báo hiệu ghe cá sắp cặp bến.