Nghề Nuôi Cá Lồng Ở Chiềng Hoa (Sơn La)

Phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông Đà đang là hướng đi mới của xã Chiềng Hoa (Mường La - Sơn La) trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Ông Lường Văn Phận, Chủ tịch UBND xã thông tin: Hiện, xã có 18 ha mặt nước, phân bổ ở 8/21 bản. Nước hồ trong quanh năm, không bị nhiễm bẩn, thuận lợi cho phát triển nuôi cá lồng. Hằng năm, xã đã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cụ thể cho Hội Nông dân xã; chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền cho người dân những lợi thế trong việc phát triển nghề nuôi thủy sản trên vùng lòng hồ, tập trung ở các bản ven sông Đà, như: Hát Hay, Tà Lành, Phiêng Xạ, Huổi Pù, Nà Sàng, Tả và Áng. Đồng thời, phối hợp với các chương trình, dự án tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi cá lồng, cách phòng chống các bệnh cho cá.
Đến nay, hầu hết bà con đã biết cách chăm sóc và phòng các bệnh cho cá; sử dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương như tre, gỗ đóng lồng cá; một số hộ đầu tư đóng lồng bằng ống nhựa, sử dụng phao nổi, nuôi cá bằng lồng lưới.
3 năm gần đây, được sự giúp đỡ của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh và được đầu tư chiều sâu.
Ngoài đầu tư về kinh phí, Chi cục đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã tổ chức cho nhân dân tham quan học tập kinh nghiệm ở những vùng đã nuôi cá lồng; hướng dẫn nông dân cách làm lồng cá, chăm sóc cá trong từng giai đoạn sinh trưởng, kiểm tra thức ăn và lượng cá ăn hằng ngày để điều chỉnh phù hợp; kiểm tra lồng thường xuyên, vệ sinh lồng định kì...
Từ năm 2012 đến nay, xã được huyện hỗ trợ 7 lồng cá, với mức hỗ trợ 18 triệu đồng/lồng; Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản hỗ trợ 2 lồng. Hiện toàn xã có 22 lồng nuôi các loại cá trắm cỏ, chép, rô phi lai, trôi... sản lượng bình quân từ 2,5 - 3 tạ cá/lồng, trừ chi phí lãi 15-20 triệu đồng/lồng.
Là hộ nghèo, anh Hoàng Văn Đức, bản Tả được hỗ trợ nuôi cá lồng, ngay vụ đầu tiên đã thu nhập hơn 50 triệu đồng. Anh Đức kể: Năm 2012, tôi được hỗ trợ nuôi 1 lồng cá và được tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng. Áp dụng kiến thức vào thực tế nuôi cá, vụ đầu tiên, tôi thu lãi 17 triệu đồng.
Kết quả đó đã giúp tôi mạnh dạn đầu tư tiếp 2 lồng cá nữa. Tôi rút ra kinh nghiệm nuôi cá từ tháng 8 năm trước đến tháng 5 năm sau, khi nước hồ lên thì thả cá trắm, chép, rô phi, nguồn thức ăn chủ yếu là ngô, cám gạo và sắn, điều quan trọng là giữ vệ sinh môi trường nước, để tránh dịch bệnh. Cá lồng bán được giá, thu hoạch đến đâu, thương lái đến tận hồ mua, trung bình từ 90 - 100 nghìn đồng/kg.
Nghề nuôi cá lồng trên địa bàn xã Chiềng Hoa đã và đang mở ra hướng đi mới cho người dân. Huyện Mường La cũng đã quy hoạch thành vùng phát triển thủy sản của huyện; xây dựng cơ sở sản xuất các loại cá giống truyền thống; cử cán bộ đi học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nhân dân...
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự cố gắng nỗ lực của người dân, nghề nuôi cá lồng ở xã đã và đang được nhân rộng, góp phần thực hiện hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.
Có thể bạn quan tâm

Với gần 482 tổ, hợp tác xã hoạt động trong nhiều lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho các thành viên, kích thích nền kinh tế tập thể phát triển mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, đa dạng hóa ngành, nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.

Hiện các hộ dân tích cực vệ sinh vườn thanh long sạch, thông thoáng, tỉa bỏ và tiêu hủy triệt để mầm bệnh bằng cách thu gom các bộ phận cây, quả bị nhiễm bệnh đem chôn sâu hoặc dồn đống sau đó rắc vôi và tủ bạt, không để các tác nhân gây bệnh phân tán trong không khí. Qua thực hiện chiến dịch giúp nông nhận thức rõ hơn về bệnh đốm trắng và tích cực phòng trị theo phương pháp tổng hợp IPM.

Cuộc họp triển khai công tác phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, đảm bảo sản xuất vụ đông xuân 2014-2015 khu vực Trung bộ tổ chức tại TP.Phan Thiết mới đây xoay quanh 2 nội dung. Đó là phản ánh tình trạng thiếu nước tại các công trình thủy lợi trên toàn miền Trung trong diễn biến của hiện tượng El Nino và đốc thúc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng cạn.

Nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Đồng Tháp có lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Từ đó đã hình thành các vùng nông nghiệp chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những năm gần đây, bên cạnh việc phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn, chính quyền các địa phương và nông dân cũng đã năng động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hình thành được chuỗi khép kín thông qua mối liên kết “4 nhà”.

Năng suất lúa bình quân đạt 57,3 tạ/ha, tăng 2,1%, sản lượng tăng 1,1%; so với năm 2013. Cây bắp năng suất ước đạt 54,8 tạ/ha, sản lượng 57.746 tấn. So với kế hoạch, năng suất tăng 3,4%, sản lượng tăng 2,1%. Các loại cây trồng ngắn ngày, cây chủ lực như mía và mì đều tăng trưởng đạt kế hoạch về diện tích, sản lượng.